Văn hóa

Cánh diều... tháng ba

Tháng ba, mê mải với công việc để rồi một chiều lồng lộng gió, tôi chạy xe về ngang cánh đồng quê mình dưới những cánh diều đang vút bay trên mênh mông nắng, lòng bâng khuâng lạ. Nhanh thật, mới đó mà mùa thả diều đã đến.

Tôi bỗng nhớ cồn cào những kỷ niệm tuổi thơ với cánh diều đầy ắp ước mơ của mình ngày xưa xa thẳm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Intenet
Ảnh minh họa. Nguồn: Intenet

Ngày ấy, vào mùa nắng, khi cánh đồng khô gốc rạ, trời chiều đầy gió là bọn trẻ chúng tôi lại háo hức bước vào mùa thả diều. Những buổi trưa oi ả, những đứa trẻ tóc vàng hoe, da đen nhẻm rủ nhau đi chặt tre vót nan làm diều. Những chiếc diều trẻ nghèo bọn tôi được dán bằng giấy báo. Diều của bọn trẻ chúng tôi bao giờ cũng nhỏ và ngắn dây hơn của đàn anh trong làng, nhưng cũng bay căng mình trong gió.

Chiều chiều, lúc còn nắng nóng, vừa đi học về là chúng tôi vội vã bỏ sách vở, rủ nhau đi thả diều. Những cánh diều tự làm còn vụng về ấy thế mà cứ bay lượn thỏa thích trên bầu trời cao xanh lồng lộng. Bọn trẻ chúng tôi mê thả diều có khi phải trốn nhà đi. Nhiều hôm mê mải quên cả về nhà nấu cơm, bị mẹ la cho một trận, có đứa còn bị ăn đòn roi để đời vì cái tội không nghe lời, theo bạn mê chơi. Ấy vậy mà hôm sau lại í ới gọi nhau ra đồng làng. Không chỉ con trai chúng tôi mê diều mà đám con gái trong làng cũng mê mẩn đi theo…

Mùa diều này qua, mùa khác đến, chúng tôi lớn lên và trưởng thành từ những cánh diều ăm ắp ước mơ thuở nhỏ. Cánh diều nuôi nấng tâm hồn tôi, cho tôi những khát vọng vươn cao. Bây giờ, mỗi đứa một phương trời xa tít tắp, nhưng lần nào trở về quê nhà yêu dấu, gặp nhau tay bắt mặt mừng lại xốn xang nhớ thương bao kỷ niệm ngọt ngào ngày xưa. Và mênh mang trong ký ức là những cánh diều của những tháng ngày thơ bé nghèo khổ, lam lũ. Mênh mang trong ký ức là những chiều trong veo tiếng nói cười vang vọng trên đồng quê còn thơm mùi của rơm rạ…

Xin cám ơn những cánh diều chiều nay đã cho tâm hồn tôi sống lại chút bâng khuâng của hương vị nắng gió quê nhà.

Hòa Hiệp

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        672,965       723