Văn hóa

Mỹ thuật Đồng Nai trên đường phát triển

Trong kháng chiến cũng như thời kỳ xây dựng đất nước, cùng với sự phát triển chung của mỹ thuật cả nước, mỹ thuật Đồng Nai đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Du khách nước ngoài xem triển lãm  tranh gốm, chủ đề Chiều đối diện của họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng, Hội viên Ban Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: V.TRUYÊN
Du khách nước ngoài xem triển lãm tranh gốm, chủ đề Chiều đối diện của họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng, Hội viên Ban Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: V.TRUYÊN

Đồng Nai cũng được biết đến là nơi sản sinh ra nhiều tài năng mỹ thuật với những kỹ năng, sự sáng tạo mới lạ trong nghề.

Dấu ấn riêng

Là một trong những người có thời gian gắn bó lâu dài và được các hội viên xem là trưởng bối trong làng mỹ thuật Đồng Nai, họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ (76 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Văn học  nghệ thuật Đồng Nai), người nổi tiếng với những bức ký họa chân dung, ký họa chiến trường, cho biết thời kháng chiến, ông cùng những họa sĩ khác, như: Huỳnh Phương Đông (Huỳnh Công Nhãn), Võ Xưởng (Vũ Hữu Xưởng), Văn Lương (Nguyễn Văn Lương), Lê Minh... chủ yếu vẽ ký họa, vẽ tuyên truyền cổ động. Lúc bấy giờ ngoài hành quân, chiến đấu như bao chiến sĩ cách mạng khác, người họa sĩ còn thực hiện một nhiệm vụ hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ trái tim, trách nhiệm, đó là dùng bút và giấy lưu giữ lại chân dung những chiến sĩ điển hình, cán bộ, chiến sĩ trong các trận đánh, hành quân, nghỉ ngơi, sinh hoạt cùng nhân dân... qua từng nét vẽ.

 Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ (10-12-1951 - 10-12-2016), trong tháng 12-2016, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cùng Ban Mỹ thuật sẽ cho ra mắt độc giả cuốn sách Mỹ thuật Đồng Nai - hành trình sáng tạo. Cuốn sách giới thiệu chân dung cùng những tác phẩm tiêu biểu của 50 gương mặt đã, đang gắn bó với hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật Đồng Nai.

Ông Phạm Công Hoàng, Trưởng ban Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cho biết nếu 36 năm về trước khi ban mỹ thuật (được thành lập với chưa đến 10 người và chủ yếu là họa sĩ, điêu khắc là chính, thì nay con số này đã lên đến 39 người (trong đó có 9 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) với nhiều lĩnh vực: hội họa, điêu khắc, gốm, đồ họa, trang trí, gò đồng, khắc gỗ... Trong các triển lãm khu vực miền Đông Nam bộ, những người làm mỹ thuật Đồng Nai đều gặt hái những giải thưởng cao.

Đặc biệt, nhiều hội viên của Ban Mỹ thuật đã được công chúng cả nước biết đến với những biệt tài rất riêng, trong đó có họa sĩ Võ Tấn Thành, người đã thực hiện gần 200 bức ký họa về chân dung của các liệt sĩ thông qua lời kể của người thân; 100 bức chân dung tội phạm giúp công an truy bắt kẻ gây tội ác.

Hay như họa sĩ Nguyễn Minh được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là người ghép tranh chân dung nhiều nhất Việt Nam, trong đó có tranh ghép chân dung Bác Hồ từ 8.800 bức ảnh tư liệu về Bác; ghép chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ 15 ngàn tấm hình của Đại tướng...

Hoặc như họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục tác phẩm Sóng gọi là “bức tranh chủ đề chiến sĩ hải quân vẽ bằng bút sắt trên gỗ lớn nhất”. Còn chuyên gia thiết kế tranh cổ động - họa sĩ Lâm Quý Luyến, nguyên Trưởng phòng Tuyên truyền cổ động thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh đã có 40 năm gắn bó, thiết kế tranh tuyên truyền cổ động cho tỉnh.

Nỗ lực trong vòng xoáy khó khăn

Tuy có nhiều gương mặt nổi trội, tạo ra không ít sản phẩm độc, lạ, đẹp nhưng giới mỹ thuật tại Đồng Nai cũng gặp khó khăn, nhất là về kinh phí, công tác quảng bá tác phẩm và tìm kiếm đội ngũ làm công tác phê bình mỹ thuật. “Thật sự thì người làm mỹ thuật sống được với nghề là rất ít. Con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại phần lớn phải làm nhiều nghề khác nhau để nuôi dưỡng làm đam mê nghệ thuật” - họa sĩ Phạm Công Hoàng cho biết thêm.

Thêm vào đó, nguồn kinh phí hoạt động có phần hạn hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức giới thiệu tác phẩm của những người yêu mỹ thuật. Mỗi năm ban chỉ có thể tổ chức một sự kiện để giới thiệu tác phẩm, có năm lại không.

Và trong cái khó, những người hội viên mỹ thuật như bị thôi thúc tìm ra những giải pháp cho bản thân cũng như những người xung quanh trong đó. Vào tháng 9 vừa qua, họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng đã tự bỏ tiền túi  để tổ chức một cuộc triển lãm giới thiệu đến với công chúng về tranh gốm, chủ đề Chiều đối diện tại TP.Hồ Chí Minh.

Hay như nhóm 14 tác giả là nghệ nhân gốm, họa sĩ tại Đồng Nai là: Đinh Công Lai, Đinh Công Việt Khôi, Hồ Thị Thu Cúc, Nguyễn Quang Hoàng, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Trọng Lộc, Nguyễn Trọng Tuấn, Nguyên Trung Thường, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Trung, Phạm Công Hoàng, Tô Văn Thăng, Trần Minh Công, Trần Ngọc Thảo đã tìm kiếm nguồn tài trợ từ sự bảo trợ của Quỹ Hoàng tử Claus vì văn hóa và phát triển (Prince claus fund for culture and development) của Hà Lan để tổ chức triển lãm và thảo luận về gốm Biên Hòa, chủ đề Đất nghĩ.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, những năm qua Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã phối hợp cùng Hội Văn học  nghệ thuật Long An tổ chức triển lãm giao lưu mỹ thuật Đồng Nai - Long An đều đặn hàng năm. Hội cũng đã đưa các tác phẩm của giới mỹ thuật Đồng Nai tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực VII - Đông Nam bộ. Còn trong tỉnh, hàng năm đều có cuộc thi mỹ thuật để tạo sân chơi cho người yêu mỹ thuật.

Bên cạnh những giải pháp đã làm được, những người làm mỹ thuật vẫn còn đó nỗi lo cùng sự trăn trở là làm sao liên kết, khuyến khích được sự tham gia của những người có chuyên môn thực hiện công tác phê bình mỹ thuật. “Hiện thể loại phê bình mỹ thuật đang là điểm yếu nhất của giới mỹ thuật Đồng Nai. Không phải Đồng Nai thiếu những cây viết sắc bén, có chuyên môn mà hầu như không ai mặn mà dành thời gian làm việc này. Do vậy, chúng tôi đang rất cần những người sẵn sàng dấn thân vì việc chung” - họa sĩ Phạm Công Hoàng nói.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        767,423       205