Xã hội

Hưởng lợi từ hợp tác quốc tế

Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành) đã và đang nỗ lực đưa các ngành nghề đào tạo của trường tiến đến trình độ được quốc tế công nhận.

Sinh viên Trường cao đẳng nghề Lilama 2 thực hành trên máy cắt gọt kim loại CNC hiện đại nhất của Đức hiện nay. Ảnh: C.NGHĨA
Sinh viên Trường cao đẳng nghề Lilama 2 thực hành trên máy cắt gọt kim loại CNC hiện đại nhất của Đức hiện nay. Ảnh: C.NGHĨA

TS.Lê Văn Hiền, Chủ tịch hội đồng Trường cao đẳng nghề Lilama 2, cho biết để có các ngành nghề đào tạo được quốc tế công nhận là điều không hề dễ dàng. Cần phải có thay đổi rất lớn về tư duy, đồng bộ từ giáo trình tới thiết bị đào tạo nghề, đặc biệt là kết nối với doanh nghiệp.

Hướng tới lao động toàn cầu

 Ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho biết: “Những mô hình hợp tác thực hiện tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 thực sự là một chuẩn mực quốc tế. Để tận dụng được điều này, cần làm cho học viên nhận thức được lợi ích và tương lai tươi sáng của việc học nghề bài bản mà xã hội đang rất cần, thay việc vào đại học bằng mọi giá”.

Trường cao đẳng nghề Lilama 2 là trường đi sớm nhất trong số các trường nghề ở Đồng Nai trong việc tìm hướng để chuẩn hóa các ngành nghề đạt tới trình độ quốc tế. Các ngành nghề được chọn để ưu tiên đầu tư sớm đạt trình độ quốc tế là những ngành nghề trọng điểm, doanh nghiệp có nhu cầu cao và được doanh nghiệp ủng hộ hợp tác. Điển hình là ngành hàn điện công nghiệp, điện công nghiệp, cơ khí chế tạo.

Sau những hợp tác thành công với các đối tác Hoa Kỳ, Anh, mới đây nhất Trường cao đẳng nghề Lilama 2 đã tiếp tục hợp tác với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam. Các chuyên gia đào tạo nghề kinh nghiệm của Đức tiếp tục cho ra đời 4 chương trình đào tạo mới, gồm: kỹ thuật viên cắt gọt kim loại CNC, cơ điện tử, cơ khí xây dựng, điện tử công nghiệp.

TS.Horst Sommer, Giám đốc chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam của GIZ, cho biết: “Trình độ đào tạo nghề của các nước phát triển đã tiến rất xa. Nếu hệ thống các trường nghề Việt Nam vẫn sử dụng giáo trình đào tạo cũ hoặc ít cập nhật mới thì Việt Nam khó có được nguồn nhân lực nghề chất lượng. Do đó, chúng tôi rất muốn giúp các trường tiếp cận với đào tạo nghề đạt trình độ quốc tế”.

Theo các chuyên gia Đức làm việc tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2, để cho ra đời các giáo trình dạy nghề đạt trình độ quốc tế, nếu chỉ sao chép nguyên bản của nước ngoài về áp dụng tại Việt Nam thì sẽ khó thành công. Các chuyên gia đã phải chọn lọc những nội dung quan trọng của giáo trình quốc tế áp dụng vào điều kiện và nhận thức đào tạo nghề tại Việt Nam. Khó khăn lớn nhất là làm thay đổi ý thức hợp tác của doanh nghiệp trong liên kết với nhà trường để đào tạo nghề thành công. Một điều quan trọng không kém khác, đó là các thiết bị đào tạo nghề phải hiện đại ngang tầm với các doanh nghiệp đang áp dụng trong sản xuất.

Đón đầu cơ hội cho sinh viên

TS.Lê Văn Hiền, Chủ tịch hội đồng Trường cao đẳng nghề Lilama 2, cho biết với các giáo trình dạy nghề được quốc tế công nhận, đặc biệt thiết bị dạy nghề của nhà trường được đầu tư bài bản chính là “bảo bối” để có thể thuyết phục các doanh nghiệp bỏ tiền ra đào tạo nhân lực. Doanh nghiệp chỉ mất thời gian và chi phí khi tiếp nhận sinh viên năm thứ nhất tới thực hành. Tuy nhiên, từ năm thứ 2, sinh viên bắt đầu làm được việc và từ năm thứ 3 thì cơ bản đã là một lao động hoàn chỉnh. Và doanh nghiệp hoàn toàn có thể thu lại được lợi ích từ hợp tác này với nhà trường.

Nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề của các doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất lớn, đặc biệt là lao động cơ khí chế tạo phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ. Với sự đầu tư bài bản, khoa học về con người, giáo trình, thiết bị đào tạo nghề, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, sinh viên của Trường cao đẳng nghề Lilama 2 kỳ vọng có thể được chấp nhận cả ở những nước có trình độ phát triển.

Trường cao đẳng nghề Lilama 2 đã đầu tư hệ thống các thiết bị đào tạo nghề hiện đại ở nhiều nghề, đặc biệt là nghề hàn điện công nghiệp, cơ khí chế tạo, điện công nghiệp, cơ điện tử. Trường đã đầu tư 10 máy CNC hiện đại nhất của Đức hiện nay cho sinh viên thực hành. Các thiết bị này được các chuyên gia Đức đánh giá tương đồng với các máy móc, thiết bị mà doanh nghiệp đang áp dụng để sản xuất.

Mới đây, để đón đầu cơ hội cung cấp nguồn nhân lực cho dự án xây dựng Cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành, Trường cao đẳng nghề Lilama2 đã hợp tác với Trường West College Scotland  triển khai chương trình đào tạo ngành dịch vụ hàng không. TS.Lê Văn Hiền cho biết nhà trường rất khao khát đổi mới chất lượng đào tạo. điều này có lợi cho sinh viên, doanh nghiệp, đặc biệt là đất nước đang rất “khát” lao động có tay nghề cao trình độ quốc tế.

Công Nghĩa

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,546,582       1,582