Văn hóa

Công nữ Ngọc Vạn - người mở lối phương Nam

Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lược xứ Đồng Nai "ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn".

Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lược xứ Đồng Nai “ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Cùng với việc thiết lập hệ thống quản lý hành chính, tổ chức khai thác đất đai và ổn định xã hội, vùng đất Đồng Nai chính thức được xác lập tính đến nay đã tròn 320 năm.

Tấm bia ký tại tháp Công Chúa ở chùa Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) được phục dựng vào năm 2010. Ảnh: T.THÚY
Tấm bia ký tại tháp Công Chúa ở chùa Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) được phục dựng vào năm 2010. Ảnh: T.THÚY

Tuy nhiên, trên thực tế từ đầu thế kỷ 17 người dân miền Thuận Quảng vào Đồng Nai sinh sống ngày càng nhiều. Tiến trình nhập cư tự phát diễn ra ngày càng sôi động, từ quy mô lẻ tẻ ban đầu cho đến số đông ồ ạt, dần hình thành nên những vùng đất mới. Trong đó, không thể không nhắc đến lớp người xây dựng nền móng khai phá vùng đất mới trước cột mốc năm 1698, mà người mở lối và có công lao rất lớn phải kể đến công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn.

* Nước non ngàn dặm ra đi

Ngọc Vạn là con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Thời điểm ấy, ở phía Bắc mâu thuẫn giữa 2 thế lực Trịnh - Nguyễn ngày càng gay gắt nên chúa Nguyễn rất cần sự ổn định với vương quốc Chân Lạp ở phía Nam. Trong khi đó, vua Preachey Chetta II của Chân Lạp cũng mong muốn liên kết với chúa Nguyễn để cân bằng ảnh hưởng của Thái Lan đối với Chân Lạp, nên một mối liên minh chính trị thông qua hôn nhân đã được thực hiện bằng việc năm 1620 chúa Nguyễn gả công nữ Ngọc Vạn mới 15 tuổi cho vua Preachey Chetta II lúc đó 44 tuổi và đã có 2 người vợ, 1 người thiếp. Công nữ Ngọc Vạn được phong hoàng hậu với tước hiệu Brhat Mae Somdach Brhat Bhagavati Amara Deva Thida.

Nhìn chung, những tồn nghi về mặt lịch sử cần được nghiêm túc giải mã bằng khoa học. Nhưng dù công nữ Ngọc Vạn mất ở đâu, mộ phần bà ở nơi nào thì những công lao, đóng góp to lớn của bà vẫn được người dân ghi nhớ, ngưỡng vọng, trong đó có người dân Biên Hòa - Đồng Nai.

Tương truyền, công nữ Ngọc Vạn vừa xinh đẹp, vừa tài giỏi, đức độ nên rất được vua Preachey Chetta II yêu quý, nể trọng và tin tưởng. Đoàn người tháp tùng công nữ sang Chân Lạp đều được vua giao những chức vụ quan trọng, được phép sản xuất, buôn bán ở khu vực kinh đô. Từ đó, vua Preachey Chetta II đã đồng ý cho người Việt di cư đến Mỗi Xuy (ngày nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nông Nại (Đồng Nai) lập dinh điền khẩn hoang sinh sống và được võ trang để tự vệ. Năm 1623, vua Preachey Chetta II cũng đồng ý cho chúa Nguyễn lập tuần ty ở Prey Kor (khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn) và Krobey (Bến Nghé, nay đều thuộc TP.Hồ Chí Minh).

Trên thực tế, thời điểm đó Sài Gòn, Bến Nghé, Bà Rịa, Đồng Nai là những vùng đất hoang ít người sinh sống, bởi hàng thế kỷ liền Chân Lạp vừa xảy ra nội chiến do tranh giành quyền lực, đất nước bị xâu xé chia năm xẻ bảy, vừa phải chống chọi với các thế lực nước ngoài, vua Preachey Chetta II nhiều lần phải dựa vào quân đội chúa Nguyễn để chống lại sự đe dọa của Vương quốc Ayutthaya (một phần của nước Thái Lan ngày nay).

Tuần ty là cách gọi cơ quan thu thuế thời Lê Trung hưng, được đặt ra ở những nơi có giao lưu buôn bán để thu thuế. Ngoài việc thu ngân sách cho nhà nước, tuần ty còn là cơ sở để tiến hành ổn định các địa phương về chính trị, kinh tế, nhất là ở các vùng đất mới. Có thể nói, 2 tuần ty Sài Gòn và Bến Nghé của chúa Nguyễn như là những đặc khu kinh tế ngày nay, bởi chúa Nguyễn đã xây dựng “lãnh sự quán” và đồn binh bảo vệ, lập ra chợ búa, phố xá để thu hút thương nhân, người dân đến buôn bán, sinh sống, thu thuế các loại để có kinh phí hoạt động.

* Mở lối phương Nam

Theo tư liệu, từ khi có tuần ty, vùng đất Sài Gòn ngày càng sôi động, sầm uất. Nhiều thương nhân từ Hội An, Quảng Nam và các địa phương khác đưa đặc sản địa phương và cả hàng ngoại vào đây buôn bán, nhất là vào đợt gió mùa. Chỉ trong vòng 5 năm, người Việt đã hình thành được làng xóm từ Biên Hòa, Bà Rịa, Sài Gòn, lên tới Châu Đốc (Takeo), riêng tại Oudong (Phnom Penh) hình thành 2 làng người Việt lớn với dân số lên đến 500 người.

