Văn hóa

Một nhân cách sống mẫu mực

Đã 10 năm nhà văn Hoàng Văn Bổn (Chín Bổn) về với "thế giới người hiền", thế nhưng những gì mà ông để lại vẫn luôn được mọi người nhắc đến với lòng ngưỡng mộ và khâm phục.

Đã 10 năm nhà văn Hoàng Văn Bổn (Chín Bổn) về với “thế giới người hiền”, thế nhưng những gì mà ông để lại vẫn luôn được mọi người nhắc đến với lòng ngưỡng mộ và khâm phục.

Phu nhân cố nhà văn Hoàng Văn Bổn, bà Mai Quỳnh Chi bên bài thơ Độc ẩm được nhà thơ Đàm Chu Văn viết tặng cho chồng bà. “Lúc còn sống, ông ấy nói rất thích bài thơ này vì nó diễn tả được đời lính - đời báo - đời văn của ông” - bà Mai Quỳnh Chi nói.
Phu nhân cố nhà văn Hoàng Văn Bổn, bà Mai Quỳnh Chi bên bài thơ Độc ẩm được nhà thơ Đàm Chu Văn viết tặng cho chồng bà. “Lúc còn sống, ông ấy nói rất thích bài thơ này vì nó diễn tả được đời lính - đời báo - đời văn của ông” - bà Mai Quỳnh Chi nói.

PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, nhận xét: “Nhà văn Hoàng Văn Bổn có quan điểm ấn tượng về vai trò, chức năng của Hội Văn học nghệ thuật, là “vườn ươm” cho cánh trẻ chứ không phải là bàn trà cho lão làng. Còn nhớ, khi nằm bệnh sắp về với “thế giới người hiền”, chú Chín Bổn vẫn dặn dò: Hội mình luôn là “vườn ươm” để cho các cây bút trẻ thắm sắc, tỏa hương”.

* Gia tài văn chương đồ sộ

Nếu tính từ thời điểm cuốn tiểu thuyết Vỡ đất xuất hiện trên văn đàn vào năm 1951 đến ngày mất vào năm 2006, thì nhà văn Hoàng Văn Bổn đã có hơn 50 năm theo nghiệp văn chương.

Chừng ấy thời gian sống với văn chương, nhà văn Hoàng Văn Bổn đã để lại cho đời một gia tài đồ sộ với hơn 50 tựa sách thuộc nhiều thể loại. Trong số này có thể kể đến cuốn tiểu thuyết Vỡ đất đã đem về cho ông giải nhất của Hội Văn nghệ và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ năm 1951; tác phẩm Lũ chúng tôi được trao giải Hội đồng Văn học thiếu nhi của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh năm 1982; Giải thưởng Văn học UBND tỉnh Đồng Nai cho các tác phẩm Vỡ đất, Bông hường bông cúc, Mùa mưa Lũ chúng tôi  vào năm 1985; giải B của Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tác phẩm Tuổi thơ ngọt ngào  vào năm 1994…


Nhà văn Hoàng Văn Bổn tên khai sinh là Huỳnh Văn Bản, sinh năm 1930 tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu. Ông tham gia Cách mạng tháng Tám và gắn cuộc đời mình trên nhiều chiến trường để bảo vệ biên giới Tổ quốc. Ông là một trong 2 nhà văn của Đồng Nai (người còn lại là nhà văn Lý Văn Sâm) được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
 

Nói về vị chủ tịch Hội tiền nhiệm của mình, Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Khánh Hòa chia sẻ: “Có thể nói đến thời điểm này không có văn nghệ sĩ nào có số lượng tác phẩm nhiều, được bạn đọc quan tâm, có nhiều giải thưởng cao quý về văn học nghệ thuật như nhà văn Hoàng Văn Bổn. Đó là tấm gương sáng để anh em văn nghệ sĩ trong tỉnh học tập, phấn đấu”.

Ngoài những đầu sách, một mảng sáng tác kịch bản phim cũng mang về cho nhà văn Hoàng Văn Bổn nhiều danh tiếng. Ông đã có 21 kịch bản phim ra đời trong 16 năm (từ năm 1964-1980) và đoạt giải cao - một con số ít người đạt được. Trong đó, có thể kể đến những giải thưởng, như: Giải Bông sen vàng cho kịch bản phim Chiến đấu giữ đảo quê hương; Giải Bông sen vàng cho kịch bản phim Hàm Rồng; Giải Bông sen vàng cho phim Những cô gái C3 Quân giải phóng…

Nói về sức làm việc của nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà văn Bùi Quang Tú (Hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai), người từng có nhiều năm sinh hoạt cùng nhà văn Hoàng Văn Bổn, cho hay nhà văn Hoàng Văn Bổn có một sức làm việc phi thường. Với một chiếc máy chữ cổ lỗ, ông đã viết hết tác phẩm này đến tác phẩm khác.

