Xã hội

Những trái tim yêu nghề

Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, có những người thầy vẫn lặng lẽ giữ vững "tay chèo" để đưa những "chuyến đò" chở lớp lớp học trò sang "sông".

Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, có những người thầy vẫn lặng lẽ giữ vững “tay chèo” để đưa những “chuyến đò” chở lớp lớp học trò sang “sông”.

Thầy Nguyễn Hồng Tiến hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành cắt gọt kim loại bằng bày CNC tại Trường cao đẳng nghề Lilama2. Ảnh: C.NGHĨA
Thầy Nguyễn Hồng Tiến hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành cắt gọt kim loại bằng bày CNC tại Trường cao đẳng nghề Lilama2. Ảnh: C.NGHĨA

Với 2 trò nghèo mồ côi cha mẹ Nguyễn Ngọc Tốt và Nguyễn Văn Đẹp (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phú Hội, huyện Nhơn Trạch), cô Nguyễn Thị Nữ không chỉ là cô giáo mà còn là một người mẹ hiền đầy tình thương yêu.

Hành trình của người đưa đò


Giữ hình ảnh đẹp của người thầy

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho rằng người thầy hôm nay phải luôn đề cao trách nhiệm với học trò, không ngừng rèn luyện kiến thức, nâng cao trình độ để có thể truyền đạt cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích. Người thầy cũng cần phải gần gũi để hiểu học sinh, định hướng cho học sinh sống có hiểu biết, kỹ năng và có động lực để trở thành người có ích.

Ngoài giờ dạy học trên lớp, khi rảnh cô Nữ lại đến nhà Tốt và Đẹp để hướng dẫn ôn bài, động viên các em vượt qua cuộc sống đặc biệt khó khăn. Cha mẹ của Tốt và Đẹp qua đời cách đây hơn 10 năm vì căn bệnh hiểm nghèo. Em Tốt bị suy dinh dưỡng nặng, khả năng nhận biết rất chậm chạp, học trước quên sau, lẽ ra đúng tuổi học lớp 8 thì nay Tốt mới học lớp 5 cùng người em tên Đẹp. Trong khi đó, Đẹp hiện đang mang căn bệnh ngặt nghèo và chẳng biết sống thêm được bao lâu. Nói về tình cảm với học trò, cô Nữ xúc động chia sẻ: “Tốt và Đẹp hiền và rất tội nghiệp. Ở trên lớp tôi luôn dành nhiều sự quan tâm cho 2 em hơn những học sinh khác, lúc rảnh tôi thường tới thăm, còn bận quá thì tới chở 2 em về nhà mình để phụ đạo thêm”.

Còn cô Phạm Thị Hải (tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai năm 2005, nay là Trường đại học Đồng Nai) được phân công về Trường tiểu học Liên Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) công tác. Đây là xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Ở nhờ nhà bà con tại thị trấn Định Quán hơn 10 năm nay, ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng cô Hải đi xe máy khoảng 30km từ thị trấn đến trường dạy học. Buổi chiều dạy xong cô lại tiếp tục đi thêm 30km về nhà, có hôm trời mưa thì đành ở lại trường. Cô cho biết năm 2005 bắt đầu vào Thanh Sơn dạy, cứ nghĩ không “bám” nổi lâu vì đường chẳng những xa mà còn rất khó đi. Vào mùa mưa, con đường từ bến đò Thanh Sơn vào trường có khi phải dắt bộ xe cả 4-5km mới đến nơi. Ở xã vùng sâu lại có đông học sinh dân tộc thiểu số nên vào mùa mưa học sinh lại thi nhau bỏ học, cô phải đến tận nhà vận động các em trở lại trường.

Thầy Nguyễn Hồng Tiến công tác tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành) đến nay đã được hơn 5 năm. Thầy Tiến có bằng dạy nghề cơ khí chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Cộng hòa liên bang Đức, luôn trăn trở làm sao để truyền cảm hứng và niềm tin sống được bằng nghề kỹ thuật cho học viên, từ đó giúp học viên yêu nghề, chịu khó học tập để có việc làm ổn định, lương cao. Thầy chia sẻ nghề cơ khí chế tạo hiện rất thiếu lao động và được doanh nghiệp trả lương rất cao. Tuy nhiên, do nhận thức về học nghề của học sinh còn thấp nên việc tuyển sinh còn khó khăn, thậm chí có không ít em đang học thì bỏ dở. Thầy Tiến kể: “Một số sinh viên đang học thì nghỉ, xin đi làm công nhân, tôi đã tìm tới tận phòng trọ để vận động, hỗ trợ các em đi học trở lại. Giờ có em tốt nghiệp và đi làm, lương gần 15 triệu đồng/tháng”.

Viết tiếp những ước mơ

Với các thầy cô giáo, làm tròn trách nhiệm của mình không chỉ là việc truyền đạt cho các em từng con chữ hay những kiến thức mênh mông. Nhiều thầy cô giáo cuộc sống còn chưa dư dả nhưng vẫn cố gắng dành dụm từng đồng để lo cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Thầy Nguyễn Ngọc Oánh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), cho biết để học sinh không bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, không có nhà ở, những năm gần đây thầy cô đã đóng góp tiền xây tặng được 5 căn nhà tình thương cho học trò. Thấy được nghĩa cử của thầy cô, học sinh trong trường cũng đã tự nguyện đóng góp thêm để xây nhà tặng bạn. Thầy Oánh chia sẻ: “Là người thầy phải cố gắng lo cho học sinh của mình trọn vẹn. Thấy em này học giỏi, em kia học khá mà chưa có nhà ở, ở nhà tạm là tôi thực sự không an tâm được trong lòng”.

Trong suy nghĩ của học sinh, hình ảnh thầy cô luôn đẹp và đầy ắp tính nhân văn. Nhờ thầy cô mà học sinh có được cái chữ, kiến thức, kỹ năng để làm người. Em Trương Trung V., trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật hiện đang được giáo dục tại Trường giáo dưỡng số 4 (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Em muốn gửi lời cảm ơn tới các thầy cô tại Trường giáo dưỡng số 4 đã giúp em nhận thức được việc làm đúng - sai của mình, giúp em có cái nghề để sau khi ra trường có thể hòa nhập với cộng đồng, trở thành người tử tế”.

Giữa cuộc sống của thời buổi kinh tế thị trường, hình ảnh của người thầy ít nhiều bị chi phối. Chính vì vậy, việc phát huy được tinh thần và trách nhiệm với nghề để giữ vững được hình ảnh của người thầy là rất quan trọng. Cô Phạm Thị Thanh Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), cho rằng trách nhiệm của người thầy được thể hiện bằng tình yêu thương với học trò, vì không có tình cảm yêu thương thì không bao giờ người thầy có thể làm hết trách nhiệm của mình. Ngày nay, một người thầy giỏi không chỉ dạy chữ và truyền đạt kiến thức mà còn gần gũi động viên học sinh, vừa là người thầy vừa là người cha, người mẹ, người bạn để giúp các em sống có ước mơ…

Công Nghĩa

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,553,084       858