Kinh tế

Xây dựng lòng tin của người tiêu dùng

Nhiều năm qua, Đồng Nai quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn với hàng trăm hécta cây trồng được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP)...

ề chăn nuôi, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn, đạt chuẩn GAP với gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản cũng không ngừng được nhân rộng. Tuy nhiên, chưa nhiều mặt hàng nông sản xây dựng được thương hiệu ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Xoài của Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) đã thực hiện truy xuất nguồn gốc với mục tiêu tham gia thị trường xuất khẩu. Ảnh:B.Nguyên
Xoài của Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) đã thực hiện truy xuất nguồn gốc với mục tiêu tham gia thị trường xuất khẩu. Ảnh:B.Nguyên

Đồng Nai đang triển khai thí điểm nhiều chương trình truy xuất nguồn gốc cho nông sản, thực phẩm. Đây được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản vì giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng.

* Yêu cầu cao từ thị trường

Ông Trần Quốc Dũng, Phó giám đốc Trung tâm chứng nhận phù hợp (QUACERT - TP.Hà Nội) cho biết, hiện nay Trung Quốc đang siết chặt một số quy định về việc nhập khẩu nông sản. Trong đó, có yêu cầu bắt buộc là các loại nông sản nhập khẩu vào thị trường này đều phải dán tem truy xuất nguồn gốc.

Nhiều thị trường khác cũng đặt ra tiêu chuẩn hơn với các mặt hàng nông sản mà thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng là yêu cầu bắt buộc. Chưa kể, người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm đến truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm.

Việt Nam cũng đã có hệ thống các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mới nhất là Đề án số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp, nông dân nên chủ động thực hiện truy xuất nguồn gốc cho nông sản vì đây là yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường hiện nay.

Thực tế, ngay cả với những nông sản được chứng nhận GAP cũng chưa thực sự chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nên đầu ra của thị trường vẫn chưa bền vững. Thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản từ trang trại đến bàn ăn, minh bạch thông tin trong suốt quá trình sản xuất và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng được sẽ giúp giải bài toán khó về xây dựng lòng tin về chất lượng nông sản.

Ông Lê Kỳ Liêm, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đồng Nai cho rằng, khó khăn hiện nay ngay cả với những cơ sở đã được chứng nhận GAP là việc ghi chép thông tin hoạt động hằng ngày vẫn mang tính “đối phó” nên việc duy trì các điều kiện sau khi được chứng nhận không thực hiện đầy đủ. Đây cũng là lý do các nông sản đạt chứng nhận sản xuất an toàn hiện chưa có sự khác biệt nhiều so với sản phẩm thông thường, hiệu quả kinh tế chưa cao.

 Theo ông Liêm, Đồng Nai rất quan tâm đến việc kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và hiện toàn tỉnh có 287 điểm bày bán sản phẩm, nông sản an toàn. Tỉnh đã phối hợp rất tốt thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, gà vào thị trường TP. Hồ Chí Minh và đang thực hiện xây dựng nội dung 3 đề án về truy xuất nguồn gốc các sản phẩm từ động vật trên địa bàn tỉnh.

* “Cầm tay chỉ việc” cho nông dân

Hiện có nhiều công nghệ mới, hiện đại hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp quản lý, chứng minh nông sản, thực phẩm an toàn từ khâu nguyên liệu đầu vào như: vật tư nông nghiệp, cây - con giống đầu vào đến quy trình sản xuất sạch, phân phối.

Bà Nguyễn Phạm Hồng Lan, đại diện Công ty TNHH Family and Farm (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) đầu tư trồng xoài đạt chuẩn VietGAP và đã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho loại nông sản này chia sẻ, khách hàng hiện nay rất quan tâm đến những thông tin về quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng nhu cầu hiện nay của khách hàng. Mặt khác, đây cũng là “chìa khóa” giúp nông sản tham gia được vào thị trường xuất khẩu.

Theo bà Hồng Lan, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản khá dễ dàng với nông dân vì các chuyên viên của đơn vị cung cấp dịch vụ này về tận vườn cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân từ cách sử dụng phần mềm cho đến việc cập nhật thông tin ngay trên cánh đồng như thế nào. Với việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, chủ doanh nghiệp, chủ trang trại dễ dàng giám sát hoạt động của từng người lao động, công việc họ đã thực hiện và kết quả ra sao. “Điều quan trọng nhất là chương trình này giúp nông dân truyền tải thông tin đến người tiêu dùng về sản phẩm của mình một cách chính xác, tin cậy và kịp thời” - bà Lan nói.

Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Nguyễn Ngọc Phương nhận xét, muốn nâng cao giá trị cho nông sản và hướng đến thị trường xuất khẩu thì phải thực hiện việc minh bạch thông tin trong sản xuất cũng như về chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi triển khai hội nghị ứng dụng khoa học và công nghệ về truy xuất nguồn gốc - chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững để ghi nhận, nắm bắt nhu cầu từ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để có đề xuất UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trong việc hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm trên địa bàn tỉnh” - ông Phương cho biết.    

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,052,876       23