Văn hóa

Dấu hiệu vui với văn hóa đọc

Từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều tín hiệu tích cực đối với văn hóa đọc khiến người làm sách, yêu sách không khỏi vui mừng.

Tiêu biểu như Hội sách TP.Hồ Chí Minh lần thứ IX-2016 thu hút trên 1 triệu lượt người yêu sách đến mua sách; hệ thống phát hành sách trực tuyến phát triển thành mạng lưới bán hàng chuyên nghiệp, rầm rộ; nhiều thể loại sách mới, kích cỡ, hình ảnh sách cũng được các nhà xuất bản lưu tâm cải tiến, đổi mới nhằm tạo sự mới lạ để hút người đọc.

* Người đọc hưởng lợi

Tuy Hội sách TP.Hồ Chí Minh lần IX- 2016 đã kết thúc nhưng trên 300 trang mạng mua bán sách trực tuyến vẫn tiếp tục phục vụ người đọc với mức giá giảm sâu từ 20-50%. Ông Đỗ Huy Quốc, Giám đốc ngành sách của Công ty cổ phần Tiki, cho biết: phát hành sách trên mạng giúp bạn đọc, nhất là bạn đọc  ở vùng sâu, vùng xa mua sách ngay tại nhà chứ không phải mất thời gian đến các nhà sách truyền thống. Đó là mục đích mà đơn vị hướng đến khi thực hiện hệ thống bán sách qua mạng kèm theo nhiều ưu đãi hấp dẫn khác.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) nhận sách do Trung tâm Văn miếu Trấn Biên và nhà văn Nguyễn Thái Hải trao tặng. Ảnh: V.TRUYÊN
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) nhận sách do Trung tâm Văn miếu Trấn Biên và nhà văn Nguyễn Thái Hải trao tặng. Ảnh: V.TRUYÊN

Nhiều thể loại sách với phong cách mới lạ cũng ra đời để đáp ứng nhu cầu về hình ảnh, cảm nhận, yếu tố mỹ thuật, kỹ thuật ẩn chứa trong từng tác phẩm. Trong đó, không thể không nhắc đến những cuốn sách cổ tích 3D của các nhà xuất bản: Kim Đồng, Trẻ… với hình ảnh minh họa sống động, nhiều màu sắc hấp dẫn đối với bạn đọc là thiếu nhi lẫn người lớn.

Đặc biệt, xu hướng nghe qua đĩa CD, VCD, DVD thay vì đọc nội dung sách cũng đang rất phổ biến và được khá nhiều nhà văn trẻ áp dụng để hút người đọc. Nhà văn - ca sĩ trẻ Hamlet Trương, người đang rất thành công với cách làm này, cho hay nhu cầu của bạn đọc rất lớn. Có người thích lật từng trang sách nhưng có trường hợp lại muốn được ai đó kể cho họ nghe về câu chuyện mà cuốn sách chuyển tải… Chính vì nắm bắt được nhu cầu này, nên tuy phải dành thời gian đầu tư rất nhiều nhưng đầu sách mới nào của Hamlet Trương cũng kèm theo đĩa phim ngắn, nhạc minh họa nội dung và được người đọc đón nhận nhiệt thành.    

* Không đứng ngoài cuộc

Tại Đồng Nai, nhiều phần việc hướng đến đọc trong tỉnh cũng được cơ quan chức năng góp sức thực hiện.

Gần đây nhất là việc triển khai thực hiện phục vụ đọc sách miễn phí đối với người dân tại 5 xã, gồm: Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), Thanh Sơn (huyện Định Quán), Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), Giang Điền (huyện Trảng Bom), Bình Sơn (huyện Long Thành), do Sở Thông tin - truyền thông chủ trì phối hợp cùng Bưu điện tỉnh và Nhà sách Fahasa Biên Hòa thực hiện. Người dân 5 xã nói trên được tìm hiểu miễn phí hơn 300 đầu sách hoàn toàn mới thuộc nhiều thể loại, như: sách văn học, kỹ thuật nông nghiệp, pháp luật, danh nhân văn hóa…


Nhân Ngày sách Việt Nam, tại Đồng Nai sẽ diễn ra ngày hội sách và văn hóa đọc ở khuôn viên bên trong và ngoài Thư viện tỉnh. Trong 3 ngày (từ 21 đến 23-4), sẽ có nhiều hoạt động gắn với văn hóa đọc được tổ chức miễn phí phục vụ các tầng lớp nhân dân, như: mua bán - trưng bày sách và văn phòng phẩm, thi xếp sách đẹp, trao tặng sách, thi kể chuyện theo sách dành cho học sinh các cấp…

Trước đó, Thư viện tỉnh cũng đã trao tặng sách và thực hiện mới 3 tủ sách lưu động tại 3 hộ gia đình ở 3 xã: Lang Minh (huyện Xuân Lộc) và Phú Lý, Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Theo ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Thư viện tỉnh, bên cạnh việc phát triển hệ thống thư viện tuyến tỉnh, huyện, xã, phường thì việc đặt những tủ sách theo nhu cầu thực tế của xã hội luôn được Thư viện tỉnh chú trọng thực hiện, qua đó góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Người dân xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú đọc sách miễn phí do Sở Thông tin - truyền thông chủ trì phối hợp cùng Bưu điện tỉnh và Nhà sách Fahasa Biên Hòa thực hiện.
Người dân xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú đọc sách miễn phí do Sở Thông tin - truyền thông chủ trì phối hợp cùng Bưu điện tỉnh và Nhà sách Fahasa Biên Hòa thực hiện.

Không chỉ các đơn vị có trách nhiệm mới tham gia phát triển văn hóa đọc, mà cả những cơ quan, đơn vị được phân công công việc khác vẫn chung sức mang sách đến với những nơi cần, trong đó phải kể đến Trung tâm Văn miếu Trấn Biên. Theo ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, ngay khi biết học sinh tại 2 trường tiểu học vùng sâu, vùng xa là Phú Điền (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) và Nguyễn Thượng Hiền (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) có nhu cầu về sách, đơn vị này đã chủ động liên hệ với Nhà xuất bản Kim Đồng xin hỗ trợ 1 ngàn đầu sách thiếu nhi mới cho các em, cũng như kêu gọi một số nhà văn trong tỉnh góp sức thực hiện. Kết quả là học sinh tại 2 ngôi trường này đã có thêm 500 đầu sách mới/trường để bổ sung vào thư viện, được nhà văn Nguyễn Thái Hải ký tặng, giao lưu.

Văn Truyên
 




 

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        767,748       179