Kinh tế

Người tiên phong nuôi heo giống công nghệ cao

Ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tám Do (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) nổi tiếng trong giới chăn nuôi vì là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư trại heo giống với quy mô lớn, công nghệ hiện đại thuộc tốp đầu của Đồng Nai.

Ông Nguyễn Tấn Hậu
Ông Nguyễn Tấn Hậu

Tuy là “tay ngang” vào nghề từ thợ cơ khí đầu tư chăn nuôi nhưng ông Hậu lại nổi tiếng trong ngành này vì có nhiều quyết định táo bạo về phát triển đàn giống ngoại và ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi. Cụ thể, từ năm 2012, ông Hậu đã bỏ ra trên 6 tỷ đồng để nhập khẩu 152 con heo giống từ Mỹ về để gầy dựng đàn heo giống đầu dòng. Ông còn đi tiên phong đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, nhất là sử dụng hệ thống cho heo ăn bằng chíp điện tử để quản lý chính xác khẩu phần ăn của mỗi con heo theo từng thời kỳ sinh trưởng.

* Tay ngang làm chuyên nghiệp

*  Cơ duyên nào khiến ông đang làm ở ngành cơ khí lại rẽ sang ngành chăn nuôi?

Theo ông Nguyễn Tấn Hậu, 3 năm trở lại đây, chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn hơn thuận lợi, hết tình trạng rớt giá, đến dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, thịt heo vẫn là thực phẩm chính, nhu cầu thị trường còn rất lớn để phát triển và lợi nhuận từ chăn nuôi heo vẫn cao.  Đợt sóng gió lớn dịch tả heo châu Phi chính là dịp để cả Nhà nước và người chăn nuôi nhìn nhận lại hướng phát triển cho ngành này. Nhà nước phải định hướng cho người chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp, trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ nên tập trung nuôi phát triển đàn heo thịt, liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp để phát triển bền vững.

- Ba tôi cả đời gắn bó với nghề nuôi heo, đầu tư quy mô trại nuôi cũng thuộc loại lớn thời đó với khoảng 600 con nái ở xã Lộc An (huyện Long Thành). Năm 2006, gia đình tôi nuôi trại hở bị dịch lở mồm long móng nên phải tiêu hủy 1,2 ngàn con heo.

Trước khó khăn đó, tôi tiếp quản lại trại chăn nuôi của gia đình dù tôi đang làm nghề cơ khí và đã gần 40 tuổi. Ngay từ đầu bắt tay vào chăn nuôi và từ sự cố gia đình gặp phải, tôi nhìn nhận lại nếu đầu tư vào ngành này thì phải đầu tư lại chuồng trại lạnh, công nghệ hiện đại. Tôi mua 5 hécta đất ở xã Tân Hiệp (huyện Long Thành) lập trại mới. Khi tôi tự mình bỏ công thiết kế, xây dựng nên mô hình trang trại thì dần dần mới thích và gắn bó với nghề chăn nuôi.

*  Ông được biết đến là chủ  trang trại tư nhân đi tiên phong nhập con giống từ Mỹ về làm đàn giống đầu dòng và là trại có tiếng về con giống chất lượng cao. Ông chia sẻ gì về câu chuyện đầu tư sản xuất giống? 

- Tôi đã nhiều lần khẳng định đầu tư sản xuất giống phải đi theo hướng chuyên nghiệp. Để sản xuất giống, điều quan trọng nhất là phải đầu tư cho con nái. Vì con giống đóng vị trí rất quan trọng quyết định hiệu quả chăn nuôi.

Theo đó, tôi tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định nhập con giống đầu dòng từ Mỹ. Vì con giống này có thể 1 con nái đẻ ra không được nhiều con như con giống của Đan Mạch nhưng lại cho ra con giống tăng trưởng nhanh hơn, người mua giống về nuôi hiệu quả hơn. Công nghệ hiện nay tôi đang ứng dụng tại trang trại không thua kém gì các trang trại chăn nuôi hiện đại ở Mỹ.

*  Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những công nghệ mới trang trại đã ứng dụng và hiệu quả của nó trong chăn nuôi?

- Với trang trại ở xã Tân Hiệp, tôi là người đầu tiên ở địa phương làm hệ thống cấp thức ăn tự động với từng cá thể heo. Đầu tư trang trại mới ở xã Bàu Cạn, trang trại của tôi cũng là một trong những trang trại đầu tiên ứng dụng hệ thống cho heo ăn bằng chíp điện tử. Tôi chấp nhận chi hơn 11 tỷ đồng đầu tư hệ thống lồng chuồng theo công nghệ Đan Mạch. Công nghệ mới này giúp quản lý cặn kẽ về sức khỏe, thức ăn, quá trình sinh trưởng, thậm chí lịch rụng trứng… của mỗi con heo trong đàn.

Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Tấn Hậu được đầu tư như khu lâu đài nghỉ dưỡng với thảm cỏ, cây xanh, cây cảnh trang trí; khu nhà ở và văn phòng tách biệt hẳn với khu vực chăn nuôi; có khu nhà ở miễn phí cho công nhân và gia đình họ cùng khu sinh hoạt vui chơi như sân bóng nhân tạo ngay trong khuôn viên trang trại... Trong thời gian xảy ra dịch tả heo châu Phi, trang trại chăn nuôi của ông Hậu được bảo vệ như một pháo đài cách ly hẳn với khu vực xung quanh bằng giải pháp đồng bộ an toàn sinh học; công tác phun độc, khử trùng được thực hiện hằng ngày.

