Văn hóa

Bảo tàng Đồng Nai: Nơi lưu giữ thời gian

Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Đồng Nai đã góp phần quan trọng vào việc sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu đến công chúng một kho tàng vô giá về văn hóa, lịch sử... của dân tộc và của tỉnh...

Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Đồng Nai đã góp phần quan trọng vào việc sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu đến công chúng một kho tàng vô giá về văn hóa, lịch sử... của dân tộc cũng như vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Đồng chí Đặng Mạnh Trung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ hai từ phải qua) cùng sĩ quan hải quân xem bản đồ được trưng bày tại triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Bảo tàng Đồng Nai do Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp với UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: V.TRUYÊN
Đồng chí Đặng Mạnh Trung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ hai từ phải qua) cùng sĩ quan hải quân xem bản đồ được trưng bày tại triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Bảo tàng Đồng Nai do Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp với UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: V.TRUYÊN

40 năm kể từ ngày thành lập là khoảng thời gian không dài nếu so với lịch sử hơn 310 năm của vùng đất Trấn Biên xưa - Biên Hòa nay. Song bấy nhiêu năm cũng là một chặng đường đối với những người làm công tác bảo tàng, bảo tồn. Nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên của đơn vị đã làm nên không ít điều lớn lao, ý nghĩa.

Nhiều hiện vật quý

Theo ông Trần Quang Toại, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, do một thời gian rất dài Bảo tàng Đồng Nai chưa được nâng cấp, sửa chữa, chỉnh lý lại hiện vật nên tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, không gian cũng như sự liên kết trưng bày hiện vật không còn đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.

Trong 40 năm qua, Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện công tác khảo cổ; sưu tập hiện vật - tư liệu lịch sử; sưu tầm văn hóa các dân tộc (vật thể - phi vật thể); sưu tầm - phục dựng nhà cổ truyền thống và nghề thủ công truyền thống; thực hiện chuyên đề phụ nữ trong nhà tù Mỹ - ngụy; trưng bày hình ảnh - máy móc, mô phỏng sa bàn về cụm khu công nghiệp trong tỉnh; trưng bày mô hình tự nhiên về động, thực vật... Hiện Bảo tàng Đồng Nai đang nắm giữ đến gần 20 ngàn hiện vật rất quý hiếm, có giá trị cả về văn hóa, lịch sử, như: tượng tê tê bằng đồng, bộ sưu tập hiện vật “vũ khí chống giặc ngoại xâm của nhân dân Đồng Nai”, 70 bức tranh ký họa chiến trường ghi lại những phút giây chiến đấu cũng như sinh hoạt đời thường của cán bộ, chiến sĩ, bộ sưu tập thủy sản; gốm mỹ nghệ Biên Hòa, công cụ đá cũ, thực hiện không gian trưng bày hệ sinh thái rừng Đồng Nai; mô phỏng một số nghề truyền thống của vùng đất Biên Hòa, sa bàn mô tả các khu - cụm công nghiệp trong tỉnh... Có thể nói đến Bảo tàng Đồng Nai là về với một Đồng Nai thu nhỏ trong khuôn viên gần 13 ngàn m2.

Và để có những bộ sưu tập hiện vật, tài liệu kể trên giới thiệu đến công chúng, những người trực tiếp làm công tác bào tàng, bảo tồn của Bảo tàng Đồng Nai phải trải qua nhiều vất vả.

Với đặc thù của công việc nên những di sản viên của Bảo tàng Đồng Nai thường rong ruổi bằng xe gắn máy đến khắp các xóm làng, ngõ ngách để gặp nhân chứng, vận động thuyết phục nhân dân hiến tặng các hiện vật có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu văn hóa... Theo chị Đỗ Thị Thanh Nhàn, di sản viên Phòng Di sản, Bảo tàng Đồng Nai: “Lo nhất là những ngày đi công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa, khi qua đoạn đường vắng mà thân gái một mình nên tôi sợ lắm. Đó là chưa kể thời gian làm việc tại cơ sở kéo dài từ 3-5 ngày/đợt nên khá bất tiện đối với cán bộ nữ, đặc biệt là những người đã có gia đình, con nhỏ. Tuần nào tôi đi công tác xa nhà, chuyện chăm sóc con đành phó mặc cho người thân”. Mặc dù công việc vất vả nhưng mỗi lần tìm được những thông tin có giá trị lịch sử hoặc thuyết phục được người dân hiến tặng các hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày là bao mệt nhọc của những di sản viên bỗng chốc tan biến.

