Văn hóa

Tâm thức nghe nhạc Trịnh

Ngày 1-4, tròn 16 năm ngày mất Trịnh Công Sơn - cái ngày dễ nhớ vì là ngày cá tháng tư. Nhờ có internet, nhiều người giờ đây nghe nhạc Trịnh không cần băng đĩa và các quán cà phê, cửa hàng mở nhạc Trịnh vô tư, bao nhiêu bài cũng có, kể cả những bài không thấy lệnh cho hát hay không cho hát.

Đó là chuyện dễ hiểu với một nhạc sĩ có một gia tài đồ sộ đến hơn 600 ca khúc, chiếm đa số là sáng tác trước năm 1975 và chỉ hơn 1/3 trong số ấy được phổ biến rộng rãi, được nhiều người biết đến.

 Năm 2013, một chuyên gia về văn hóa Việt Nam là John C.Schafer cho ra mắt bạn đọc cuốn Trịnh Công Sơn - Bob Dylan: Như trăng và nguyệt (Cao Thị Huỳnh Như dịch, Cao Huy Thuần giới thiệu, Nhà xuất bản Trẻ). Điều rất vui là mới năm ngoái đây thôi, Bob Dylan được tặng giải thưởng Nobel văn chương vì “đã tạo ra những sự diễn đạt thi vị theo cách nói trong truyền thống ca khúc tuyệt vời của Mỹ” (Wikipedia). Trong chuyên luận so sánh Trịnh Công Sơn và Bob Dylan có một chương viết về nhạc phản chiến của Bob Dylan và nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Điều này không mới vì từ lâu mọi người tạm công nhận rằng 3 mảng nhạc quan trọng của Trịnh là: nhạc tình, nhạc về thân phận con người và nhạc phản chiến. Đã có cả một cuộc hội thảo sau năm 1975 tại Huế với những tranh luận về lợi và hại của nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn sáng tác trong lòng đô thị Sài Gòn trước năm 1975 và một kết luận rất hình tượng là khi nghe nhạc phản chiến, nhiều lính Việt Nam cộng hòa đào ngũ.

Ca sĩ và cũng là nhà hoạt động xã hội Harry Belafonte nói rằng: “Tất cả mọi cuộc đấu tranh đều cần một mối tình”, điều này quá đúng với Bob Dylan - Joan Baez và Trịnh Công Sơn - Khánh Ly dù có nhiều điểm khác của sự rung động trái tim giữa cặp Dylan - Baez và Trịnh Công Sơn - Khánh Ly.

 Với người nghe Việt Nam qua nhiều thế hệ, nhạc Trịnh là dành riêng cho Khánh Ly và ngược lại, điều này có thể hơi quá với toàn bộ sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa này nhưng với nhạc phản chiến nhiều bài đã được phổ biến (được phép biểu diễn công khai) thì cách nói trên hoàn toàn đúng. Quãng những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, nhạc phản chiến của Trịnh lan tỏa rộng rãi, nhất là ở đô thị và trong sinh viên, học sinh được tập hợp qua các hội đoàn; sau này phát triển thành phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của Tôn Thất Lập, nhạc phản chiến Miên Đức Thắng, Trần Long Ẩn… Những năm đầu thập niên 70, khi nghe Đại bác ru đêm, Hát trên nhng xác người… ai cũng thấy nhức nhối nhưng song hành với tiếng kêu than này là Nối vòng tay lớn, Dựng lại người dựng lại nhà… như mở ra một ánh sáng mới trong “đường hầm” ngập tràn tiếng súng.

Với giải thưởng Nobel của Bob Dylan - một nhạc sĩ phản chiến tầm vóc thế giới, mới tinh năm 2016, có thể có hướng nhìn nhận lại nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong toàn bộ sáng tác của ông. Tâm thức người tiếp nhận nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn là tiếng kêu thương bi ai nhưng không tuyệt vọng của ông vì thân phận con người trong một bối cảnh và hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Trần Phi Châu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        671,617       771