Văn hóa

Côn Sơn - Kiếp Bạc linh đình "giỗ cha"

Từ lâu dân gian đã có câu: "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ". Cha, chính là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, còn Mẹ là Mẫu Liễu Hạnh, là những nhân vật thiêng liêng trong tín ngưỡng của dân tộc.

Từ lâu dân gian đã có câu: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Cha, chính là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, còn Mẹ là Mẫu Liễu Hạnh, là những nhân vật thiêng liêng trong tín ngưỡng của dân tộc. Vì vậy cứ đến tháng Tám âm lịch, TX.Chí Linh (tỉnh Hải Dương) lại tưng bừng với lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc diễn ra với nhiều nghi lễ, diễn xướng và trò chơi dân gian đặc sắc. Ảnh: tư liệu
Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc diễn ra với nhiều nghi lễ, diễn xướng và trò chơi dân gian đặc sắc. Ảnh: tư liệu

Năm 2016, lễ cúng giỗ lần thứ 716 của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn và tưởng niệm 574 năm ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đều là năm lẻ. Nhưng theo ban tổ chức, trong các ngày diễn ra lễ hội (từ ngày 10 đến 20-9) đã có đến trên 200 ngàn khách thập phương về Chí Linh trẩy hội, trong đó có cả những đoàn khách quốc tế, như: Anh, Pháp, Trung Quốc...

* ĐÂY VẠN KIẾP! ĐÂY LỤC ĐẦU GIANG!

Là người Việt, ai cũng biết đến chiến công 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược của nhà Trần, trong đó có vai trò quan trọng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Vạn Kiếp là một trong những phòng tuyến quan trọng bậc nhất thời bấy giờ, là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ  với nhiệm vụ chặn quân Nguyên Mông từ biển đánh vào kinh thành Thăng Long, chặn đường thoát khi địch rút lui, đồng thời cũng là nơi vị danh tướng Trần Hưng Đạo qua đời.

Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu di tích quốc gia đặc biệt này đang hướng tới việc được công nhận là di sản thế giới.

Quần thể danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc là khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt, tồn tại hơn 700 năm gắn liền với lễ hội truyền thống nhằm tôn vinh, chiêm bái những danh nhân kiệt xuất của cả dân tộc. Lễ hội này cũng trở thành một nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đặc biệt là đã hình thành nhiều nghi lễ vô cùng trang trọng, như: lễ cáo yết, rước bộ, tưởng niệm, khai ấn, ban ấn, cầu an, tế, giỗ...

Bên cạnh phần lễ thiêng liêng, trang trọng, phần hội cũng sôi nổi không kém với nhiều hoạt động truyền thống, như: đua thuyền, trình diễn nghệ thuật múa rối nước, các trò chơi dân gian vùng châu thổ sông Hồng. Tôi hết sức ấn tượng trước khung cảnh hào hùng của cuộc hội quân trên sông Lục Đầu do bà con ngư dân xã Kênh Giang trong trang phục quan quân Đại Việt phất cờ, múa giáo, hò reo… xuất phát trên 40 chiếc tàu thuyền treo cờ hội sặc sỡ; cùng lúc đó trên bến Vạn Kiếp 350 võ sinh của đất Chí Linh trình diễn quyền thuật giữa tiếng trống trận ầm ầm… tái hiện cảnh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn duyệt quân năm 1285. Bến Vạn Kiếp, đoạn Lục Đầu giang là nơi xảy ra nhiều sự kiện lịch sử cũng như những trận chiến dữ dội của quân dân ta và đã có hàng vạn binh lính tử trận. Vì thế, sau lễ hội quân là lễ cầu an thật xúc động bên một đài tháp cao 9 tầng, thiết kế hàng ngàn bóng đèn. Trên sông, 8 ngàn hoa đăng được thả xuôi rực rỡ theo dòng nước để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc.

Tượng Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại di tích lịch sử văn hóa - danh thắng Côn Sơn. Ảnh: B.Thuận
Tượng Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại di tích lịch sử văn hóa - danh thắng Côn Sơn. Ảnh: B.Thuận

Trong khung cảnh trang nghiêm, hào hùng ấy, tôi cảm thấy hình ảnh của vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) hiển hiện lồng lộng, oai nghi và sống động hơn là trong nội từ đền Kiếp Bạc (còn được gọi là Hưng Đạo Vương từ - vốn trước đây là vương phủ của Trần Quốc Tuấn). Đền Kiếp Bạc trong những ngày đêm giỗ Đức Thánh Trần năm 2016 đã làm cho tôi choáng ngợp trước một rừng cờ hội, hoa và đủ loại hàng mã lấp lánh hình tượng ngựa, voi, binh tướng... cùng mấy dàn âm thanh náo nhiệt của các lễ lên đồng, chầu văn diễn ra cùng lúc khắp các gian đền đông nghẹt khách thập phương.

