Xã hội

Nhân Ngày thế giới không thuốc lá (31-5): Cái chết theo khói thuốc lá

Khi nói về tác hại của khói thuốc lá, một số người cho rằng: "đã hút thuốc mấy chục năm nay, có thấy tác hại gì đâu, ngược lại nhiều người có hút thuốc đâu mà vẫn bệnh". Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hàng triệu người chết vì thuốc lá.

Khi nói về tác hại của khói thuốc lá, một số người cho rằng: “đã hút thuốc mấy chục năm nay, có thấy tác hại gì đâu, ngược lại nhiều người có hút thuốc đâu mà vẫn bệnh”. Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hàng triệu người chết vì thuốc lá.

Một bệnh nhân bị lao phổi do thuốc lá đang được điều trị tại Bệnh viện phổi Đồng Nai
Một bệnh nhân bị lao phổi do thuốc lá đang được điều trị tại Bệnh viện phổi Đồng Nai

Trong khói thuốc lá chứa hơn 7 ngàn loại hóa chất đã được định dạng, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư. Khói thuốc khi vào máu sẽ làm hư hại một cách từ từ cho mọi bộ phận trong cơ thể và gây nên nhiều loại bệnh nguy hiểm.

* Nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm

Nguy hiểm nhất đó là bệnh ung thư các loại, trong đó có ung thư phổi, một loại ung thư nguy hiểm và phổ biến nhất. Hiện nay, 90% các trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc. Ngoài ra, hút thuốc còn liên quan đến nhiều loại ung thư khác, như: vòm họng, thanh quản; ung thư đường tiêu hóa; ung thư đường tiết niệu, sinh dục…

Bên cạnh đó, hút thuốc còn gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, với sự suy giảm chức năng hô hấp tiến triển ngày càng nặng và các biến chứng nguy hiểm. 90% số người mắc bệnh này là do hút thuốc; các bệnh về tim mạch: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Các bệnh về chuyển hóa nguy hiểm do thuốc lá, như: hút thuốc làm tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt có ở trong máu gây nên những tổn thương do xơ vữa động mạch, mà hậu quả có thể gây hoại tử ở chân, tay; làm tăng nhanh quá trình lão hóa (suy giảm trí nhớ, teo cơ, da nhăn nheo), yếu sinh lý, vô sinh...

* Tác hại của hút thuốc lá thụ động

Khói thuốc ngoài việc gây hại cho chính người hút còn làm ảnh hưởng tới những người xung quanh do hít phải khói thuốc hay còn gọi là hút thuốc thụ động. Hút thuốc thụ động cũng gây nên nhiều bệnh nguy hiểm. Ở người lớn, đó là: ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, các bệnh ở đường hô hấp...

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người chết vì những bệnh liên quan đến hút thuốc và khói thuốc, trong đó có hơn 600 ngàn người hút thuốc thụ động. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, đến năm 2030 sẽ có khoảng 11 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Riêng ở Việt Nam, mỗi năm có tới 40 ngàn người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá (tức là mỗi ngày có hơn 100 người). Nếu không có biện pháp phòng chống, đến năm 2030 số người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá ở nước ta  sẽ tăng lên 70 ngàn người.

Người mẹ khi mang thai hút thuốc, ngoài có hại cho bản thân còn làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi: sảy thai, thai chết lưu, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân. Riêng ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Và một điều nữa, hút thuốc là một sự lãng phí về tiền bạc, mà lẽ ra có thể chi dùng vào rất nhiều việc có ý nghĩa. Đối với cá nhân là mỗi năm có thể mất đến hàng tháng lương để mua thuốc hút, đối với quốc gia là hơn 40 ngàn tỷ đồng mỗi năm chỉ để mua thuốc lá và chữa bệnh liên quan đến thuốc lá. Như vậy, khói thuốc lá đang âm thầm và lặng lẽ gây hại cho chúng ta. Phòng chống tác hại của thuốc lá là bổn phận của mỗi công dân, góp phần làm cho môi trường sống ngày càng trong lành.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh

(Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,582,956       1,595