Văn hóa

Bâng khuâng tháng mười hai

Tháng mười hai chạm ngõ đúng lúc những đợt gió đông lạnh nhất tràn về. Lòng bồn chồn thương về quê nhà nghèo khó.

Ngôi nhà ngói hai gian bé tí tẹo, lọt thỏm giữa cánh rừng bạch đàn ngạt ngào gió. Gió đông lúc nào cũng chực ùa vào như vị khách bất lịch sự chẳng mời mà ghé. Trước mỗi đợt gió, cha lại phải chạy chỗ nọ tới chỗ kia xin từng phên tranh, rạ chắn che hòng chắn được chút nào hay chút nấy. Tội nghiệp đàn gà con, kêu liếp nhiếp cả đêm vì lạnh. Chái bếp mẹ thắp hồng những ngọn lửa từ sáng tinh mơ tới tối mờ mịt.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Tháng mười hai về. Thương những sớm hôm tần tảo, mẹ chạy ngược chợ gần chợ xa, đòn gánh nặng oằn vai vì miếng cơm, manh áo cho đàn con thơ dại trong mùa đông buốt giá. Thương những tối mẹ thức thâu đêm đan yêu thương vào đôi bít tất, chiếc áo len dày sụ. Thương những đường cày của cha, miệt mài cả những đêm trăng mờ ảo chỉ mong kịp mùa đổ ải. Những người nông dân lúc nào cũng quần quật bên thửa đất của mình làm lụng, cày xới, vun trồng, gặt hái.

Tháng mười hai về nhắc nhớ một tuổi thơ tinh khôi bên cánh đồng làng xác xơ gốc rạ nâu xỉn. Những chú cò mải mê cúi mặt kiếm ăn. Chúng tôi chơi rồng rắn bên gốc gạo già. Chơi chán, lại mót khoai, sắn nướng ngay giữa đồng. Tuổi thơ đến là lạ! Cắn miếng khoai sượng, sắn ương cũng thấy ngon làm sao. Mà cũng có nhiều nhặn gì cho cam, vì là khoai, sắn mót lại nên không vẹn nguyên từng củ mà là từng mẩu, miếng bé tí. Đứa này cắn một miếng, đứa kia thử một mẩu. Vòng tròn, lần lượt một. Tình bạn của chúng tôi lớn lên từ những kỷ niệm bình dị như thế!

Tháng mười hai về, những ngày cuối năm bắt đầu hiện rõ. Là dịp để tôi nhìn lại những chặng đường vừa qua. Những đau thương xin gửi lại năm cũ, những mới mẻ, dự định xin được viết tiếp sang trang mới năm sau. Dẫu có như thế nào đi chăng nữa, lòng vẫn kiên định ngẩng đầu bước tiếp…

Có những ngày tháng mười hai như ngày hôm nay, bất giác tôi nghe lòng mình bâng khuâng!

Cao  Văn

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        767,877       259