Xã hội

Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12): Bước vào thách thức mới...

Thời gian qua, phần lớn kinh phí của các chương trình điều trị bệnh nhân HIV/AIDS đều do các tổ chức quốc tế viện trợ.

Bắt đầu từ đầu năm 2017, các tổ chức quốc tế sẽ ngưng viện trợ kinh phí này. Như vậy, bệnh nhân HIV/AIDS sẽ không còn được cấp thuốc miễn phí. Đây sẽ là một thách thức rất lớn trong thời gian tới để đạt mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, tư vấn điều trị ARV cho một bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Đ.Ngọc
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, tư vấn điều trị ARV cho một bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Đ.Ngọc

Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai Trần Trung Tá cho biết hiện toàn tỉnh có hơn 2,5 ngàn bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị miễn phí thuốc ARV, trong đó chỉ có khoảng 30% bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Nếu bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không được BHYT chi trả sẽ là một điều vô cùng khó khăn, nguy cơ bỏ điều trị rất cao, kéo theo nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.

Khó khăn trong điều trị ARV

Hơn 9,7 tỷ đồng cấp thuốc ARV miễn phí

Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận và điều trị ARV cho 265 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS mới, nâng tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị ARV là 2.525 bệnh nhân, trong đó có 104 bệnh nhân nhi được điều trị. Riêng kinh phí cấp thuốc ARV miễn phí trong năm 2015 là hơn 9,7 tỷ đồng, trung bình khoảng 13 triệu đồng/bệnh nhân/năm.

Có thể nói, kết quả lớn nhất qua hơn 8 năm điều trị thuốc kháng HIV (ARV) cho hàng ngàn bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS của tỉnh là một trong những giải pháp giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ, giảm tử vong và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Nhiều người nhiễm HIV được điều trị ARV vẫn sống khỏe mạnh, lao động bình thường; nhiều trẻ em sinh ra từ cha mẹ (cha hoặc mẹ) bị nhiễm HIV nhưng vẫn không bị lây nhiễm HIV do mẹ được điều trị dự phòng sớm.

Mặc dù số người nhiễm mới hàng năm đã giảm, tuy nhiên số lượng người nhiễm HIV lũy kế vẫn không ngừng gia tăng. Điều đáng nói, tỷ lệ người nhiễm HIV không tham gia điều trị ARV và người bỏ điều trị ARV vẫn còn không ít. Nguyên nhân phần lớn là do nhận thức của người bệnh về điều trị thuốc ARV còn hạn chế. Đơn cử, chị T.T. (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) biết mình bị nhiễm HIV nhưng vẫn không đi điều trị, đến khi có thai hơn 8,5 tháng, người thân khuyên can mãi mới tham gia điều trị ARV. Chị T. cho biết hiện tại chồng chị cũng không đi xét nghiệm xem có bị nhiễm HIV hay không vì sợ nếu kết quả nhiễm HIV sẽ không chịu nổi.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, đa phần các bệnh nhân nhiễm HIV có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều người thất nghiệp, phải sống phụ thuộc gia đình. Ngay cả khi điều trị và cấp thuốc ARV miễn phí mà nhiều bệnh nhân còn không tuân thủ đúng điều trị, uống thuốc không đúng giờ, đúng liều khiến tăng tải lượng virus lên cao gây kháng thuốc. Huống gì nếu không được cấp thuốc miễn phí, chi phí điều trị ARV cho 1 trường hợp bình thường từ 1-2 triệu đồng/tháng, trường hợp kháng thuốc từ
1,5-3 triệu đồng/tháng, bệnh nhân sẽ không kham nổi, nguy cơ bỏ điều trị sẽ tăng cao.

“Phao cứu sinh” là bảo hiểm y tế

Ông Trần Trung Tá cho rằng trước tình hình nguồn viện trợ điều trị HIV/AIDS sẽ bị cắt hoàn toàn, hiện nay BHYT đang được xem là “phao cứu sinh” giúp bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS giảm bớt chi phí trong điều trị, duy trì sự sống. Tuy nhiên, hiện có nhiều rào cản khiến người nhiễm HIV/AIDS còn e ngại khi tham gia BHYT. Trong đó, ngoài hoàn cảnh bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS rất khó khăn, còn có không ít người sợ bị lộ diện, bị kỳ thị khi tham gia BHYT.

Chị T.M. (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) tỏ ra lo lắng khi sắp tới Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai không còn cấp thuốc ARV miễn phí cho chị. Theo chị M., nếu dùng thẻ BHYT do công ty  nơi chị làm việc đăng ký để đi điều trị ARV sẽ dễ bị lộ thông tin bị nhiễm HIV, nếu công ty biết chuyện này thì chị sẽ khó tiếp tục được làm việc. Do đó, chị M. vẫn mong muốn được mua thêm một thẻ BHYT khác để đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, thuận tiện hơn khi tiếp tục điều trị ARV.

Bên cạnh đó, để người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT cần có sự hỗ trợ chi phí đăng ký thẻ BHYT, cũng như mức đồng chi trả BHYT đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo, quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, các nguồn huy động từ cộng đồng. Song song đó phải tháo gỡ những vướng mắc trong đăng ký BHYT cũng như khám, chữa bệnh BHYT, như: nới lỏng mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, thiếu các giấy tờ hành chính, như: giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, quy định về tuyến khám, chữa bệnh BHYT...

Toàn tỉnh có hơn 7,4 ngàn người nhiễm HIV

Theo thông tin từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, từ đầu năm 2016 đến nay, số người nhiễm HIV mới được phát hiện là 204 người, 81 người chuyển qua AIDS, 11 người đã tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, số người nhiễm HIV mới giảm đáng kể, giảm 49 trường hợp, tương ứng với giảm 19,3%. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có hơn 7,4 ngàn người nhiễm HIV, hơn 3,3 ngàn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và hơn 2,3 ngàn người đã tử vong.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,550,966       335