Xã hội

Truyền thông cần có nhạy cảm giới

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, định hướng cộng đồng thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề bình đẳng giới.

Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm truyền thông đảm bảo được vấn đề bình đẳng giới, vẫn còn nhiều sản phẩm truyền thông, nhất là trong các thông điệp quảng cáo, củng cố định kiến giới một cách vô thức.

* Khuôn mẫu giới hiện diện khắp nơi

 Nếu thường xuyên xem quảng cáo trên tivi hay trên website http://www.youtube.com chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp các hình ảnh mang định kiến giới. Đơn cử, như một quảng cáo về sản phẩm bột giặt Attack được đăng tải trên http://www.youtube.com (https://www.youtube.com/watch?v=R2hJewW3gIA). Nội dung đoạn clip miêu tả cảnh người vợ thường đi làm về trễ nên không có điều kiện phơi quần áo dưới nắng. Nhìn thấy chồng con khó chịu vì mùi ẩm mốc có trên quần áo sạch, chị không vui. Chỉ khi quần áo được chị giặt bằng sản phẩm bột giặt mới, không còn mùi ẩm mốc chị mới thấy vui vẻ hơn…

Một số hình ảnh mang tính khuôn mẫu giới trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2.
Một số hình ảnh mang tính khuôn mẫu giới trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2.

Định kiến giới còn tồn tại ngay trong quảng cáo tuyển dụng lao động, như quảng cáo “Tuyển nhân viên kinh doanh logistics (tuyển gấp)” mới đây là một ví dụ. Quảng cáo nêu rõ, ngành nghề tuyển dụng là bán hàng, kinh doanh, vận chuyển, giao nhận, kho vận, xuất nhập khẩu, nhưng yêu cầu đầu tiên phải là nam, rồi sau đó mới là các tiêu chí về trình độ, kỹ năng… Trong khi thực tế những yêu cầu của công việc nêu trên nữ cũng có thể đáp ứng.

Trong sách giáo khoa ở bậc tiểu học, định kiến giới được thể hiện khá rõ trong nhiều bài học. Trong bài học “Bàn tay mẹ” (trang 55, sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2) viết: “…Đi làm về, mẹ lại đi chợ, nấu cơm. Mẹ còn tắm cho em bé, giặt một chậu tã lót đầy…”, hay trang 125 sách Tiếng Việt lớp 1 (tập 2) có hình ảnh nam giới đang xây nhà (có thêm phụ nữ nhưng với vai trò phụ), còn phụ nữ đang khuấy bột.

Trong cuốn tài liệu Truyền thông có nhạy cảm giới do các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu và ứng dựng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (viết tắt là CSAGA), chỉ rõ việc lạm dụng hình ảnh nữ giới trong các quảng cáo về các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống gia đình ngầm định một thông điệp: nội trợ, chăm sóc gia đình là vai trò của nữ giới. Khi chúng ta đặt trách nhiệm đó lên vai người phụ nữ, nghĩa là giảm bớt thời gian nghỉ ngơi, học tập, tham gia các hoạt động xã hội của nữ giới và giảm dần khả năng chăm sóc của nam giới, trong khi chăm sóc gia đình là công việc của chung mọi thành viên trong gia đình. Đó vừa là trách nhiệm vừa mang lại niềm vui cho mỗi người.

* Truyền thông cần có nhạy cảm giới

Để hiện thực hóa cam kết thực hiện 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Việt Nam đã đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ, thu hẹp khoảng cách giới trong mọi lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, thông tin… Truyền thông đại chúng đóng vai trò quan trọng trong định hướng dư luận nên công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giảm thiểu gánh nặng cho phụ nữ.

Đối với những nội dung, hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa tiểu học có định kiến giới, các cấp, các ngành chức năng liên quan cần điều chỉnh nhanh chóng để những định kiến giới không ăn sâu vào tiềm thức của thế hệ măng non của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm truyền thông có nội dung góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị trí của nữ giới thì vẫn còn không ít các sản phẩm truyền thông đã và đang “tiếp tay” củng cố định kiến giới. Vì vậy, việc kiểm soát và từng bước giảm thiểu hiện tượng định kiến giới trong các sản phẩm truyền thông là rất cần thiết.

Nói về vấn đề này, bà Phạm Thị Lệ Thủy, Quyền trưởng phòng Bình đẳng giới Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng trước mắt cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới, hình thành và thúc đẩy dư luận phê phán mạnh mẽ việc lạm dụng hình ảnh người phụ nữ trong các quảng cáo, hình ảnh mang tính hạ thấp vai trò người phụ nữ; các ngành chức năng cần quan tâm tuyên truyền hướng đến các chủ thể đặt hàng quảng cáo sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất quảng cáo, giúp họ hiểu hơn về nguyên tắc bình đẳng giới khi đưa ra thông điệp quảng cáo.

Để công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về giới, bình đẳng giới đạt hiệu quả, các chuyên gia trong lĩnh vực giới và bình đẳng giới cho rằng những người làm công tác truyền thông, quản lý văn hóa - thông tin cần được nâng cao nhận thức thông qua chiến lược đào tạo về giới và bình đẳng giới một cách bài bản. Nhận thức đúng về tầm quan trọng của bình đẳng giới họ sẽ có nhạy cảm giới khi làm ra các sản phẩm truyền thông.

Ngoài ra, Luật Quảng cáo cần phải được bổ sung yếu tố giới, bình đẳng giới và phải được thực hiện thật nghiêm đối với các trường hợp củng cố định kiến giới.

Nguyễn Tuyết
 
 



 

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,581,888       1,930