Xã hội

Mang hy vọng đến với bệnh nhân nghèo

Việc Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo tỉnh Đồng Nai đi vào hoạt động quả thực là một tin vui cho bệnh nhân nghèo, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn lại mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng.

Nhiều bệnh nhân lọc thận nhân tạo được điều trị ngoại trú có hoàn cảnh khó khăn cần được sự hỗ trợ từ Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh. Trong ảnh: Điều dưỡng Khoa thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Đồng Nai theo dõi sức khỏe cho một bệnh nhân bị suy thận mạn. Ảnh: N.Thư
Nhiều bệnh nhân lọc thận nhân tạo được điều trị ngoại trú có hoàn cảnh khó khăn cần được sự hỗ trợ từ Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh. Trong ảnh: Điều dưỡng Khoa thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Đồng Nai theo dõi sức khỏe cho một bệnh nhân bị suy thận mạn. Ảnh: N.Thư

Như trường hợp bà Nguyễn Thị Lan (ngụ ấp Võ Dõng, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) vì quá khó khăn nên từ khi biết mình bị ung thư vú đến nay đã 6 năm mà bà không dám đi điều trị, chỉ uống thuốc lá. Đến nay khối u to lên, vỡ ra nên bà phải nhập viện tại Khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để điều trị. Chi phí một đợt hóa trị đã được bảo hiểm y tế chi trả; còn lại khoảng 4,2 triệu đồng được Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh hỗ trợ 50%, giúp giảm gánh nặng rất lớn đối với gia đình bà.

* Hiệu quả bước đầu

Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ giữa tháng 5-2016 với nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh cấp là 10 tỷ đồng. Theo quy định, đối tượng thụ hưởng chính sách này, gồm: người thuộc hộ nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn; người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người đang được nuôi dưỡng ở các cơ sở bảo trợ của Nhà nước; người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh nặng khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.

Hiện nay, 17 bệnh viện công lập từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế, Bệnh viện quân y 7B và Bệnh viện tâm thần trung ương 2 đã triển khai thực hiện quyết định này. Qua hơn 3 tháng triển khai thực hiện, Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh đã hỗ trợ cho 82 bệnh nhân nghèo với tổng số tiền trên 50 triệu đồng, bao gồm hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại, hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh. Trong đó có hơn 17 triệu đồng hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư, còn lại kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho người nghèo.

Một trong những bệnh viện triển khai khá sớm, bắt đầu từ tháng 6-2016 là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Đến nay, bệnh viện này đã làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 43 bệnh nhân nghèo chủ yếu mắc các bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo. Bà Nguyễn Như Giao, Trưởng phòng Công tác - xã hội Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết: “Bệnh viện đã xây dựng quy trình xét rất chặt chẽ, giao về các khoa lập danh sách, Phòng Công tác - xã hội thẩm định lại. Đa phần bệnh nhân được chọn đều nghèo, bệnh nặng, mức thanh toán cao nhất cho bệnh nhân từ quỹ này tại bệnh viện là gần 4,5 triệu đồng/người, tạo cơ hội rất lớn cho người nghèo điều trị bệnh”.

* Cần tạo thuận lợi trong hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện cho thấy, điều kiện để xét chọn hưởng chính chính sách rất hạn chế vì theo nguyên tắc, Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh chỉ hỗ trợ cho các đối tượng điều trị nội trú tại các cơ sở y tế công lập. Trong khi đa phần bệnh nhân lọc thận nhân tạo ở các bệnh viện trong tỉnh chỉ điều trị ngoại trú, có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng hưởng chính sách này cũng là một thiệt thòi.

Chỉ tính riêng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã có 550 bệnh nhân lọc thận nhân tạo điều trị ngoại trú, nhưng chỉ có 35 bệnh nhân điều trị nội trú. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng có 100 ca lọc thận nhân tạo, trong khi bệnh nhân lọc thận nhân tạo điều trị nội trú rất ít. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết từ kiến nghị của các bệnh viện, Sở Y tế đã có kiến nghị UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung thêm đối tượng được thụ hưởng chính sách này là các bệnh nhân lọc thận nhân tạo được điều trị ngoại trú.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn khi triển khai hiện nay chính là việc chi trả tiền hỗ trợ cho bệnh nhân. Vì để được Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh hỗ trợ thì bệnh nhân phải có giấy xuất viện. Có bệnh viện linh động giải quyết tạm ứng cho bệnh nhân, nhưng cũng có bệnh viện yêu cầu bệnh nhân đóng đủ viện phí, đến khi nào được Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh chi trả thì mới gọi bệnh nhân lên lấy tiền. Việc này sẽ rất khó khăn, bất tiện cho những bệnh nhân ở xa. Do đó, cần rút ngắn thời gian giải quyết, có một hướng dẫn cụ thể hơn để thống nhất thực hiện và thuận lợi hơn nữa cho bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân thuộc các đối tượng được hưởng chính sách từ Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh có thẻ bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ đối với phần người bệnh đồng chi trả từ 100 ngàn đồng trở lên:

- Từ 100 ngàn - 1 triệu đồng hỗ trợ 100%.

- Từ 1-2 triệu đồng hỗ trợ 80%.

- Từ 2-4 triệu đồng hỗ trợ 60%.

- Trên 4 triệu đồng hỗ trợ 50% nhưng không quá 5 triệu đồng/lần/người và một năm không thanh toán quá 4 lần.

Riêng đối với bệnh nhân điều trị nội trú mắc bệnh hiểm nghèo hoặc khó khăn chi phí điều trị, không có thẻ bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ 25% chi phí khám, chữa bệnh nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/ người/ lần hỗ trợ và không quá 2 lần/người/năm.

Ngọc Thư

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,565,460       846