Văn hóa

Tài đức Lý Văn Sâm

Tính đến thời điểm hiện tại, nhà văn Lý Văn Sâm (tên thân mật là Hai Lý, 1921-2000) là một trong 3 văn nghệ sĩ của Đồng Nai được trao giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhà văn Lý Văn Sâm (tên thân mật là Hai Lý, 1921-2000) là một trong  3 văn nghệ sĩ của Đồng Nai được trao giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Sự công nhận của Nhà nước đã đủ nói lên sự đồ sộ cũng như giá trị tư tưởng trong mỗi truyện ngắn, tiểu thuyết... mà ông để lại.

Thí sinh Đỗ Ngọc Thanh Phương (bìa trái) vừa đoạt giải nhất bảng dành cho cán bộ, công chức tại hội thi Tìm hiểu giá trị văn hóa - lịch sử Đồng Nai năm 2016 từ  bài thuyết trình bằng tranh về nhà văn Lý Văn Sâm.
Thí sinh Đỗ Ngọc Thanh Phương (bìa trái) vừa đoạt giải nhất bảng dành cho cán bộ, công chức tại hội thi Tìm hiểu giá trị văn hóa - lịch sử Đồng Nai năm 2016 từ bài thuyết trình bằng tranh về nhà văn Lý Văn Sâm.

Song người ta nhớ đến ông không chỉ bởi tác phẩm mà còn vì một nhân cách sống cao đẹp đã trở thành tấm gương cho biết bao thế hệ văn nghệ sĩ học tập.

Nhà văn lớn

 Nhằm đánh giá vai trò, công lao của cố nhà văn Lý Văn Sâm đối với nền văn học nước nhà, đồng thời thể hiện sự tri ân nhà văn lão thành của miền Đông Nam bộ, sáng nay 12-1 tại Văn miếu Trấn Biên sẽ diễn ra hội thảo văn học với chủ đề “Lý Văn Sâm - nhà văn xuất sắc của miền Đông Nam bộ”. Hội thảo do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp với Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Tham dự hội thảo, các đại biểu là những nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ, những người từng trực tiếp làm việc, được nhà văn Lý Văn Sâm hướng dẫn chỉ dạy sẽ cùng nhau đưa ra những tham luận, ý kiến đánh giá, cảm xúc về tác phẩm, nét đẹp trong cuộc sống của ông.

Lý Văn Sâm là nhà văn tài hoa của miền Nam với gần 50 năm cầm bút. Số lượng tác phẩm mà ông để lại cho đời rất đồ sộ, có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu được đông đảo bạn đọc say mê, như: Kòn Trô, Rồng bay trên núi Gia Nhang, Sương gió biên thùy, Thù nhà nợ nước, Sau dãy Trường Sơn, Ngoài mưa lạnh, Ngàn sau sông Dịch, Nắng bên kia làng, Thêm một ngọn đèn, Một bi kịch đã hạ màn...

Ẩn chứa trong mỗi tác phẩm là những giá trị nghệ thuật cao, như chia sẻ của Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Khánh Hòa: “Tác phẩm của nhà văn Lý Văn Sâm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, làm phong phú diện mạo văn chương Nam bộ”.

Còn cố nhà văn Sơn Nam từng khẳng định: “Nếu không có Lý Văn Sâm, văn học ta chịu một thiệt thòi lớn, không gì bù đắp nổi”.

Hay PGS.TS Trần Hữu Tá trong cuốn Từ điển văn học bộ mới đã ghi: “Là một nhà văn miền Nam tiêu biểu của nửa cuối thế kỷ 20, Lý Văn Sâm đã có những đóng góp xứng đáng cho nền văn học dân tộc”.

Chính vì lẽ đó mà đã có hàng chục bài viết, công trình nghiên cứu về nhà văn Lý Văn Sâm ra đời dưới nhiều dạng khác nhau, như: tập sách xuất bản, luận văn tốt nghiệp cao học của các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu văn hóa trong cả nước. Điểm chung ở những bài viết, công trình nghiên cứu này đều đánh giá cao tác phẩm, giá trị tư tưởng và xác lập một chỗ đứng riêng của nhà văn Lý Văn Sâm trên văn đàn Việt Nam.

