Với mong muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn với khán giả, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng, xây dựng các chương trình biểu diễn hấp dẫn phục vụ cơ sở.
Một tiết mục biểu diễn của Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai tại Trường THPT Long Thành (huyện Long Thành). Ảnh: L.Na |
Những “bữa tiệc” tinh thần nhiều ý nghĩa này đã và đang thấm sâu vào đời sống, có sức lan tỏa và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
* Nỗ lực phục vụ khán giả
Thời gian gần đây, Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn đa dạng về thể loại từ ca, múa, độc tấu, song tấu nhạc cụ đến nhảy hiện đại… để phục vụ người dân trong tỉnh.
Bà Lê Thị Thơm (ngụ xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Tôi chưa có dịp đến sân khấu Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai xem cải lương bao giờ. Vậy nên, cuối tuần vừa rồi, khi hay tin các nghệ sĩ về diễn tại Trung tâm văn hóa của xã Tây Hòa, tôi đã không bỏ sót buổi nào. Có tiểu phẩm và trích đoạn cải lương rất xúc động, các tiết mục văn nghệ gần gũi, cảm giác như được quay về với thời đi xem văn nghệ xưa”. |
Có dịp theo chân giáo viên, học sinh Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai về huyện Long Thành biểu diễn trong chương trình Nâng cánh ước mơ (diễn ra đầu tháng 11 vừa qua tại Trường THPT Long Thành), chúng tôi ai nấy đều mang nhiều cảm xúc. Chiều muộn, giáo viên, học sinh của trường đã hoàn tất công các đoạn chuẩn bị âm thanh, băng rôn, phông nền… để bắt đầu buổi diễn trong sự háo hức, chờ đợi của khán giả.
Khi âm nhạc cất lên, cả hội trường trở nên sôi động, các tiết mục ca múa nhạc hiện đại kết hợp với nhạc cụ dân tộc cuốn hút người xem. Em Phạm Văn Bình (lớp 11A2 Trường THPT Long Thành), một khán giả của chương trình cho biết, thời gian qua ở trường cũng có một số hoạt động văn nghệ nhưng chưa “quy mô”. Được xem các thầy cô, anh chị đến từ Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật tỉnh biểu diễn, em rất thích thú.
“Em mong những chương trình như vậy sẽ được tổ chức thường xuyên để học sinh có thêm “địa chỉ” sinh hoạt bổ ích. Từ đó, tiếp cận được với các loại hình nghệ thuật, có định hướng khi chọn trường ở bậc học cao hơn” - em Phạm Văn Bình chia sẻ.
Tương tự, Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai trong năm 2019 đã dàn dựng 2 vở cải lương, một số tiểu phẩm và nhiều chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ nhiệm vụ chính trị, tham gia các liên hoan và đi biểu diễn ở cơ sở. Trong đó có vở cải lương Niềm khát, tiểu phẩm Giấc mơ cảnh tỉnh, các chương trình ca múa nhạc hiện đại… Tất cả đều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Hằng tháng, nhà hát đều về cơ sở phục vụ, tạo được ấn tượng đẹp trong lòng người dân.
Theo nghệ sĩ Thành Vinh (Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai), mặc dù khá bận rộn với công việc cuối năm, thế nhưng các nghệ sĩ của nhà hát vẫn ưu tiên cho những chuyến lưu diễn về vùng sâu, vùng xa phục vụ đồng bào, công nhân lao động. “Từ đầu tháng 10 đến nay, chúng tôi luân phiên nhau đi biểu diễn ở các huyện Thống Nhất (10 buổi), Trảng Bom (8 buổi); Xuân Lộc (5 buổi)… Trong chương trình, các tiểu phẩm và trích đoạn luôn có sự kết hợp giữa truyền thống và đương đại. Bên cạnh đó, chúng tôi còn biểu diễn những tiết mục ảo thuật, xiếc nhằm thu hút khán giả ở nhiều lứa tuổi” - nghệ sĩ Thành Vinh nói.
* Không ngừng đổi mới
Hiệu trưởng Trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Hồng Ân cho biết: “Để tăng hoạt động tương tác giữa giáo viên, học sinh với khán giả, từ nay đến cuối năm, nhà trường tiếp tục tổ chức các buổi diễn lưu động phục vụ cơ sở. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các buổi diễn, đảm bảo nội dung tuyên truyền sát thực tế, đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân”.
Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai Đồng Thị Quế Anh cho biết, những tháng cuối năm 2019, bên cạnh phục vụ cơ sở, đoàn nghệ thuật truyền thống của nhà hát tập trung dàn dựng, luyện tập vở cải lương Tiếng gọi (đề tài về xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai); đoàn nghệ thuật đương đại luyện tập một chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp, đồng thời nhà hát đang chuẩn bị chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý 2020. Sau khi hoàn thành, nhà hát sẽ tổ chức đi công diễn, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa.
“Năm 2020 sẽ diễn ra các sự kiện chính trị lớn, đặc biệt là chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp. Chúng tôi đã đăng ký vở diễn Những bước chân thầm lặng và các chương trình ca múa nhạc đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước. Chúng tôi sẽ mạnh dạn trao cơ hội cho nghệ sĩ, diễn viên trẻ đảm nhận vai chính trong các vở diễn, tiết mục ca, múa nhằm xây dựng lực lượng kế thừa và mang đến sự mới lạ cho tiết mục phục vụ khán giả” - NSƯT Quế Anh khẳng định.
Ly Na