Còn nhà nghiên cứu lịch sử Trần Quang Toại thì nhận định: Hoàng Văn Bổn là nhà văn đau đáu với nghề viết, viết để trả món nợ với 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, viết để trả món nợ với quê hương, viết vì cái tâm muốn phản ánh chân thật lịch sử đã qua cho thế hệ sau.

* Nhà văn Hoàng Văn Bổn còn sống mãi…

Ngoài sức sáng tác đáng khâm phục, nhà văn Hoàng Văn Bổn còn để lại cho người đời một hình ảnh tận tụy với công việc, quan tâm, nâng đỡ các văn nghệ sĩ.

Chẳng thế mà ông được anh em văn nghệ sĩ và ngay đến người anh cả của Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai - Chủ tịch Hội đầu tiên Lý Văn Sâm, nhận định: “Hoàng Văn Bổn là người ươm mầm cho vườn văn của xứ Đồng Nai”.

Nhân 10 năm ngày mất nhà văn Hoàng Văn Bổn (2006-2016), sáng nay 7-5, tại Văn miếu Trấn Biên sẽ diễn ra hội thảo khoa học “Nhà văn Hoàng Văn Bổn - người của vùng đất ven sông”. Chương trình này do Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai phối hợp cùng Nhà xuất bản tổng hợp Đồng Nai và Trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức.

“Thời ông làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Đồng Nai là thời điểm bao cấp, cuộc sống rất khó khăn nhưng anh em vẫn ham viết. Cũng bởi do ông có tấm lòng ưu ái với nhiều cây bút trẻ, kinh nghiệm sáng tác lâu năm đã giúp ông phát hiện, nâng đỡ cho nhiều cây bút, giới thiệu họ trên báo. Ông còn tổ chức được nhiều trại sáng tác mời các nhà văn, nhà thơ ở TP. Hồ Chí Minh về trao đổi kinh nghiệm. Nhà văn Hoàng Văn Bổn đã tập hợp được lực lượng xung quanh mình để làm cho văn nghệ Đồng Nai mạnh lên, phong phú hơn” - nhà văn Bùi Quang Tú nhớ lại.

Còn PGS.TS Huỳnh Văn Tới cho biết thêm: “Niềm hạnh phúc nhất của nhà văn là thấy được “vườn ươm” của mình rộ nở những tài năng đầy triển vọng. Nguyện vọng tha thiết của nhà văn Hoàng Văn Bổn là thấy được đứa con hoàn thiện của mình chào đời, hội nhập vào kho tàng văn học nước nhà và những mầm non từ vườn ươm kia được vun đắp để lớp lớp nở hoa kết trái, làm giàu hương sắc cho sự nghiệp văn chương xứ Đồng Nai”.

Có thể khẳng định, những gì mà nhà văn Hoàng Văn Bổn để lại cho thế hệ sau sẽ là một di sản trường tồn và được giữ gìn phát huy trong đời sống văn nghệ. Như lời chia sẻ chân thành của nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai: “Bây giờ nhà văn Hoàng Văn Bổn đã đi xa. Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai từ lâu đã không còn bóng dáng gầy gò thân thương của ông đi ra đi vào, không còn những lời chỉ bảo tận tình của ông với lớp trẻ. Nhưng trong trái tim chúng tôi, nhà văn Hoàng Văn Bổn còn sống mãi…”


“Một số anh em vốn ở Văn nghệ Đồng Nai xin chuyển về TP.Hồ Chí Minh để phát triển sự nghiệp và chăm lo đời sống, ông sẵn sàng gọi điện, viết thư, viết giấy giới thiệu lên trên đó. Tôi nhớ dạo nhà văn Nguyễn Đức Thọ bị ung thư gan đã di căn, bệnh viện trên TP.Hồ Chí Minh trả về Đồng Nai. Một hôm, tôi đến bệnh viện thăm Thọ thì thấy giữa trưa nắng chang chang vợ chồng nhà văn Hoàng Văn Bổn đạp xe tới. Cô chú mang theo mấy quả dứa dại vừa đi lùng tìm ở nhà bà con về. Thọ nằm thoi thóp, ống dẫn lưu từ ổ bụng tuôn dịch xuống cái chai lớn để phía dưới giường. Hoàng Văn Bổn nói với người nhà Thọ: “Sắc cái này cho nó uống”, đoạn ông bước ra ngoài hiên sụt sịt khóc. Cô Chi, vợ chú nói nhỏ với tôi: “Ông ấy thương thằng Thọ cứ khóc suốt. Ông ấy biết nó không qua khỏi” - nhà văn Bùi Quang Tú hồi tưởng.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        762,990       383