Văn hóa

Giảng viên đồ họa mê tranh gốm

Đó là thầy Nguyễn Quang Hoàng (giảng viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai), hiện đang phụ trách đào tạo sinh viên ngành đồ họa.

Thầy Nguyễn Quang Hoàng đang giới thiệu một tác phẩm tranh gốm trong triển lãm tranh gốm chủ đề Chiều đối diện cho một nhóm du khách nước ngoài ở khu trưng bày tại Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (218A, Pasteus, phường 6, quận 3, TP.Hồ Chí Minh).
Thầy Nguyễn Quang Hoàng đang giới thiệu một tác phẩm tranh gốm trong triển lãm tranh gốm chủ đề Chiều đối diện cho một nhóm du khách nước ngoài ở khu trưng bày tại Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (218A, Pasteus, phường 6, quận 3, TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Văn Truyên

Thầy Nguyễn Quang Hoàng có niềm đam mê đặc biệt với tranh gốm, một lĩnh vực nghệ thuật không còn xa lạ với người yêu các sản phẩm từ đất, nhưng còn khá lạ lẫm tại Đồng Nai. Và niềm đam mê này đã chính thức được ông giới thiệu đến với công chúng bằng triển lãm tranh gốm, chủ đề Chiều đối diện tại Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh  từ ngày 16-9.

* Vất vả với nghề

Nói về tên chủ đề của triển lãm tranh gốm Chiều đối diện, thầy Nguyễn Quang Hoàng cho hay: “Khi người xem nhìn vào tác phẩm và cảm nhận thứ đối diện với mình là gì, ra sao, xấu đẹp, ý nghĩa như thế nào là tùy vào cách nhìn của mỗi người. Tôi không đi sâu, thuyết minh về tác phẩm mà muốn khách đến tham quan tự cảm nhận về thứ họ đang xem là gì, ý nghĩa của tác phẩm ra sao”.

Vừa trò chuyện về công việc, thầy Nguyễn Quang Hoàng vừa đưa đôi bàn tay đầy những vết nứt nẻ, có chỗ đã đóng vảy của mình ra “giới thiệu”. Ít ai có thể hình dung một nghề tạo ra tác phẩm nghệ thuật trong chỗ râm mát lại vất vả đến nhường ấy. “Làm đồ họa thì tay chân luôn sạch sẽ chứ không như thế này vì là làm việc trên máy vi tính, trong phòng máy lạnh. Từ năm 2011 đến nay, sau giờ dạy, khi việc nhà đã xong tôi vẫn tìm đến xưởng gốm của trường để được nhào nặn đất sét thô, tạo hình, phối màu tạo ra tác phẩm theo ý tưởng. Tuy tay chân lúc nào cũng dính đất, màu vẽ, đôi chỗ bị acid có trong màu ăn mòn đi chút đỉnh nhưng rất vui” - thầy Hoàng nói.

Theo thầy Nguyễn Quang Hoàng, để tạo nên một tác phẩm tranh gốm thường phải trải qua các bước: nhào đất - tạo hình - vẽ men - cắt khối - nung - kiểm tra, sắp xếp lại từng chi tiết theo ý đồ đã định trước. Chỉ có 6 thao tác đơn giản nhưng thời gian để cho một tác phẩm hoàn chỉnh là không thể đong đếm được.

“Mọi thứ đã xong, chỉ chờ hình khô ráo là có thể đem nung. Nhưng hôm sau xem lại những gì mình làm thấy chưa vừa ý, tác phẩm chưa thể hiện hết nội dung muốn truyền tải, vậy là tôi làm lại. Hay khi trong quá trình đem nung, tác giả không thể quyết định được độ chín của đất. Có cái khi nung ra rồi tôi phải gửi đi nung lại hoặc làm lại vì bị cong, vênh, chưa chín. Để nuôi dưỡng đam mê còn cần cả thời gian và cả tiền bạc. Song may mắn là tôi có những học trò làm việc tại các xưởng gốm nên cứ hay cho thầy nung miễn phí, nhờ đó mà tiết kiệm được nhiều lắm” - thầy  Hoàng chia sẻ thêm.

* Thành quả gửi tặng công chúng

Từ ngày 16 đến ngày 25-9, tại Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, 218A, Pasteus, phường 6, quận 3 (TP.Hồ Chí Minh), thầy Nguyễn Quang Hoàng thực hiện triển lãm cá nhân về tranh gốm có tên Chiều đối diện. Triển lãm giới thiệu 34 tác phẩm tranh ghép do thầy thực hiện từ năm 2011 đến nay. Toàn bộ kinh phí của sự kiện này do thầy tự bỏ tiền túi thực hiện.

Tốn kém là vậy, nhưng đây không phải là lần đầu tiên thầy Nguyễn Quang Hoàng mang sản phẩm giới thiệu đến công chúng. Trước đó, vào năm 2011 khi chưa tìm hiểu về gốm, thầy Nguyễn Quang Hoàng vừa là một giảng viên đồ họa, vừa là họa sĩ chuyên về tranh sơn dầu của Đồng Nai, đã cùng người bạn, đồng nghiệp của mình là nhà điêu khắc Phạm Công Hoàng (Trưởng ban Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) tự bỏ tiền túi thực hiện triển lãm mỹ thuật với tên gọi: H. Trong số 20 tác phẩm được trưng bày lần đó, có 10 tranh sơn dầu do ông thực hiện. Nổi bật trong số này có bức tranh Hoàn tất một nghi thức từng được trao giải C trong đợt xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần 3.

Với những đóng góp của mình cho hội họa cũng như nghệ thuật gốm, thầy Nguyễn Quang Hoàng đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, mỗi khi nhắc đến ông, những người làm nghệ thuật tại Đồng Nai luôn có sự yêu mến và khâm phục nỗ lực vượt khó, sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật. Như lời nhận xét của ông Lê Huy Tiếp, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam:  “Tranh ghép gốm của Nguyễn Quang Hoàng về chất liệu là rất quý, màu men đẹp, cách làm hay và rất sáng tạo”.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        430,655       38