Xã hội

Thủ khoa "bật mí" bí quyết ôn thi

Vừa về nước sau một năm học dự bị ở Singapore Management University (Trường đại học quản lý Singapore), Dương Tùng Lâm (ảnh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, một trong 2 thủ khoa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại Đồng Nai) đã có những chia sẻ về kinh nghiệm ôn tập, làm bài thi THPT quốc gia để đạt điểm cao.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Long Phước (huyện Long Thành) trong giờ ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Long Phước (huyện Long Thành) trong giờ ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Theo Lâm, từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6 là khoảng thời gian vàng để học sinh lớp 12 bổ sung, nâng cao kiến thức những môn sẽ dự thi. Do đó, học sinh cần có kế hoạch ôn tập cụ thể, không nên học tràn lan mà phải biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để ôn tập cho tốt.

* Tập trung phần kiến thức còn yếu

Trong 4 môn thi, Vật lý là môn khiến Lâm “đau đầu” nhất. Vật lý cùng với Toán và Tiếng Anh được Lâm dùng để xét tuyển vào đại học, nên từ đầu tháng 5 Lâm đã lên kế hoạch ôn tập rất kỹ lưỡng. Riêng môn Ngữ văn, do không dùng để xét tuyển đại học nên Lâm học khá thoải mái.

Lâm tận dụng tối đa thời gian học buổi sáng ở trên trường để ôn tập 4 môn thi. Lâm tranh thủ ôn bài với các bạn trong lớp, những chỗ nào chưa hiểu thì mạnh dạn hỏi thầy cô giáo. Buổi chiều về nhà, phần lớn Lâm dành cho việc tự học và đi học thêm. “Em không bắt ép mình phải học quá nhiều, nhưng khi học phải thật nghiêm túc. Trước khi ngồi vào bàn học, em vạch ra những phần kiến thức mình còn yếu, chưa nắm vững để tập trung ôn tập. Chỗ nào khó thì vào các diễn đàn trên mạng hoặc nán lại sau các buổi học thêm để hỏi thầy, cô. Kinh nghiệm của em là không nên học từ phần nọ sang phần kia vì dễ bị chán. Học như vậy sẽ có những kiến thức được học đi học lại, có những phần kiến thức lại không kịp đụng đến” - Tùng Lâm bộc bạch.

Với cả 4 môn, Lâm đều chú ý nắm vững kiến thức cơ bản, không chủ quan với những phần lý thuyết dễ trong sách giáo khoa. Lâm lên mạng tìm và mày mò giải các dạng đề thi của môn Toán, Vật lý để thành thục cách giải; học thuộc các cấu trúc, ngữ pháp, luyện cách phát âm, các dạng câu, bổ sung vốn từ vựng môn tiếng Anh. Riêng môn Ngữ văn, Tùng Lâm học theo “ngẫu hứng”. Tức là không học thuộc lòng các bài văn mà nắm vững ý chính, chú ý phần ngữ pháp, theo dõi thông tin thời sự, xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng để có thêm vốn sống, vốn hiểu biết khi làm bài.

* Tránh để mất điểm ở những câu hỏi dễ

34,75 điểm là kết quả mà Dương Tùng Lâm đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 (Toán đạt 9,25 điểm, Vật lý và Tiếng Anh cùng đạt 9 điểm, Ngữ văn đạt 7,5 điểm).

Bí quyết khi làm bài thi của Lâm là luôn đọc kỹ đề, biết phân bổ thời gian hợp lý, kiểm tra lại bài làm thật kỹ để tránh những thiếu sót đáng tiếc. Điều đặc biệt là không nên chủ quan với các câu hỏi dễ, phải biết lượng sức mình với những câu hỏi khó.

Dương Tùng Lâm tâm sự, việc tích lũy kiến thức trong suốt quá trình học rất quan trọng. Tuy nhiên, tạo cho mình tâm lý thoải mái và rèn luyện để có sức khỏe tốt cũng là yêu cầu hết sức cần thiết trước khi bước vào kỳ thi. Chính bởi vậy, Lâm tích cực tham gia vào các hoạt động của lớp, của trường. Vào 2 ngày cuối tuần, cậu học trò chuyên Toán lại cùng bạn đi đá banh. Sau lúc học căng thẳng lại thư giãn bằng cách nghe nhạc, chơi đùa với em gái, nói chuyện với cha mẹ. Gia đình cũng không đặt quá nhiều áp lực cho Lâm mà luôn động viên tinh thần, giúp Lâm có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Lâm cho rằng, những học sinh khá môn Toán thường hay chủ quan với câu hỏi dễ nên thường bị mất điểm do cách giải, cách trình bày chưa chuẩn xác. “Sau khi làm xong 8/10 câu hỏi môn Toán, em dành khoảng 15 phút để soát lại bài xem có thiếu điều kiện, sai dấu ngoặc hay đáp số không. Sau đó, tiếp tục tập trung giải 2 câu còn lại. Câu 10 là câu khó nhất nên khi ôn tập cần thường xuyên làm nhiều dạng bài tập khó. Nếu có học lực trung bình thì nên tập trung lấy điểm ở 8 câu hỏi tương đối dễ trước chứ không nên dành nhiều thời gian “cố” giải 2 câu khó trước” - Tùng Lâm “bật mí”.

Môn Vật lý, Lâm cũng làm tương tự. Tức là cố gắng không để mất điểm ở 30 câu hỏi dễ. Khoảng thời gian 90 phút để hoàn thành 50 câu hỏi trắc nghiệm đòi hỏi thí sinh phải tính toán nhanh, nắm vững kiến thức cơ bản.

Ở phần trắc nghiệm môn Tiếng Anh, Tùng Lâm chú ý đọc kỹ đề, hiểu được nội dung bài đọc hiểu để trả lời đúng. Ở phần viết luận, Lâm không viết quá dài hoặc quá ngắn so với yêu cầu của đề bài. “Chẳng hạn, đề bài yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 80 từ thì nên viết khoảng 80-90 từ, trong đó cần chú ý ngữ pháp, cấu trúc (có cả mở bài, thân bài, kết luận), nên dùng câu ngắn gọn, dễ hiểu, tránh dài dòng” - Lâm cho biết.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,048,000       30