Xã hội

Doanh nghiệp "làm ngơ" với sức khỏe người lao động

"Né" khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thực hiện công tác đo kiểm môi trường chỉ để "đối phó" với các đoàn kiểm tra... đang là vi phạm rất phổ biến của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Né” khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thực hiện công tác đo kiểm môi trường chỉ để “đối phó” với các đoàn kiểm tra... đang là vi phạm rất phổ biến của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kỹ thuật viên Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai chụp X.quang tầm soát bệnh bụi phổi cho người lao động. Ảnh: Đ.Ngọc
Kỹ thuật viên Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai chụp X.quang tầm soát bệnh bụi phổi cho người lao động. Ảnh: Đ.Ngọc

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết, hiện nay công tác đảm bảo vệ sinh lao động của tỉnh tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Còn nhiều khó khăn

Trong 6 tháng đầu năm 2016, nhiều chỉ tiêu về công tác y tế lao động đạt còn thấp so với kế hoạch đã đề ra, như: tỷ lệ cơ sở lao động được đo kiểm môi trường mới đạt 22,25%; tỷ lệ cơ sở lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động chỉ có 7,08%; tỷ lệ cơ sở có yếu tố nguy cơ khám bệnh nghề nghiệp mới đạt 22%; số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp mới đạt 26,14%.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Thế Kiên, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, cho biết toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp đang hoạt động nhưng ngành y tế chủ yếu chỉ quản lý được các cơ sở nằm trong các khu công nghiệp và các cơ sở lớn ngoài khu công nghiệp; chưa quản lý được những cơ sở nhỏ và vừa nằm trong khu dân cư. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại các doanh nghiệp còn hạn chế do lực lượng thanh tra mỏng, địa bàn rộng, nhiều cơ sở lao động.

Nhân viên Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai hướng dẫn người lao động cách đo chức năng hô hấp.
Nhân viên Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai hướng dẫn người lao động cách đo chức năng hô hấp.

Cụ thể như địa bàn huyện Trảng Bom, toàn huyện có trên 800 cơ sở lao động với trên 82% cơ sở ngoài khu công nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, kết quả đo kiểm môi trường làm việc có tới hơn 1,8 ngàn mẫu nguy hiểm, độc hại và 133 mẫu không đạt tiêu chuẩn nhưng trung tâm y tế huyện mới chỉ khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ở 28 doanh nghiệp, không có trường hợp nào khám bệnh nghề nghiệp. “Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn không thực hiện công tác y tế lao động trong nhiều năm, vi phạm nhiều lần nhưng không có biện pháp xử lý; mức xử phạt vi phạm còn ít hơn so với số tiền bỏ ra thực hiện đúng quy định nên không mang tính răn đe” - ông Đinh Xuân Thiện, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, cho biết.

Tăng cường phối hợp

Trên thực tế, công tác y tế lao động không chỉ thuộc chức năng của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai mà còn giao về cho các trung tâm y tế tuyến huyện. Tuy nhiên, những đơn vị này gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nhất là nhân lực chuyên môn vừa thiếu vừa hạn chế về năng lực; thiết bị phục vụ cho y tế lao động chưa đầy đủ. Điều đáng nói các trung tâm y tế không đủ thẩm quyền để kiểm tra, giám sát và xử lý chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm. Giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Hùng cho hay, trung tâm là đơn vị sự nghiệp làm công tác chuyên môn, không có chức năng quản lý nhà nước. Do đó, nên giao trách nhiệm quản lý nhà nước về y tế lao động cho UBND các địa phương, trung tâm y tế cấp huyện chỉ là đơn vị tham mưu triển khai thực hiện.

Hiện nay, tỉnh chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa các sở, ngành trong chăm sóc sức khỏe người lao động. Điều này cũng làm công tác thanh tra, kiểm tra của ngành y tế về công tác y tế lao động còn ít nhiều hạn chế. Phó giám đốc Trung tâm y tế TX.Long Khánh Trương Văn Rạng cho hay, sự phối hợp liên ngành của địa phương trong công tác y tế lao động chưa chặt chẽ. Khi đi kiểm tra, đa số doanh nghiệp nước ngoài đều không hợp tác với đoàn kiểm tra của ngành y tế và viện đủ lý do để không tiếp đoàn. Do đó, trong thời gian tới công tác phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thực hiện công tác y tế lao động cần được chú trọng để doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng quy định nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở y tế công lập và ngoài công lập cùng thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động. Do mức thu phí khám sức khỏe định kỳ của các đơn vị tư nhân thấp hơn nhiều so với mức thu theo quy định của Bộ Tài chính, nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn để giảm chi phí mà không quan tâm đến chất lượng khám sức khỏe cho công nhân. Nhiều trung tâm y tế tuyến huyện kiến nghị Sở Y tế hoạt động của các cơ sở y tế ngoài công lập trong khám sức khỏe cho công nhân; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh xử lý triệt để tình trạng làm giấy khám sức khỏe giả. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh mức thu phí khám sức khỏe định kỳ ở các trung tâm chuyên môn theo giá thị trường để thu hút doanh nghiệp tham gia, góp phần đưa chất lượng khám sức khỏe định kỳ cho người lao động đi vào thực chất hơn. 

Theo thông tin từ Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, toàn tỉnh đã có 1.222/1.852 cơ sở lao động và hơn 501 ngàn/521 ngàn người lao động được lập hồ sơ quản lý vệ sinh lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 32 cơ sở sản xuất được lập hồ sơ quản lý vệ sinh lao động, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2015.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,572,492       1,788