Văn hóa

Kịch cổ điển - ở một cái nhìn khác!

Cuối tuần này, liên hoan sân khấu thử nghiệm châu Á lần 3 sẽ khép lại tại Hà Nội. Vở kịch cổ điển Mê Đê (nguyên tác: kịch tác gia Hy lạp Euripide, biên soạn lời mới: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát Thế giới trẻ (Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh) cũng tham gia sân chơi quốc tế này.

Cuối tuần này, liên hoan sân khấu thử nghiệm châu Á lần 3 sẽ khép lại tại Hà Nội. Vở kịch cổ điển Mê Đê (nguyên tác: kịch tác gia Hy lạp Euripide, biên soạn lời mới: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát Thế giới trẻ (Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh) cũng tham gia sân chơi quốc tế này.

Hoàng Yến với nhân vật Mê Đê trong vở diễn cùng tên. Ảnh: Hữu Thuận
Hoàng Yến với nhân vật Mê Đê trong vở diễn cùng tên. Ảnh: Hữu Thuận

Vở diễn khá gập ghềnh khi phải đổi đạo diễn ở chặng nước rút do không thống nhất về quan điểm. Tuy nhiên, chủ trương chung có vẻ vẫn được kiên định như ngày đầu ê-kíp bắt tay vào thực hiện. Tác giả Lê Chí Trung khi biên soạn lời mới cho tác phẩm đã khẳng định: “Nhiều vở kịch cổ điển ra mắt không thành công là do trong dàn dựng không có cái mới, không có cái nhìn mới. Hàng trăm nước đã làm rồi, thà mình không làm, đã làm thì phải mới, khác đi. Khi biên soạn lời mới cho Mê Đê, tôi luôn nghĩ làm sao vừa đảm bảo tính nghệ thuật, vừa đáp ứng được nhu cầu người xem. Kịch bản được xây dựng trên cơ sở tăng tính hành động và ngôn ngữ trong biểu diễn”.

Sân khấu được thiết kế hết sức tối giản, chỉ với 8 chiếc trống cajon được xếp đặt theo hình bán nguyệt. Trang phục, trang trí… tất cả dường như chìm trong màu đen u ám với bi kịch khủng khiếp của nàng Mê Đê xinh đẹp, kiêu hãnh, chất ngất hận thù. Các diễn viên ngồi trên từng chiếc trống, họ xoay vần, có lúc là những con người đương đại hồi hộp, nín thở theo từng diễn biến trong tấn bi kịch của Mê Đê, có lúc xoay mình hóa thân thành một nhân vật đi vào câu chuyện. Chính thủ pháp nửa thực nửa hư đó khiến một bi kịch cũ trở nên sống động, kịch tính hơn. Từ những trang phục màu đen ban đầu, chỉ cần khoác chéo một mảnh vải đã có thể là Mê Đê (màu đỏ), Đức vua (màu vàng), Êgiê (màu xanh), công chúa (màu trắng)… Thủ pháp sử dụng màu sắc mảnh vải làm phục trang tỏ vẻ rất hợp lý cho sự thoắt chuyển của từng diễn viên.

Trong suy nghĩ của không ít người, thử nghiệm phải là cái gì đó thật lạ lẫm, cao siêu, càng… khó hiểu càng tốt. Tuy nhiên, NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu lại có suy nghĩ khác: “Chúng ta đi tìm yếu tố mới, lạ để vở diễn hấp dẫn hơn chứ yếu tố lạ mà người ta không hiểu gì, yếu tố lạ mà không phục vụ được ý đồ gì trong vở diễn thì cũng không có ý nghĩa. Với Mê Đê, mặc dù thời gian tôi tiếp nhận dàn dựng khá ít ỏi, nhưng chúng tôi nhấn mạnh chất thử nghiệm trong dàn dựng, nghĩa là dựng kịch cổ điển không theo mô-típ cũ mà ít ra có làn gió mới. Khá lạ trong sử dụng phục trang, trang trí, hóa thân nhân vật nhanh, hiệu ứng âm nhạc ngay trên sân khấu. Có những tình tiết có khi khán giả chưa kịp hiểu nhưng xử lý mảng miếng đã khiến họ bị cuốn vào câu chuyện, hồi hộp, sống cùng nhân vật”.

Sau 2 vở diễn đã tạo được dấu ấn là Âm binh Cát trắng như gạo, NSƯT Hoàng Yến khiến người ta tò mò khi chị mới khởi tập với nhân vật Mê Đê. Ở 2 vở diễn trước, Hoàng Yến chứng tỏ sở trường của mình khi hóa thân vào những thân phận người phụ nữ cô đơn, khắc khoải trong những quãng đời khắc nghiệt. Tuy nhiên, Mê Đê được xem là nhân vật dữ dội, trải qua quá nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, là nhân vật hết sức đặc biệt trong dòng kịch cổ điển, dám giết cả em trai và con ruột của mình… Hoàng Yến thừa nhận: “Mê Đê là nhân vật quá sức của tôi, nhưng vì thế tôi lại càng muốn thể hiện để thử thách chính mình. Cách anh Chí Trung viết trong kịch bản bắt Mê Đê phải ra nhiều màu và biến hóa liên tục, cực kỳ khó… Sức khỏe tôi không tốt, có thể năm sau sẽ nghỉ hưu, nhưng đã là nghệ sĩ thì như con chim luôn muốn hót. Có thể đây là tiếng hót cuối cùng nên tôi mong muốn được hót, được hóa thân thành nhân vật mình ao ước bấy lâu nay…”.

Với những nỗ lực của mình, Hoàng Yến đã phần nào lột tả được nàng Mê Đê ở những triền cảm xúc hết sức chênh vênh, một người đàn bà cay nghiệt, đớn đau bởi tham vọng tình yêu nhưng bị phụ tình. Có những tích tắc chuyển đổi tâm lý, nội tâm nhân vật được Hoàng Yến xử lý hiệu quả từ ánh mắt, cái rùng mình, dáng nghiêng hao gầy của thân thể héo mòn… Cảm giác 75 phút trên sân khấu là thời gian Hoàng Yến rút cạn hết sức lực để vật vờ, đớn đau, thù hận tận cùng với Mê Đê.

Tuy nhiên, do hình thể hơi nhỏ nhắn nên Mê Đê của Hoàng Yến chưa có được vẻ sang cả, kiêu hãnh chết người. Những vũ điệu hết sức đàn bà của Mê Đê để quyến rũ đàn ông đã làm bộc lộ nhược điểm… nhảy cứng của Hoàng Yến khiến Mê Đê của chị phần nào kém sức hấp dẫn.

Bạn diễn hỗ trợ cho Hoàng Yến cũng chưa thật sự tốt, như nhân vật công chúa. Ja Dông (chồng Mê Đê) chưa được thể hiện thật sâu sắc để trở thành phía đối lập và đẩy kịch tính lên cao trong bi kịch của nàng Mê Đê.

Trí Trọng

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        593,391       288