Xã hội

Băn khoăn huy động nguồn lực giảm nghèo

Theo kết quả điều tra xác định hộ nghèo tiếp cận đa chiều do Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh tiến hành, Đồng Nai hiện có trên 20,2 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm 2,61% tổng số hộ dân trong toàn tỉnh).

Hộ ông Trần Tấn Lộc và bà Nguyễn Thị Lái ở làng bè La Ngà (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) thuộc hộ nghèo được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội xuống khảo sát nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm.
Hộ ông Trần Tấn Lộc và bà Nguyễn Thị Lái ở làng bè La Ngà (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) thuộc hộ nghèo được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội xuống khảo sát nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm.

Mục tiêu dự kiến của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh sắp trình UBND tỉnh phê duyệt, phấn đấu tới năm 2020 số hộ nghèo chỉ còn ở mức 0,6% tổng số hộ. Để có thể đạt được mục tiêu này, nguồn kinh phí đề xuất lên tới trên 765 tỷ đồng.

Tạo động lực cho hộ nghèo

Ông Phan Trọng Hữu, Trưởng phòng Giảm nghèo (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho biết chuẩn nghèo của Đồng Nai luôn cao hơn chuẩn nghèo chung của cả nước. Nhờ có nhiều giải pháp phù hợp, vừa có sự hỗ trợ của Nhà nước, vừa phát huy được tính tự giác của người nghèo nên kế hoạch giảm nghèo của tỉnh thường về đích sớm trước hạn. Cụ thể, kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 của tỉnh về đích sớm 1 năm. Cuối năm 2014, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về tiêu chí giảm nghèo cho giai đoạn 2015-2020. Việc nâng chuẩn nghèo để nâng trách nhiệm của các địa phương và tạo động lực cho người nghèo.

Trong giai đoạn 2016-2020, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều, toàn tỉnh có trên 20,2 ngàn hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có gần 13,6 ngàn hộ nghèo (tỷ lệ 1,76%) và trên 6,9 ngàn hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,85%). Các hộ này được tiếp cận dựa trên nhiều tiêu chí, như: có thành viên trong gia đình thất học, người ốm đau phải điều trị thường xuyên, khó khăn về nhà ở, chưa được tiếp cận nước sạch, chưa có thẻ bảo hiểm y tế…

Để có thể đạt mục tiêu dự kiến tới năm 2020 số hộ nghèo giảm từ 2,61% xuống còn 0,6%, bình quân mỗi năm toàn tỉnh phải phấn đấu giảm từ 0,3-0,4% tổng số hộ nghèo. Với những huyện vùng sâu, vùng xa, như: Tân Phú, Định Quán..., chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm dự kiến sẽ phải cao hơn mức trung bình từ 1% trở lên, do đây là những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao so với các địa phương của tỉnh.

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Huỳnh Văn Tịnh cho biết mục tiêu giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2016-2020 đã được nghiên cứu kỹ, mục tiêu là phải giảm nghèo nhanh, bền vững, chú trọng tới các đối tượng thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, đối tượng dân tộc thiểu số.

Còn nhiều băn khoăn

Chuẩn nghèo và cận nghèo tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015-2020:

Hộ có thu nhập 1 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở nông thôn và 1,2 triệu đồng/người/tháng ở thành phố được xếp là hộ nghèo. Hộ có thu nhập trên 1-1,3 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 1,2-1,56 triệu đồng/người/tháng ở thành thị là hộ cận nghèo.

Để có thể đạt mục tiêu tới năm 2020 số hộ nghèo giảm xuống dưới 0,6% trên tổng số hộ, theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, dự kiến cần một nguồn lực về tài chính rất lớn, khoảng 765 tỷ đồng, chủ yếu là từ ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương, ngân sách các huyện và huy động từ chính các đối tượng thuộc hộ nghèo. Vốn chủ yếu dùng cho các hoạt động, như: cho người nghèo vay sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, học nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ về nhà ở, nước sạch, công trình vệ sinh…

Một trong những nội dung hỗ trợ cho người nghèo cần huy động vốn lớn là nhà ở. Nguồn vốn cho hỗ trợ nhà ở này lên tới trên 167 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ hỗ trợ xây mới 2.700 căn nhà kiên cố, sửa chữa 5,6 ngàn căn nhà. Nhà xây mới được hỗ trợ vay tối đa 40 triệu đồng/căn, sửa chữa được hỗ trợ vay 10 triệu đồng/căn. Các căn nhà được xây dựng mới hoặc sửa chữa phải đảm bảo bình quân 0,8m2/người, có tuổi thọ trên 10 năm.

Theo đại diện Sở Tài chính, việc xây dựng dự toán tài chính cho chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 cần phải tính toán cho thật kỹ, bởi con số trên 765 tỷ đồng không hề nhỏ trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn. Mặt khác, việc xin Trung ương hỗ trợ cho chương trình này cũng không hề đơn giản, nhất là khi ngân sách Trung ương đang “siết” chi tiêu tiết kiệm, khuyến khích các địa phương tự lực, giảm trông chờ vào nguồn ngân sách Trung ương.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Lâm thì đề nghị cần rà soát lại các hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở cho giai đoạn từ nay tới năm 2020, vì hiện đã có 5 huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới mà số hộ nghèo cần được hỗ trợ nhà ở như vậy là quá lớn. Mặt khác, nếu tỉnh tự đưa ra tiêu chí hỗ trợ nhà cho người nghèo của tỉnh cao hơn Trung ương thì Trung ương sẽ không hỗ trợ và tỉnh sẽ phải tự giải quyết.

Cùng với băn khoăn về nguồn vốn cho chương trình giảm nghèo trong thời gian tới, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường cho rằng nên tính toán kỹ các đối tượng cho vay, cách thức cho vay theo hướng cho người nghèo cái “cần câu” hơn là cho “con cá”, bởi dư nợ của các hộ vay của ngân hàng chính sách hiện đã là trên 750 tỷ đồng.

Công Nghĩa

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,563,837       1,180