Nhận xét về những thế hệ trẻ kế tục “bước chân” của mình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Trần Quang Toại cho hay lòng nhiệt tình, yêu nghề, vượt qua khó khăn vất vả của thế hệ trước đây nay đã được những gương mặt trẻ tiếp nối và thể hiện một cách đầy trách nhiệm.

Đổi mới để đáp ứng nhu cầu người dân

Hiện Bảo tàng Đồng Nai thực hiện chế độ mở cửa hàng ngày để người dân tham quan, tìm hiểu tại 14 phòng trưng bày cố định cũng như thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm theo từng chủ đề của năm. Tuy nhiên, theo Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Lưu Văn Du: “Mỗi năm có trung bình 10 ngàn lượt khách đến tham quan nhưng chủ yếu vẫn là học sinh các trường đi theo đoàn; còn các đoàn khách, người dân địa phương, sinh viên đến tham quan bảo tàng vẫn rất ít”.

Học sinh TP.Biên Hòa tham quan tại Bảo tàng Đồng Nai.
Học sinh TP.Biên Hòa tham quan tại Bảo tàng Đồng Nai.

Theo nhiều du khách đã có dịp đến với thiết chế văn hóa này thì nguyên nhân dẫn đến việc hiện vật ở bảo tàng khá độc đáo, quý hiếm, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử nhưng ít người xem trước hết là do cách bài trí, trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai khá đơn điệu. Trong khi ở nhiều bảo tàng khác, mỗi hiện vật đều có thông tin đầy đủ về nguồn gốc, thời gian chế tác, đã từng được ai sử dụng hay chưa… rất hấp dẫn. Có nơi còn có những hình ảnh, phim tư liệu để giúp người xem dễ hình dung. Bên cạnh đó là cách thuyết trình cho đối tượng học sinh tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng, đại học và cả những người có hiểu biết chuyên môn đều được Bảo tàng Đồng Nai thực hiện như nhau. Vậy nên có lúc đối với nhóm khách tham quan này thông tin đó là thừa, nhưng lại trở nên thiếu và khó hiểu đối với nhóm tham quan khác.

Trước thực tế này, Bảo tàng Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiến hành lập đề án nâng cấp đổi mới trưng bày và áp dụng khoa học phục vụ trưng bày. Theo đó, nội dung của đề án sẽ tập trung vào tổ chức sắp xếp, bố trí lại việc trưng bày kết hợp đưa những ứng dụng khoa học - công nghệ vào phục vụ nhân dân. Song song đó là việc nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử của bảo tàng nhằm đưa khâu quảng bá, giới thiệu hoạt động, những bài viết liên quan đến hoạt động bảo tàng không chỉ của tỉnh mà còn của nhiều nơi khác; đồng thời sẽ bố trí một số loại hình dịch vụ tối thiểu (như: nơi nghỉ chân, điểm phục vụ giải khát, quà lưu niệm…) để đáp ứng nhu cầu của người dân đến tham quan tại đây trong thời gian tới.

 Ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, chia sẻ: “Hiện nay, cái người xem cần không chỉ là hiện vật trưng bày với đôi dòng chú thích ngắn gọn mà là một lượng thông tin nhiều hơn, đầy đủ hơn và có sự liên kết giữa hiện vật này với hiện vật, tư liệu khác nữa. Đây là điều mà Bảo tàng Đồng Nai chưa làm được và rất cần thực hiện để hút người dân đến sinh hoạt”.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        767,905       304