Xã hội

Nỗi lo của phụ huynh đầu năm học

Những ngày qua, học sinh các trường học trên toàn tỉnh đều đã đến nhận lớp và làm quen với thầy cô giáo mới. Sau đợt nghỉ hè thì học sinh háo hức mong gặp lại bạn cũ, thầy cô. Nhưng đối các bậc cha mẹ, thì đây là thời điểm phụ huynh không khỏi lo vì ngày tựu trường của con cũng đồng nghĩa với câu chuyện sắm sửa cho con và kèm thêm đóng nhiều loại phí.

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tôi làm công nhân lao động, có con năm nay học lớp 7 tại một trường trong nội ô TP.Biên Hòa. Chuẩn bị ngày tựu trường, tôi cũng như các phụ huynh khác đều phải dẫn con đi mua sắm đồ dùng cá nhân, như: quần áo mới, giày dép, cặp, sách vở và dụng cụ học tập... sơ sơ đã mất vài triệu đồng. Trong khi đó, sách lớp 7 của anh trai để lại nhưng con nhất quyết không chịu dùng, nói nhà trường “khuyên” học sinh nên mua sách mới cho… dễ học. Thầy cô còn nhắc, đôi khi sách cũ có thể thiếu trang hoặc ghi chép vào đó không được sạch sẽ nên đôi khi khó tiếp thu bài giảng. Cũng thế, giày con tôi dù không còn trắng tinh nhưng cũng chưa rách và vẫn đi được, song cháu nhất quyết đòi mua giày mới bởi cháu sợ thầy cô la hoặc bạn bè chê cười.

Trong khi đó, theo tôi biết tại một số trường ở các huyện trong tỉnh không nặng nề hình thức mua sắm đồ dùng cá nhân phải mới tất cả. Có trường, ngay trong niên học cũ luôn nhắc nhở học sinh phải giữ gìn sách giáo khoa, không viết chằng chịt vào trong đó để người em lớp sau còn sử dụng được. Tương tự, có trường không câu nệ bắt học sinh phải đi giày trắng, miễn còn lành lặn. Tất nhiên, đối với lứa tuổi U.50 như tôi có thể đã “lạc hậu” so với học sinh bây giờ, song mô-típ quần xanh, giày trắng và đồ dùng học tập phải mới tinh chỉ là hình thức. Đặc biệt, đối với những gia đình nghèo chắc chắn không thể thoát khỏi nỗi lo vào đầu năm học mới, dù cha mẹ bằng mọi cách để chạy vạy mua sắm đầy đủ cho con.   

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khi nói về nền giáo dục Việt Nam cho biết Bộ đang hướng tới đổi mới toàn diện với mục tiêu là tạo được môi trường học tập theo triết lý: học để biết, học để làm việc, học để sống tốt với nhau và học để làm người. Theo tôi, chủ trương của Bộ phù hợp và giúp nền giáo dục có thể theo kịp những nước trong khu vực. Nói cách khác, chất lượng giáo dục mới là tất cả.

Hải Hà (TP.Biên Hòa)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,051,842       34