Năm 1628, biến cố lớn xảy ra trên chính trường Chân Lạp: vua Preachey Chetta II qua đời. Từ đó, triều đình Chân Lạp trở nên rối loạn trong cuộc chiến tranh giành quyền lực. Ở cương vị của mình, công nữ Ngọc Vạn có những động thái giúp đỡ các thế lực thân với nhà Nguyễn. Năm 1674, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần hỗ trợ Ang Sor (Nặc Ông Thu) lên làm Chính vương, công nữ Ngọc Vạn đã theo Đệ nhị vương Ang Nan (Nặc Ông Nộn) về sống ở Sài Gòn, sau đó lui về sống ở Bà Rịa rồi Đồng Nai cho đến cuối đời.

Về cuộc đời của công nữ Ngọc Vạn, trước đây chính sử thời Nguyễn hầu như không nhắc đến, thậm chí cũng không có tư liệu về cuộc hôn nhân giữa bà và vua Preachey Chetta II. Những tư liệu về bà là dựa vào chính sử của Chân Lạp và ghi chép của các giáo sĩ truyền giáo phương Tây thời bấy giờ. Nhưng những tư liệu dù ít ỏi ấy vẫn cho thấy vai trò quan trọng và công lao to lớn của công nữ Ngọc Vạn trong việc mở lối đưa người dân Việt đến vùng đất mới, mở rộng bờ cõi xuống phía Nam đến các vùng Bà Rịa, Đồng Nai, Sài Gòn và một số vùng miền Tây Nam bộ ngày nay, là nền móng để đến năm 1698 Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh lập nên 2 dinh Trấn Biên và Phiên Trấn.

Một trong những tồn nghi khoa học lớn hiện nay được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm là nơi an táng của công nữ Ngọc Vạn. Do không có ghi chép chính thức nên đến nay nhiều thông tin vẫn dựa vào truyền miệng từ dân gian. Hòa thượng Thích Minh Chánh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Đồng Nai, cho biết trong khuôn viên chùa Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) hiện có 2 ngôi bảo tháp, 1 bảo tháp có di cốt vị thiền sư sáng lập là Nguyên Thiều, bảo tháp còn lại là tháp Phổ Đồng, dân gian thường gọi là tháp Công Chúa, chính là mộ công nữ Ngọc Vạn.

Theo hòa thượng Thích Minh Chánh, chùa Kim Cang do thiền sư Nguyên Thiều thuộc dòng Lâm tế thứ 33 lập nên vào năm 1695. Thiền sư Nguyên Thiều là người đóng góp công sức rất lớn trong việc truyền bá Phật pháp ở xứ Đàng Trong, viên tịch tại chùa Kim Cang ngày 19-10 năm Mậu Thân (tức 20-11-1728), thọ 80 tuổi, được các đệ tử lập tháp chứa di cốt ở trong khuôn viên chùa. Trước đó, công nữ Ngọc Vạn là phật tử thuần thành đóng góp lớn lao trong việc xây dựng chùa Gia Lào (ở núi Chứa Chan, nay thuộc huyện Xuân Lộc), chùa Kim Cang nên khi bà qua đời tại Đồng Nai (tương truyền là công nữ Ngọc Vạn thọ hơn 90 tuổi, nên có thể thời gian mất từ sau năm 1695 trở đi) đã được thiền sư Nguyên Thiều đưa di cốt vào tháp Phổ Đồng. Tháp xây bằng gạch thẻ nung, phía ngoài phủ bằng ô dước - vật liệu xây dựng đặc trưng của vùng đất Đồng Nai, hình dạng tháp là bầu hồ lô tròn, trước mặt có tấm bia ký bằng chữ Hán.

Cuối năm 1946, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Kim Cang bị quân đội Pháp phá hủy, nhiều tượng Phật, Bồ tát, pháp khí thờ tự cho đến phổ hệ tông phả, hoành phi câu đối bị thiêu hủy. Năm 2010 chùa Kim Cang được trùng tu, 2 bảo tháp cũng được phục dựng. Văn tự khắc ở tháp chứa di cốt của thiền sư Nguyên Thiều được phục hồi nhưng văn tự chữ Hán trên tấm bia ký tháp Công Chúa đã hoàn toàn bị mất đi, hiện được thay thế bằng tấm bia ký chữ Việt. Hòa thượng Thích Minh Chánh khẳng định thông tin về tháp Công Chúa là do các đời trụ trì chùa Kim Cang truyền cho nhau. Đã có nhiều đoàn nghiên cứu đến chùa Kim Cang tìm hiểu, nhưng cho đến nay chỉ mới dừng lại ở mức độ truyền khẩu.

Tuy nhiên, gần đây 2 nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu và Huỳnh Đình Kết trong cuốn sách Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19 trong dân gian vùng Huế (xuất bản năm 2011) đã đưa ra tư liệu gồm: sắc phong, tẩm mộ, bài vị và tín ngưỡng thờ của Tống Sơn quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn tại 2 làng Dã Lê Chánh (xã Thủy Vân) và Dã Lê Thượng (xã Thủy Phương, TX.Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Từ đó, 2 nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là mộ của Công nữ Ngọc Vạn, sau khi dựng chùa Gia Lào ở núi Chứa Chan để tịnh tu bà đã quay về làng Dã Lê sinh sống rồi qua đời tại đây.

Thanh Thúy

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        413,820       42