Văn hóa

"Cậu bé xương thủy tinh" viết sách

Buổi giao lưu và ra mắt sách Biệt đội AHHV (Saigon Books và Nhà xuất bản Lao động) của "cậu bé xương thủy tinh" Lê Anh Xuân vừa diễn ra tại Đường sách TP.Hồ Chí Minh.

“Cậu bé xương thủy tinh” Lê Anh Xuân và tác phẩm Biệt đội AHHV.
“Cậu bé xương thủy tinh” Lê Anh Xuân và tác phẩm Biệt đội AHHV.

Buổi giao lưu và ra mắt sách Biệt đội AHHV (Saigon Books và Nhà xuất bản Lao động) của “cậu bé xương thủy tinh” Lê Anh Xuân vừa diễn ra tại Đường sách TP.Hồ Chí Minh.

Lê Anh Xuân, sinh năm 2004, tại xã Cát Trinh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Do di chứng của chất độc da cam nên khi sinh ra, Lê Anh Xuân bị bệnh xương thủy tinh, gặp khó khăn trong di chuyển.

Trước ngày ra mắt sách, GS. Michio Umegaki - người thành lập Lớp học Ước mơ, TS.Vũ Lê Thảo Chi, tổ chức Chung Tay Donation, các tình nguyện viên của Nhật Bản và Việt Nam đã về nhà Lê Anh Xuân để báo tin vui cho em. Những người có mặt tại buổi giao lưu lặng đi khi xem clip hình ảnh Lê Anh Xuân nằm nhỏ thó trên giường, lật giở từng trang sách của mình trong sự bất ngờ và xúc động.

Lê Anh Xuân tâm sự: “Lúc mới viết, em chỉ nghĩ là viết cho ba mẹ đọc, không ngờ sau đó lại được xuất bản thành sách. Em mong mọi người sẽ thích. Tương lai, em mong muốn có thể trở thành một người viết văn thực sự có nhiều sách được in”. Vốn bị xương thủy tinh từ lúc nhỏ nên Xuân gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Không có điều kiện đến trường, Xuân học ghép vần và dần dần biết đọc nhờ người cha tận tụy và thương con hết lòng.

Biệt đội AHHV được viết theo thể loại trinh thám, Lê Anh Xuân cho biết: “Em mong muốn cuốn sách của mình có thể truyền ý nghĩa về sự lạc quan, phấn đấu trong cuộc sống. Ngoài ra, với mọi người, em mong muốn tất cả có thể thực thi bảo vệ chính nghĩa mọi lúc mọi nơi dù mình là ai”.

 Lê Anh Xuân kết nối với thế giới bên ngoài qua chiếc tivi nhỏ trong nhà và đặc biệt thích các chương trình thể thao và nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy, Xuân dần phát triển và hoàn thiện khả năng ngôn ngữ. Đặc biệt, Xuân tỏ ra thích thú và đam mê với việc đọc sách, nhất là thể loại phiêu lưu, trinh thám. Xuân đọc và có thể nhớ tất cả những nội dung, tình tiết của sách. Đó cũng là nguồn tư liệu và cảm hứng cho Xuân viết, vẽ truyện tranh Biệt đội AHHV.

Trong một lần về Phù Cát tham gia một dự án dành cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại đây, TS. Vũ Lê Thảo Chi (Đại học Keio, Nhật Bản) đã được tiếp xúc với bản thảo của Lê Anh Xuân. Bản thảo chỉ là cuốn sổ nhỏ nhưng bố cục chặt chẽ, với trang đầu là mục lục. Đặc biệt, bản thảo của Xuân được viết một lần, kèm theo tranh minh họa, và không sửa. Cảm thông và thấu hiểu với đam mê của Lê Anh Xuân, ngay sau khi đọc xong, TS. Vũ Lê Thảo Chi cùng bạn bè đã đi tìm đơn vị xuất bản.

TS.Vũ Lê Thảo Chi chia sẻ: “Nếu không biết về hoàn cảnh của Xuân, thì sẽ không ai biết được người viết có một hoàn cảnh đặc biệt. Tôi thích quyển sách vì nội dung của nó. Tôi bị cuốn vào cuốn sách mà quên mất Xuân là người viết. Bởi chất liệu để viết cuốn sách rất phong phú, như một con người bình thường sống với cuộc đời...”.

Tập 1 của Biệt đội AHHV (viết tắt của Biệt đội Anh hùng hảo Việt) với tên gọi Vụ án bí ẩn kể về tiểu đội điều tra có tên Biệt đội AHHV, với tiêu chí bất cứ ai có tinh thần anh hùng đều có thể tham gia, không nhất thiết phải là những người đánh võ giỏi. Theo tiết lộ của TS.Vũ Lê Thảo Chi, hiện tại Lê Anh Xuân đã viết xong tập thứ hai của Biệt đội AHHV. Tháng 4 tới đây, Xuân sẽ viết về Lớp học Ước mơ - nơi Xuân đã có thời gian ngắn theo học; đồng thời cũng là nơi hình thành và chắp cánh ước mơ cho những em bé có hoàn cảnh giống như Xuân.

Sơn Hồ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        672,829       813