Văn hóa

Phòng cháy, chữa cháy tại di tích: Còn bỏ ngỏ

Thời gian vừa qua, nhiều di tích trong cả nước đã bị "bà hỏa" viếng thăm, trong đó có di tích hàng trăm năm tuổi. Do vậy, việc phòng chống cháy nổ cũng như bố trí trang thiết bị chữa cháy tại di tích để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra là rất cần thiết nhằm giảm thiểu thấp nhất mức thiệt hại đối với những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Thời gian vừa qua, nhiều di tích trong cả nước đã bị “bà hỏa” viếng thăm, trong đó có di tích hàng trăm năm tuổi. Do vậy, việc phòng chống cháy nổ cũng như bố trí trang thiết bị chữa cháy tại di tích để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra là rất cần thiết nhằm giảm thiểu thấp nhất mức thiệt hại đối với những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Người dân dâng hương tại chính điện di tích đình Dầu Giây, huyện Thống Nhất), nơi đây hiện chưa có hệ thống phòng cháy, chữa cháy để xử lý khi xảy ra sự cố.
Người dân dâng hương tại chính điện di tích đình Dầu Giây, huyện Thống Nhất), nơi đây hiện chưa có hệ thống phòng cháy, chữa cháy để xử lý khi xảy ra sự cố.

Đồng Nai có 50 di tích văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh được xếp hạng, cùng hàng ngàn di tích phổ thông khác. Tuy nhiên, theo thống kê của Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh, số di tích có trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

* Nguy hiểm rình rập

Ông Lê Hữu Hiệp, Phó ban Quý tế đình Phước Lộc (huyện Long Thành), cho biết từ trước đến nay di tích này không hề có bất kỳ trang bị nào để đảm bảo việc phòng cháy, chữa cháy tại chỗ. Vì thế mỗi khi đình vào lễ kỳ yên hay mở cửa để người dân vào dâng hương trong dịp tết là ban quý tế hết sức lo lắng. Bởi kết cấu của đình, từ các gian thờ, kèo, cột, liễn đối, hoành phi... đều bằng gỗ, các tấm trải bàn, màn trướng đều bằng vải nên chỉ cần một cây nhang, cây nến rơi xuống cũng đủ làm lửa bùng lên nhanh chóng.

Ông Ngô Chơn Thuận, Trưởng ban Quý tế đình Dầu Giây (huyện Thống Nhất), cho biết ban quý tế chưa thể trang bị được hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho di tích vì không có kinh phí thực hiện. Hiện ban quý tế thực hiện việc phòng cháy bằng cách là tắt hết các thiết bị điện khi không có người tại di tích, không cho đốt giấy tiền, vàng mã bên trong di tích, nhắc nhở mỗi người chỉ đốt 1 cây nhang khi dâng hương tại đình.

* Cần sớm được trang bị

Tại đình Phước Lộc, do không có kinh phí mua sắm bình chữa cháy, xây bồn chứa nước, ống dẫn nước nên để phòng ngừa hỏa hoạn trong dịp lễ kỳ yên, ban quý tế đình này đã nghĩ ra cách làm mang tính “chữa cháy” tạm thời là thuê 2 bình chữa cháy về đặt ngay tại chính điện của di tích trong 2 ngày diễn ra lễ kỳ yên. Còn những ngày bình thường thì không thuê vì thiếu kinh phí.

Tại di tích Đình An Hòa (TP.Biên Hòa), ban quý tế cùng nhân dân tại đây rất yên tâm với hệ thống phòng cháy, chữa cháy vừa được trang bị. Ông Nguyễn Văn Khai, Trưởng ban Quý tế Đình An Hòa, cho hay: năm 2009, đình được trùng tu, tôn tạo lại và có bổ sung thêm hệ thống phòng cháy, chữa cháy với hầm chứa nước cứu hỏa đặt trên nền đất, bồn chứa nước trên cao, ống dẫn nước, thùng cát… Ý thức phòng ngừa hỏa hoạn cũng như hướng dẫn mọi người sử dụng thành thục hệ thống phòng cháy, chữa cháy luôn được ban quý tế chú trọng.

Ông Ngô Chơn Thuận, Trưởng ban Quý tế đình Dầu Giây, cho biết trong năm tới ban quý tế đình sẽ cố gắng kêu gọi nhân dân đóng góp để xây dựng bồn nước, ống dẫn nước, bình chữa cháy, dù việc vận động nhân dân đóng góp là rất khó.Tuy nhiên, việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền để người dân sống quanh khu vực di tích nâng cao ý thức phòng cháy, kiến thức về chữa cháy thì ban quý tế không thể tự thực hiện được mà cần có sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Từ thực tế đó, có thể thấy để nâng cao ý thức trong phòng cháy, kịp thời chữa cháy khi xảy ra sự cố, ngoài sự cố gắng của ban quý tế, ban quản lý các di tích thì vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc phối hợp, hỗ trợ là rất cần thiết và nên sớm được triển khai thực hiện, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”. Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, cho hay: phòng cháy chữa cháy tại di tích cũng là một trong những nhiệm vụ của bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Do vậy, trong thời gian tới, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng ban quý tế, ban quản lý các di tích, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thực hiện tốt việc này, nhất là trong thời điểm mùa lễ hội năm 2016 đang đến gần.

Văn Truyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        768,511       301