Văn hóa

Nhà văn Bích Ngân: Bán sách làm từ thiện

Nhà văn Bích Ngân xin rút không ứng cử đại biểu Quốc hội dù chị được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh giới thiệu và cử tri nơi chị cư trú ủng hộ 100%. Lý do xin rút của Bích Ngân là để tập trung làm những "việc nhỏ" cho gia đình và tập trung sáng tác.

Nhà văn Bích Ngân.  Ảnh: Nguyễn Trung
Nhà văn Bích Ngân. Ảnh: Nguyễn Trung

Nhà văn Bích Ngân xin rút không ứng cử đại biểu Quốc hội dù chị được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh giới thiệu và cử tri nơi chị cư trú ủng hộ 100%. Lý do xin rút của Bích Ngân là để tập trung làm những “việc nhỏ” cho gia đình và tập trung sáng tác.

* Được ủng hộ từ “việc lớn” đến “việc nhỏ”

Được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội là vinh dự của mọi công dân, nhưng đến phút chót, nhà văn Bích Ngân đã xin rút. Chị tâm sự: “Hơn một tháng qua, tôi trải nghiệm cảm xúc phải nói là rất đáng ghi nhớ. Đó là tôi được Đảng đoàn, Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh thống nhất chọn và giới thiệu tôi đại diện khối văn học nghệ thuật ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Sau đó là thực hiện các thủ tục giấy tờ cùng nhiều bước đi mà Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh cùng Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh, Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh luôn kề vai sát cánh, rồi cùng ủy ban MTTQ các cấp thực hiện việc lấy kiến cử tri nơi tôi cư trú với biểu quyết 100%...”.

“Tuy nhiên, cho đến trước ngày hiệp thương lần thứ III chốt lại danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, sau nhiều cân nhắc, tôi làm đơn xin rút ra khỏi danh sách được giới thiệu ứng cử, bởi tôi muốn tránh những áp lực mà năng lực hạn chế của mình sẽ khó làm tròn trách nhiệm là góp phần bảo vệ những quyền lợi chính đáng của cử tri. Tôi muốn dành nhiều thời gian cho gia đình, tham gia những công việc mà mình ưa thích và nhất là tập trung cho việc sáng tác, cũng là một cách góp phần nói lên tiếng nói của cử tri, nguyện vọng của cử tri là có được cuộc sống đàng hoàng hơn, tốt đẹp hơn” - nữ nhà văn chia sẻ.

Sau khi xin rút không ứng cử đại biểu Quốc hội, nhà văn Bích Ngân đã bắt tay ngay vào làm một “việc nhỏ” nhưng lập tức nhận được sự ủng hộ vì việc này hữu ích, ý nghĩa. Trong tháng 4, nhà văn Bích Ngân ấn hành cùng lúc 3 tác phẩm: tạp bút Ngày mới nhẹ nhàng (Nhà xuất bản Trẻ, tái bản lần 1), tiểu thuyết Thế giới xô lệch (Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ, tái bản lần 5) và kịch văn học Dòng xoáy nghiệt ngã (Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ). Chị quyết định dành 50% số tiền bán 3 tác phẩm này gửi chương trình “Mô tô học bổng” cho học sinh nghèo các vùng còn khó khăn (chương trình do nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền chủ trì).

Trong sáng 21-4, nhà văn đã trích ra 50% (tương đương 4 triệu đồng) tiền bán sách trao cho chương trình “Mô tô học bổng”. Số tiền tuy nhỏ từ việc làm nhỏ của nhà văn nhưng ý nghĩa lại không hề nhỏ từ sự cộng hưởng của những tấm lòng. Hóa ra, nữ nhà văn Bích Ngân luôn được ủng hộ từ việc lớn (ứng cử đại biểu Quốc hội) đến việc nhỏ (bán sách làm từ thiện).

* Thử sức cùng sân khấu

Nữ nhà văn này luôn muốn trải nhiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Viết kịch cũng là một trải nghiệm mới của nhà văn Bích Ngân và thành quả là tập kịch bản văn học Dòng xoáy nghiệt ngã vừa ấn hành. Cuốn sách gồm 3 kịch bản: Góc khuất trái tim, Gương mặt kẻ khác, Dòng xoáy nghiệt ngã. Riêng kịch bản Dòng xoáy nghiệt ngã được tham dự 2 cuộc thi nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp (kịch nói và cải lương) toàn quốc năm 2015. Kịch nói của vở này do NSƯT Đoàn Bá - Nhà hát kịch TP.Hồ Chí Minh làm đạo diễn; cải lương do Hoàng Song Việt chuyển thể, NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn cho Đoàn cải lương Hương Tràm (Cà Mau) và đã đoạt huy chương vàng vở diễn. Vở diễn này cũng đang trên sàn tập của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Được biết đến là nhà văn của truyện ngắn, tiểu thuyết, Bích Ngân thử sức ở thể loại tiểu phẩm cũng có vài đầu sách. Với kịch sân khấu là một thử thách mới, chị cho biết: “Tôi nhớ, lần đầu gặp nhà văn, nhà viết kịch Chu Lai ở trại sáng tác kịch bản sân khấu tại Vũng Tàu, ông dọa là: “Nhiều nhà văn đã ôm đầu máu chạy dài khi lấn sang sân khấu. Nhà văn nữ càng không nên mon men sang lĩnh vực này!”. Lời cảnh báo của nhà văn Chu Lai ngẫm ra là có lý, tuy cũng đã có một số ít nhà văn thành công cả hai lĩnh vực: sân khấu và văn chương. Nhà văn khi đầu tư thời gian, tâm huyết cho sân khấu là bước vào một hành trình vừa phiêu lưu vừa mạo hiểm và hết sức nhọc nhằn”.

Với nhà văn, tác phẩm cuối cùng thể hiện qua cuốn sách được in. Những kịch bản của Bích Ngân sau khi lên sân khấu giờ đã hiện diện thành trang sách và lại góp 50% giá bìa cho từ thiện, cũng là quý lắm thay.

Thanh Kiều

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        767,254       225