Văn hóa

Nâng niu từng trang sách

Ở nơi còn nhiều khó khăn như khu Lá Ủ: chưa có nhà văn hóa ấp, chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng để đặt tủ sách cố định, đường giao thông còn là đường đất, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao... thì mỗi lần được cán bộ văn hóa, thư viện xã mang sách đến tận khu dân cư là cả một niềm vui khôn tả…

Ở nơi còn nhiều khó khăn như khu Lá Ủ: chưa có nhà văn hóa ấp, chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng để đặt tủ sách cố định, đường giao thông còn là đường đất, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao... thì mỗi lần được cán bộ văn hóa, thư viện xã mang sách đến tận khu dân cư là cả một niềm vui khôn tả…

Trẻ em người dân tộc Cơho ở khu Lá Ủ (ấp Phú Kiên, xã Phú Bình, huyện Tân Phú) say sưa đọc sách. Ảnh: V.TRUYÊN
Trẻ em người dân tộc Cơho ở khu Lá Ủ (ấp Phú Kiên, xã Phú Bình, huyện Tân Phú) say sưa đọc sách. Ảnh: V.TRUYÊN

16 giờ một ngày tháng 4, khi ông Trần Văn Toan, công chức văn hóa xã xã hội Phú Bình, thông báo đã đem sách vào khu Lá Ủ, học sinh ở đây như thói quen đã định từ trước lại tìm đến nhà của Phó trưởng ấp Phú Kiên Trần Văn Hồng (52 tuổi, người dân tộc Chơro) để đọc sách.

* Mỗi cuốn sách một niềm vui

Nơi đọc sách không có bàn ghế được xếp ngay ngắn, sách không nhiều, không được xếp đẹp đẽ như những phòng đọc ở thư viện trường học, xã, huyện, tỉnh mà toàn bộ sách được đặt trên 2 chiếc ghế dựng giữa sân nhà ông Hồng để mọi người lựa chọn. Khi tìm được cuốn sách ưng ý, em thì ngồi trên võng nơi góc sân, trên những chiếc ghế kê nơi gốc cây râm mát, em thì ngồi ngay dưới nền xi măng của thềm nhà… để đọc sách. Khoảnh sân chỉ rộng chưa đến 30m2 chứa đến 20 người nhưng rất trật tự.

Ông Trần Văn Hồng, Phó trưởng ấp Phú Kiên, nói: “Tụi nhỏ muốn ngồi đâu thì ngồi, miễn sao cảm thấy thoải mái là được. Mà không chỉ đám con nít, cả những người lớn tuổi, nam nữ thanh niên cũng tìm đến để đọc sách theo sở thích. Trẻ em thì truyện cổ tích, lớn hơn một chút là truyện ngắn, còn nhà nông như chúng tôi thì sách về chăn nuôi trâu, bò, heo gà, sách nuôi dạy con cái là thích nhất. Mỗi khi đọc được câu chuyện hay, biết thêm cách chữa bệnh cho vật nuôi ai cũng thấy thích, thấy vui với cuốn sách mình cầm trên tay”.

Em Ka Thanh (người dân tộc Cơho, 14 tuổi, ngụ ấp Phú Kiên) cho hay: “Em rất thích đọc sách. Mỗi tháng em đều để dành tiền để nhờ các anh mua truyện về đọc. Do mỗi cuốn trị giá vài chục ngàn đồng nên một tháng em chỉ để dành đủ mua được 2 cuốn. Em đọc vài ngày là đã nhớ nội dung từng cuốn. Thời gian còn lại em không có gì đọc nên mỗi khi có buổi đọc sách lưu động là em rất thích, vì những câu chuyện trong sách cho em nhiều bài học hay và chứa cả một khoảng trời thơ mộng tha hồ tưởng tượng”.

* Mơ về một tủ sách cố định

Sau gần 2 tiếng đọc sách say sưa, công chức văn hóa xã hội Trần Văn Toan thông báo hết giờ. Trong số những em đem sách đến đặt trên bàn để trả sách, có em hớn hở vì vừa đọc xong cuốn sách hay nhưng cũng có em lộ rõ vẻ mặt tiếc nuối, cố gắng vừa đi vừa đọc thêm vì chưa kịp đọc hết câu chuyện trong sách.

Em Ka Hoa (người dân tôc Cơho, học lớp 3 tại ấp Phú Kiên) cho biết: “Em đã đọc hết cuốn sự tích Sơn tinh - Thủy tinh, thấy còn thời gian nên em đọc thêm cuốn sự tích bánh chưng bánh giầy nhưng không kịp. Em tiếc lắm nên em vừa đi vừa đọc cho hết”.

đa số các em đều cho biết do cha mẹ sáng sớm đã đi làm công nhân nên không ai đưa đến thư viện của xã cách khu Lá Ủ gần 3km. “Đây là điều thiệt thòi lớn cho tụi nhỏ và chính quyền xã cũng đang tìm cách giúp bà con dân tộc có một nhà văn hóa ấp để bố trí tủ sách bên trong. Bà con rất mong điều này sẽ sớm thành hiện thực bởi chúng tôi ít học, ít được đọc sách nhưng ai cũng hy vọng con em mình đọc nhiều sách để hiểu biết nhiều, giúp ích cho cuộc sống” - Phó trưởng ấp Phú Kiên Trần Văn Hồng nói.

Trong khi chờ đợi về một nhà văn hóa ấp được xây dựng với tủ sách bên trong, để giúp học sinh, bà con người dân tộc tiếp cận với những câu chuyện hay, bổ ích trong từng cuốn sách, chính quyền xã Phú Bình vẫn tiếp tục thực hiện những chuyến đọc sách lưu động nhằm khuyến khích việc đọc sách đối với nhân dân, nhất là lớp trẻ.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        764,373       159