Chỉ dãy ô tô loại sang đang đậu ken kín ngoài bãi cạnh bên đền, ông B., nhà ở Bắc Giang - chủ kiêm tài xế ô tô “chuyên trị”… dịch vụ du lịch tâm linh vùng Đông - Tây Bắc, nói: “Mấy ông bà đang ngồi hầu Thánh toàn là “đại gia” không đó; không phải chỉ dân Hải Dương mà có cả Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định… Đồ mã ngoài sân đền có giá mỗi lễ đến trăm triệu. Không ai ất ơ mà ngồi được vào chỗ hầu đâu”.

Nhìn cảnh hầu đồng, cung văn đọc văn sai cùng những khách thập phương cung kính làm lễ cầu xin Đức Thánh Trần hộ độ, ban lộc, ban phước… tôi càng nhận ra rằng uy danh và sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương đã trở thành huyền thoại. Không ít người đã đồng hóa những chiến công lừng lẫy của Hưng Đạo Đại Vương với một Thanh Y đồng tử giáng trần được Ngọc Hoàng Thượng đế phong làm Cửu Thiên Vũ Đế với sứ mạng diệt trừ yêu ma, hiển hóa giúp dân giúp nước. Trong đó, nổi bật là “thành tích” dùng kiếm thần diệt trừ  tướng nhà Nguyên tên Phạm Nhan rất giỏi tà thuật, có phép ẩn hiện khôn lường… “Chứng tích” còn rành rành là cồn Kiếm nằm trước đền Vạn Kiếp, cùng khu chợ bán chiếu khá sầm uất, trải dài nối liền khu hàng quán ăn uống, chỉ xuất hiện vào mùa giỗ Cha nhằm phục vụ cho bệnh nhân đến đền cầu xin Đức Thánh Trần giải trừ bệnh tật.

Sau đền Vạn Kiếp còn có giếng Mắt Rồng xanh mát quanh năm do mạch nước ngầm chảy ra từ dãy núi Rồng với một truyền thuyết gắn liền cùng danh tướng Yết Kiêu, gia tướng của Trần Hưng Đạo.

* MỘT CÔN SƠN THƠ MỘNG, HỮU TÌNH

Cách khu di tích lịch sử văn hóa Kiếp Bạc chỉ không đầy 7km là khu di tích lịch sử văn hóa - danh thắng Côn Sơn nằm dựa núi Kỳ Lân thơ mộng. Khu di tích đặc biệt này cùng với chùa Côn Sơn được khởi dựng vào cuối thế kỷ XIII, là một trong 3 chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm (một dòng phái Phật giáo mang màu sắc riêng của dân tộc Việt Nam) với thiền sư Huyền Quang (1254-1334) tên tuổi được vua Trần Minh Tông đặc phong Tôn giả và lấy ngày viên tịch làm ngày giỗ tổ chùa Côn Sơn, đồng thời khởi đầu cho lễ hội mùa xuân Côn Sơn. Thế nhưng trong lễ hội Côn Sơn mùa thu 2016, trọng tâm là lễ tưởng niệm 574 năm ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442).

Đền Kiếp Bạc. Ảnh: B.Thuận
Đền Kiếp Bạc. Ảnh: B.Thuận

Có mặt tại Côn Sơn vào sáng 16-9 và chứng kiến lễ rước văn trọng thể từ chùa Côn Sơn sang Ức Trai Linh từ (đền thờ Nguyễn Trãi), chúng tôi từ Đồng Nai ra đã không nén được nỗi xúc động trào dâng khi hồi nhớ đến những dòng lịch sử ghi chép về cuộc đời, tài năng xuất chúng của tác giả thiên áng văn Bình Ngô đại cáo, một vị quân sư “ngồi trong màn trướng quyết việc thắng bại ngoài ngàn dặm” với kế sách “tâm công” không đánh mà giặc ra hàng và cũng là nhà chính trị lỗi lạc của Việt Nam đưa ra đầu tiên tư tưởng “lấy dân làm gốc”, “làm sao cho nơi thôn cùng, xóm vắng không có tiếng hờn giận oán sầu”, rồi “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước”… đến nay đã trải qua hơn 700 năm với bao vật đổi sao dời vẫn còn nguyên giá trị.

Côn Sơn còn có đền thờ quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán (ông ngoại Nguyễn Trãi), bia Thanh Hư động (được xếp vào hàng bảo vật quốc gia), Thạch Bàn bên bờ suối - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân nghỉ khi Người tới thăm Côn Sơn, Bàn Cờ Tiên trên đỉnh Côn Sơn…

Bùi Thuận

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        671,471       435