Xã hội

Tăng tốc ôn tập

Sau đợt kiểm tra giữa học kỳ 2 năm học 2015-2016, học sinh khối 12 trong tỉnh bước vào đợt cao điểm tăng tốc ôn tập, chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi THPT quốc gia, sẽ được tổ chức vào đầu tháng 7-2016.

Song song với chương trình chính khóa, hầu hết các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên đều bố trí lịch học tăng tiết vào buổi học còn lại cho học sinh có nguyện vọng. Không ít trường ngoài công lập còn tiến hành ôn tập cho học sinh vào buổi tối.

* Lịch học kín tuần

“Có nhiều hôm em về đến nhà là 21 giờ. Ngoài thời gian học tăng tiết vào các buổi chiều trong tuần chúng em còn đi học thêm ở bên ngoài. Bản thân em học thêm ở ngoài các môn: Toán, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý. Riêng môn Tiếng Anh thì học thêm ở một trung tâm trong thành phố. Lịch học kín cả tuần nên nhiều khi em mệt mỏi và gặp áp lực. Tuy nhiên, để nắm vững kiến thức, sẵn sàng cho kỳ thi đòi hỏi bản thân em và các bạn phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là những tháng cuối năm học này” - học sinh Đặng Tấn Tài, lớp 12A2 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh bộc bạch.

Học sinh Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu) truy bài, giúp nhau ôn tập trong giờ học tăng tiết. Ảnh: H.DUNG
Học sinh Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu) truy bài, giúp nhau ôn tập trong giờ học tăng tiết. Ảnh: H.DUNG

Với những trường tổ chức dạy tăng tiết cho học sinh khối 12 như Trường THPT Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), học sinh tiến hành đăng ký với nhà trường những môn sẽ thi THPT quốc gia để nhà trường xếp lớp ôn tập. Học sinh Hồ Thị Mỹ Trinh, lớp 12C3, cho biết chỉ trừ ngày, các ngày còn lại đều dành thời gian cho việc học ôn. “Buổi sáng, chúng em học chương trình chính khóa. Buổi chiều học tăng tiết 2 buổi/tuần, mỗi buổi 4 tiết. Ngoài thời gian này, chúng em còn học thêm ở các trung tâm, ở nhà thầy cô giáo” - Mỹ Trinh nói.

Là trường vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Cửu, ngay từ đầu năm học, Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ  đã cho 81 học sinh khối 12 chọn các môn thi tự chọn để xếp lịch ôn tập. Thầy Thái Văn Bé Năm, Quyền Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Ngoài cơ sở chính để học sinh khối 12 học chương trình chính khóa vào buổi sáng, nhà trường còn tận dụng cơ sở cũ ngay bên cạnh để dạy tăng tiết cho các em. Nhà trường dạy tăng tiết 5 buổi chiều/tuần. Sau khi khối 12 thi học kỳ 2 và hoàn thành chương trình học, dự kiến vào cuối tháng 4, nhà trường dành toàn bộ thời gian để tổ chức ôn tập 8 môn thi để các em có đủ kiến thức bước vào kỳ thi”.

* Địa lý, vật lý được chọn thi nhiều

Theo khảo sát, ở các trường thuộc các huyện, như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú và các trường THPT ngoài công lập, học sinh lớp 12 chọn môn Địa lý là môn thi thứ 4 khá đông. Những học sinh chọn môn Địa lý có xu hướng thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ về lý do chọn môn thi này, nhiều học sinh cho rằng môn Địa lý được mang Atlat vào phòng thi. Đây là lợi thế lớn đối với thí sinh vì có một nguồn tư liệu khá đầy đủ, có thể dựa vào Atlat để làm tốt bài thi.

Bà Trương Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết qua khảo sát sơ bộ của Sở GD-ĐT, có 42% số học sinh khối 12 trong tỉnh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2016 chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ này cao hơn năm ngoái 4%. Về việc  ôn tập cho học sinh, Sở GD-ĐT giao cho hiệu trưởng các trường, các tổ trưởng chuyên môn lên kế hoạch dạy ôn cho học sinh theo đúng tinh thần, chủ trương và sát yêu cầu của Bộ GD-ĐT, đồng thời có sự thỏa thuận với phụ huynh học sinh trên tinh thần tự nguyện. Để học sinh làm quen với dạng đề thi THPT quốc gia, sắp tới trong kỳ thi học kỳ 2, Sở GD-ĐT sẽ trực tiếp ra đề 8 môn thi. Có nhiều trường THPT trong tỉnh cũng tổ chức thi thử THPT quốc gia để học sinh làm quen với tâm lý phòng thi.

Thầy Phan Duy Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (huyện Cẩm Mỹ), cho biết năm nay nhà trường có 394 học sinh lớp 12. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã cho học sinh đăng ký môn thi, cụm thi để nhà trường tiến hành phân lớp học tăng tiết vào buổi chiều. Có tới hơn 243 học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, phần lớn những em này đều chọn Địa lý. Còn lại, những học sinh thi để xét tuyển vào đại học chọn Vật lý đông nhất, tiếp đó là Hóa học, Sinh học. Ban giám hiệu giao cho các tổ trưởng chuyên môn và giáo viên trực tiếp đứng lớp theo dõi sức học của học sinh để có nội dung và phương pháp ôn tập đạt hiệu quả tốt nhất. Riêng môn Lịch sử chỉ có 7 em chọn thi, do không đủ khả năng để xếp lớp nên nhà trường để các em tự ôn tập ở nhà.

Giải thích lý do vì sao số học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp khá lớn, thầy Duy Khánh bộc bạch: “Do điều kiện kinh tế gia đình của học sinh nơi đây còn khó khăn, nhiều em, sợ học đại học, cao đẳng xong ra trường không xin được việc làm nên chỉ học xong THPT thì đi xuất khẩu lao động hoặc làm công nhân, kiếm tiền phụ giúp gia đình”.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,594,291       1,483