Xã hội

Lấn chân tháp nước

Được xây dựng trên dưới 50 năm, nhiều tháp nước ở Biên Hòa đã "có tuổi" và trở nên cũ kỹ. Tuy nhiên, theo Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, những tháp nước này hàng năm vẫn được duy tu, bảo dưỡng để sử dụng.

Được xây dựng trên dưới 50 năm, nhiều tháp nước ở Biên Hòa đã “có tuổi” và trở nên cũ kỹ. Tuy nhiên, theo Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai, những tháp nước này hàng năm vẫn được duy tu, bảo dưỡng để sử dụng.

Từ phải qua: Tháp nước phường Tân Mai, tháp nước phường Trung Dũng, tháp nước ở phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa) bị người dân lấn chiếm.
Từ phải qua: Tháp nước phường Tân Mai, tháp nước phường Trung Dũng, tháp nước ở phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa) bị người dân lấn chiếm.

Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc hệ thống cung cấp nước sạch ở Biên Hòa đã được đấu nối trực tiếp đến từng hộ dân thì những tháp nước này vẫn còn tồn tại là dư thừa.

Ông Trần Gia Minh (phường Tân Mai), nhà ở sát hành lang an toàn của tháp nước Tân Mai, người được Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai nhờ giữ chìa khóa vào khu vực bảo vệ chân tháp, kể: “Tháp nước này do Chính phủ Úc xây dựng từ năm 1967. Khi ấy hành lang an toàn của tháp nước rất rộng, sau này bị người dân lấn chiếm dần nên khu vực chân tháp bị thu hẹp. Mới đây, do sợ người dân tiếp tục lấn sâu vào sẽ làm hư hỏng công trình, Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai đã cho xây hàng rào bao quanh chân tháp, chỉ chừa một cổng nhỏ ra vào và được khóa lại. Hàng năm, nhân viên công ty đều tổ chức đến sơn, dặm vá những chỗ hư hỏng và làm vệ sinh bồn chứa nước.

Tương tự, tháp nước ở phường Thanh Bình tuy nhỏ nhưng khu vực chân tháp không có hành lang bảo vệ. Vì thế, một số người dân đã xây dựng nhà sát với chân tháp, sử dụng nơi này để đặt vật dụng khiến nguy cơ tháp bị hư hỏng là chuyện khó tránh. Bà Nguyễn Thị Bé, nhà ở gần tháp nước, nói: “Tôi không biết tháp nước này còn sử dụng không. Nếu còn, Nhà nước phải có cách bảo vệ như thế nào chứ để dân lấn chiếm dần sẽ gây nguy cơ sụt lún, hư hỏng tháp. Còn công trình không sử dụng nữa thì dỡ bỏ để con hẻm được thông thoáng”.

Trao đổi thắc mắc về những tháp nước còn tồn tại, ông Phạm Thế Tăng, Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật và vật tư (Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai), cho biết Biên Hòa hiện có 5 tháp nước được Úc, Mỹ xây dựng từ năm 1964 đến năm 1969 với tổng dung tích gần 15 ngàn m3. Các tháp nước được hình thành nhằm ổn định nguồn nước sinh hoạt cho các khu dân cư xa Nhà máy nước Biên Hòa. Tháp nước có cơ cấu và nguyên lý hoạt động như hệ thống hầm chứa, chẳng hạn như bồn nước ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1, hoặc những tháp còn lại thiết kế với độ cao khoảng 30-40m.

Lý giải về các tháp nước không bị phá bỏ hoặc chuyển đổi công năng sử dụng, ông Tăng cho rằng những công trình này vẫn giữ 2 vai trò quan trọng, đó là điều áp nguồn nước và dự trữ nước. Chức năng điều áp nhằm tránh làm vỡ đường ống dẫn khi áp lực nước lớn vào ban đêm, đồng thời bồn chứa là nơi dự trữ để cấp nước cho người dân khi nhà máy cấp nước có sự cố, hoặc hệ thống ống nước bị vỡ trên diện rộng thì nguồn nước dự trữ từ các tháp sẽ đảm trách nhiệm vụ cung cấp nước cho dân. Chính vì vậy, dù các tháp nước đã trên dưới 50 tuổi nhưng vẫn được giữ lại đến nay. Để bảo đảm không xảy ra sự cố, hàng năm công ty đều tổ chức khảo sát, đánh giá, kiểm định mức độ an toàn các tháp nước. Ngoài ra, công tác duy tu, sửa chữa, làm vệ sinh cũng được thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện những nguy cơ gây ảnh hưởng đến tháp nước để có hướng xử lý kịp thời.

Mới đây, UBND tỉnh có chủ trương thu hồi, xây dựng phương án đấu giá khu đất tại phường Trung Dũng, trong đó có khu vực tháp nước nằm trong khuôn viên trụ sở một đơn vị thuộc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch. Trước tình thế này, Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai đã kiến nghị UBND tỉnh không thu hồi đối với khu đất, không phá dỡ, di dời hoặc thay thế vì tháp nước vẫn đang bảo đảm nguồn nước máy cấp cho dân cư của 7 phường nội ô Biên Hòa với áp lực đủ mạnh để phục vụ thường xuyên 24/24 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, tháp nước này còn góp phần vào xử lý khi nguồn nước sông Đồng Nai bị nhiễm mặn vượt mức cho phép.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,547,055       1,086