Văn hóa

Tình yêu sách vẫn lan tỏa

Giờ đây chỉ cần chạm nhẹ đầu ngón tay lên màn hình điện thoại thông minh, hay rê chuột trên máy tính kết nối internet là người sử dụng đã có trong tay một kho sách khổng lồ của nhân loại. Do vậy, việc đọc sách đã trở nên gọn nhẹ và thuận tiện rất nhiều.

Người dân tại ấp Tân Bình 2 (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) đọc sách, báo tại tủ sách của gia đình ông Lê Nuôi. Ảnh: V.TRUYÊN
Người dân tại ấp Tân Bình 2 (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) đọc sách, báo tại tủ sách của gia đình ông Lê Nuôi. Ảnh: V.TRUYÊN

Song không phải ai cũng chọn lựa cho mình cách đọc này. Trái lại, trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay thì việc lật từng trang sách, tự tay đánh dấu số trang đang đọc dở hay tìm đến nhà sách chọn lựa cuốn sách ưng ý và sau đó viết tên lên bìa để khẳng định quyền làm chủ với cuốn sách vẫn được nhiều người lựa chọn.

Sách giấy vẫn hút người đọc

Sức hút của sách giấy - loại hình đọc sách truyền thống này vẫn chiếm một vị thế nhất định trong lòng người yêu sách. Điều này biểu hiện cụ thể ở việc ngày càng xuất hiện nhiều nhà sách mới. Hiện nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành sách, như: Fahasa, Thành Nghĩa... đều đã có mặt tại TP.Biên Hòa với 9 cửa hàng sách được đặt trong các trung tâm thương mại.

Đó là chưa kể vô số nhà sách gia đình được lập ra hầu khắp các khu dân cư. Theo cửa hàng trưởng các nhà sách thì doanh thu của mỗi đơn vị luôn tăng theo từng năm. Riêng Công ty cổ phần phát hành sách TP.Hồ Chí Minh (Fahasa) đã đặt 5/85 nhà sách tại Biên Hòa. Điều này chứng tỏ thị trường sách tại Đồng Nai sôi động không kém gì những nơi khác. Doanh thu tăng còn cho thấy lượng người đọc tìm mua sách cũng tăng theo và hứa hẹn nhiều tiềm năng lớn cho ngành sách. “Doanh thu của cửa hàng năm sau đều tăng so với năm trước và nhu cầu của người dân còn rất cao” - ông Hà Ngọc Trai, Cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa Biên Hòa, cho biết.

Bên cạnh các nhà sách thương mại, hệ thống thư viện tuyến tỉnh, huyện, thị xã, thư viện kết hợp nông trường - xã, xã, phường, thị trấn và trường học đang hàng ngày phục vụ miễn phí hàng ngàn lượt bạn đọc đủ mọi lứa tuổi. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Thư viện tỉnh, để giúp người đọc ở những vùng vì địa lý cách trở cũng như người thích đọc sách trên màn hình máy tính, điện thoại thông minh, hệ thống thư viện trong tỉnh đã ứng dụng các phần mềm tiện ích, trang bị máy tính có nối internet miễn phí để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hưởng ứng tuần lễ Học tập suốt đời năm 2016 (từ ngày 2 đến  9-10), chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa đọc trong cuộc sống, tổ chức trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học...

Năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên Thư viện tỉnh đã tổ chức ngày hội Sách và văn hóa đọc để phục vụ các tầng lớp nhân dân... Tuy quy mô chưa lớn với chỉ 20 gian hàng sách thuộc hệ thống thư viện tuyến tỉnh, huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa, cùng các nhà sách: Fahasa, Phương Nam, Đường Sáng, Nguyễn Ái Quốc, Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Đồng Nai, Nhà xuất bản Đồng Nai, nhưng hiệu quả mang lại là không hề nhỏ với hàng chục ngàn người đến tham quan, mua sách. Và nếu nhìn vào việc hơn 1 triệu lượt người đổ về Hội sách TP.Hồ Chí Minh lần IX - 2016 vào tháng 3 vừa qua tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) thì có lẽ nỗi lo lắng người đọc từ bỏ thói quen đọc sách sẽ lắng dịu.

Mang sách đến với mọi người

Tuy nhiên, có một thực tế là không phải ai cũng có điều kiện tìm đến các nhà sách, hội chợ sách để tìm mua cho mình những cuốn sách ưng ý. Nếu là người cao tuổi, học sinh tại các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh thì còn khó khăn hơn rất nhiều. “Nhiều lần tôi nghe thông tin về các hội sách, chương trình giảm giá sách tại TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh và rất muốn đến tham gia. Nhưng do cách xa hơn 100km nên không thể thực hiện ước muốn này được” - Nguyễn Văn Tỉnh, học sinh lớp 11 (xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ), nói.

Và không để đối tượng bạn đọc này thiếu thốn về nguồn sách, bên cạnh hệ thống thư viện các cấp, nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra vận động sách, tổ chức nơi đọc sách miễn phí cho mọi người. Trong đó, từ nhiều năm nay Hội quán Trấn Biên (Trung tâm Văn miếu Trấn Biên) có khu cà phê sách với hàng trăm đầu sách thuộc nhiều thể loại phục vụ miễn phí đã trở thành điểm đến quen thuộc. Ngoài ra, đơn vị này cũng đã tổ chức trao tặng 1 ngàn đầu sách thiếu nhi (do Nhà xuất bản Kim Đồng tài trợ) cho Trường tiểu học Phú Điền (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) và Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ). Số sách này đã được ban giám hiệu nhà trường trưng bày tại phòng thư viện để phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập và giải trí của tập thể giáo viên, học sinh.

Hay như cá nhân nhiều nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Thái Hải, Thu Trân, Trần Hoàng Vy... cũng thường xuyên tổ chức trao tặng sách cho học sinh trong tỉnh. Còn PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; bà Phạm Thị Hải, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT là những người thường xuyên trao tặng những tủ sách cá nhân cho Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên để tổ chức phục vụ bạn đọc.
Đặc biệt, không ít gia đình ở vùng sâu, vùng xa đã tự nguyện dùng chính căn nhà của mình để đặt những tủ sách phục vụ miễn phí việc đọc của người dân. Trong đó, từ năm 2012 đến nay, ông Trần Văn Cù (ở ấp 3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cùng với 4 hộ dân khác ở các ấp 2, 4, 5 và 6) của xã Mã Đà đã dùng khoảnh sân trước nhà làm nơi đọc sách cho trẻ em trong khu vực. Hay như tại tủ sách của ông Lê Nuôi (ấp Tân Bình 2, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) thành lập từ tháng 4 đến nay mỗi ngày có hơn 20 người tìm đến.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        671,005       712