Cố nhà văn Hoàng Văn Bổn, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai từng viết trong bài Tôi gặp nhà văn lão thành Lý Văn Sâm: “Thì thầm kín đáo nhưng không giấu giếm, Lý Văn Sâm rất ít nói về mình... Một ngòi bút tài hoa, tế nhị và sung sức như thế lại tự coi mình là một hạt cát nhỏ, có thể đó là một trong những đức tính giúp anh làm nên một sự nghiệp văn chương đồ sộ, in dấu sâu đậm nhiều bước ngoặt lịch sử Việt Nam và riêng miền Đông Nam bộ trong thế kỷ qua... Tôi từng được may mắn gặp các nhà văn, danh nhân văn hóa lớn trên thế giới, như: Nikolats Ghiden, Bôrit Pôlvoi, Rêtama, Phêlit Pita Rôdrighết, Ba Kim, Éptusenkô, hầu hết Ban Chấp hành Hội Nhà văn Á Phi… Tôi thấy ở họ có nhiều đức tính của nhà văn Lý Văn Sâm của Đồng Nai”.

Một nhân cách sống cao đẹp

Không chỉ có những đóng góp trên văn đàn mà tính cách, lối sống của nhà văn Lý Văn Sâm còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người, nhất là với giới văn nghệ sĩ - những người có dịp tiếp xúc với ông. Như chia sẻ của nhà văn Bùi Quang Tú, người có may mắn được tiếp xúc với nhà văn Lý Văn Sâm ngay từ lúc bé khi cùng cha là nhà văn Bùi Hiển đến nhà chú Hai Lý. Nhà văn Bùi Quang Tú hồi tưởng: “Nhà văn Lý Văn Sâm đã từng ngồi ở cái ghế cao quyền lực trong lĩnh vực văn nghệ: Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai. Nhưng chẳng thấy bóng dáng quan chức khi tiếp xúc, làm việc với ông. Khi xử lý công việc, ông không đao to búa lớn, vỗ ngực ta đây. Cách làm việc của ông thường nhẹ nhàng, khéo léo, tế nhị. Đối với đồng nghiệp, Lý Văn Sâm luôn tỏ thái độ tôn trọng, thân thiết. Với bậc con cháu trong nghề, mặc dù là cây bút lão làng nhưng chưa bao giờ thấy ông lên mặt dạy bảo, ông chỉ thủ thỉ tâm sự như một người đi trước với lớp đàn em”.

Còn nhà văn Nguyễn Thái Hải có rất nhiều kỷ niệm với nhà văn Lý Văn Sâm trong thời gian từng làm “lính” văn phòng cho chú Hai Lý: “Ông gọi tôi và các anh chị em làm việc ở văn phòng Hội là cháu với ý nghĩa thân tình mà ai trong chúng tôi cũng cảm nhận được. Có lần tôi hỏi ông có lưu giữ những truyện mình đã viết và in báo không, thì ông lắc đầu. Ông nói với tôi: “Truyện của mình cần được lưu giữ trong lòng bạn đọc hơn cháu à”. Lần khác, lúc gia đình tôi mở quán chè để có thêm thu nhập trang trải đời sống, tôi tham gia bưng bê chè cho khách, chú Hai lại góp ý: “Lao động chân chính là tốt. Nhưng cháu không nên xuất hiện nơi bán hàng mà nên làm việc gì đó phụ vợ con ở phía trong nhà sẽ tốt hơn”. Lời khuyên ấy giúp tôi thoát khỏi cái ý nghĩ khó nói ra cứ lởn vởn trong đầu mình mỗi khi ra sân bưng bê từng ly chè cho khách. Tôi rút vào nhà với nhiệm vụ bào nước đá. Và trong một thời gian vừa bào nước đá vừa viết, tôi đã có được cuốn tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm, sau đó được giải thưởng Hội Nhà văn”.

Riêng với nhà văn Thu Trân, những năm tháng mới tham gia Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai được nhà văn Lý Văn Sâm chỉ dạy đã để lại trong nữ tác giả chuyên viết truyện cho thiếu nhi nhiều kỷ niệm đẹp: “Chỉ vẽ cho đám nhi đồng bọn mình viết lách ngày ấy, ông già còn dung dị hơn. Tâm lý nhân vật hả, xời, dễ ợt, nhỏ cứ đặt mày ở vị trí người đó đi, gỡ từ từ cũng ra à, không có gì “đao to búa lớn” đâu con. Nhưng viết văn không được viết sai chính tả nha, nhớ nha, mình làm nhà văn là mình nói thay người ta, “sai một ly đi một dặm”, người ta cười chết con”.

Từ những tác phẩm văn học nghệ thuật cũng như đóng góp cho sự phát triển của nền văn nghệ Đồng Nai, và trên hết là phong cách sống mà nhà văn Lý Văn Sâm để lại cho hậu thế, có thể thấy rằng những phần việc mà ông đã làm, kỷ niệm mà mỗi người từng có với chú Hai Lý sẽ còn mãi.

Sông Thao

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        583,466       182