Riêng với hệ thống cho heo ăn bằng chíp điện tử, con heo có thể ăn nhiều bữa trong ngày nhưng lượng thức ăn vẫn được đo đếm chính xác, máy chỉ “nhả” đúng lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của con heo nên không bị lãng phí thức ăn. Công nhân cũng dễ dàng phát hiện trường hợp những con heo bỏ bữa hoặc ăn ít hơn bình thường.   

Với việc ứng dụng công nghệ cho heo ăn tự động, tôi có thể quản lý được khẩu phần ăn của đàn heo, đảm bảo cho vật nuôi được cung cấp dinh dưỡng hợp lý qua từng giai đoạn sinh trưởng; nhất là giúp tiết kiệm được nhiều chi phí hơn. Ví dụ, hiện chỉ cần 5 người công nhân thay vì cần hàng chục người như trước để quản lý cả trang trại 1,2 ngàn con nái. Công nhân của tôi cũng không cần ra vào nhiều trong khu trại. Và 1 công nhân chỉ cần ngồi trên văn phòng bấm nút để cho heo ăn.

*  Quan điểm của ông là gì khi quyết định chọn hướng đầu tư công nghệ cao?

 - Tôi cho rằng hệ thống máy móc giúp chủ trang trại quản lý tốt hơn. Vì nếu hoàn toàn phụ thuộc vào người lao động thì có thể gặp nhiều sự cố như họ bị bệnh hoặc bỏ việc, chủ trại tuyển người mới sẽ rất bị động vì họ chưa quen việc. Với hệ thống hoạt động đã được lập trình sẵn, những người mới được hướng dẫn là có thể bắt tay vào làm ngay mà vẫn đảm bảo tốt công việc.

Ngoài ra, toàn bộ hoạt động của trang trại đều được kết nối với hệ thống máy tính ở khu điều hành. Đội ngũ kỹ sư chỉ cần theo dõi đàn heo trên máy tính là có thể quản lý được quá trình sinh trưởng, phát triển của từng con heo. Hệ thống này còn kết nối với điện thoại nên ở bất cứ nơi đâu, tôi vẫn có thể theo dõi, quản lý mọi hoạt động của trại trên điện thoại.

* Nhiều cơ hội cho chăn nuôi tư nhân

*  Ông có e ngại áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, nhất là với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi là doanh nghiệp nhỏ đầu tư chăn nuôi?

- Doanh nghiệp FDI, quy mô lớn họ phải đầu tư lớn với nhiều chi phí, rủi ro hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa tự quản lý nên sâu sát hơn, linh động hơn trong quản lý cũng như xử lý khi sự cố xảy ra. Ngoài ra, chúng tôi cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Nên nếu đầu tư chuyên nghiệp, giá thành sản xuất của trang trại tư nhân cũng không thua giá thành các công ty lớn.

*  Thời gian qua, ngành chăn nuôi heo phải đối mặt với nhiều khó khăn từ việc rớt giá đến dịch bệnh, điều này có làm ông thay đổi gì khi đầu tư vào ngành này?

- Khi bắt đầu chăn nuôi, tôi vừa làm vừa học và may mắn là tôi tuyển được người giỏi về kỹ thuật chăn nuôi và theo tôi hơn 10 năm nay. Ban đầu, tôi nuôi khoảng 1,2 ngàn con heo nái và 1,5 ngàn con heo thịt, còn lại tôi chủ yếu bán heo con ra thị trường.

Trang trại nuôi heo nái của ông Nguyễn Tấn Hậu
Trang trại nuôi heo nái của ông Nguyễn Tấn Hậu

Sau sự cố heo rớt giá vào năm 2017, nhiều lúc, người dân không mua heo giống về nuôi. Đó là lý do tôi đầu tư trại mới ở xã Bàu Cạn rộng 13 hécta, quy mô đàn nái không đổi nhưng tổng đàn có thể nuôi lên đến hơn 10 ngàn con để có thể đảm bảo chuồng trại phát triển đàn heo thịt. 

Dịch bệnh cũng là rủi ro lớn của ngành chăn nuôi heo. Nhưng với tôi, trong rủi ro vẫn có cơ hội nếu mình đầu tư chuyên nghiệp, bài bản. Và tới giờ phút này, tôi vẫn bảo vệ được trang trại của mình an toàn trước dịch tả heo châu Phi dù dịch này xảy ra sát bên cạnh.

*  Giải pháp của doanh nghiệp khi dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay?

- Đây là giai đoạn khó khăn chung của ngành chăn nuôi. Trước mắt doanh nghiệp cũng chưa có kế hoạch tăng đàn ngay mà tập trung vào việc bảo vệ đàn giống trước dịch bệnh bằng các giải pháp an toàn sinh học. 

Người chăn nuôi chúng tôi luôn mong muốn giá cả, sự tăng trưởng ổn định và cả ngành này phát triển theo hướng bền vững chứ không trồng chờ những cơn sốt giá ngắn hạn như thời gian gần đây.

  Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,019,993       39