Kinh tế

Phát triển bền vững nghề thủ công mỹ nghệ

Huyện Trảng Bom có điều kiện tự nhiên, xã hội, vị trí kết nối giao thông thuận lợi cho nhiều ngành nghề phát triển, trong đó có nghề gỗ, thủ công mỹ nghệ.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Cơ sở Nguyễn Đựng (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Cơ sở Nguyễn Đựng (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Nghề gỗ, thủ công mỹ nghệ ở Trảng Bom có tính kế thừa cao, mang lại nhiều giá trị truyền thống cũng như giá trị kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy ngành thương mại - dịch vụ phát triển ở địa phương.

* Nhiều sản phẩm độc đáo

Hiện nay, các sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ ở Trảng Bom ngày càng đa dạng về mẫu mã, nâng cao chất lượng. Có những hộ làm mộc, thủ công mỹ nghệ hàng chục năm nay với sản phẩm mỹ nghệ, các mô hình tàu thuyền, máy bay hoặc tranh ghép gỗ làm quà tặng du lịch khá độc đáo, khác biệt.

Theo Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, trên địa bàn huyện có hơn 1,8 ngàn cơ sở về tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 13 ngàn lao động. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt từ 13-14% mỗi năm. Riêng trong 9 tháng của năm 2019, giá trị các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương quản lý tăng 17,2% so cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỉ trọng  9,1% trong tổng số giá trị sản xuất công nghiệp của huyện.

Riêng đối với hoạt động chế biến gỗ, lâm sản, toàn huyện có khoảng 300 cơ sở. Trong đó có khoảng hơn 50 cơ sở chuyên về làm mộc, thủ công mỹ nghệ, tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã: Bình Minh, Quảng Tiến, Bắc Sơn, Sông Trầu và Hố Nai 3.

Sản phẩm gỗ mỹ nghệ của các cơ sở trong huyện được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường TP.Hồ Chí Minh và một số sản phẩm được xuất khẩu theo hình thức ủy thác sang thị trường Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc… với các mẫu mã chính như: các loại tàu, thuyền mỹ nghệ, đàn guitar và các loại đàn khác, xe ô tô, mô tô và gỗ mỹ nghệ, các loại tranh ghép gỗ độc đáo…

Một trong những cơ sở về thủ công mỹ nghệ, tranh ghép gỗ có tiếng của huyện là Cơ sở Nguyễn Đựng (xã Sông Trầu). Thông qua các cửa hàng của đối tác ở TP.Hồ Chí Minh, sản phẩm tranh gỗ ghép của cơ sở theo chân khách du lịch đến với nhiều quốc gia trên thế giới.

Các sản phẩm của cơ sở này được sản xuất trên công thức cơ bản là tạo hình các chi tiết rồi ghép nối thành một khối sản phẩm hoàn chỉnh theo từng chủ đề khác nhau. Điều độc đáo là sản phẩm không sử dụng sơn để tạo màu mà dựa trên màu sắc tự nhiên của chất liệu các loại gỗ tràm, gỗ nồng mức…

Ông Nguyễn Đựng, chủ Cơ sở thủ công mỹ nghệ Nguyễn Đựng chia sẻ, sản phẩm tranh ghép gỗ vừa mang tính mỹ thuật cao, vừa thân thiện với môi trường nên có lẽ vì thế mà khách du lịch khá ưa chuộng mặt hàng này, tạo điều kiện cho cơ sở duy trì hoạt động đều đặn. Hầu hết các khách hàng hiện tại của cơ sở đều là đối tác ở TP.Hồ Chí Minh gắn bó với cơ sở từ nhiều năm qua.

Hay như Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (xã Bình Minh) của ông Nguyễn Thành Nhân được xem là “cây đa cây đề” trong làng gỗ thủ công mỹ nghệ ở huyện Trảng Bom và khu vực giáp ranh TP.Biên Hòa. Theo ông Nhân, trong nhiều năm qua, sản phẩm gỗ mỹ nghệ do cơ sở của ông sản xuất đều đặn xuất khẩu đi các thị trường lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước châu Âu...

Về nguồn nguyên liệu, theo Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, nguyên liệu gỗ phục vụ cho sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ hiện nay trên thị trường tương đối dồi dào và giá cả tương đối thấp vì là nguyên liệu được tận dụng từ phế liệu của các cơ sở sản xuất đồ mộc. Ngoài ra, các cơ sở còn sử dụng gỗ rừng trồng và gỗ vườn.

* Gỡ khó “nút thắt” về mặt bằng, nguồn nhân lực sản xuất

Hiện nay, các cơ sơ làm mộc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện vẫn ở quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình nên còn gặp khó khăn trong việc thay đổi công nghệ, nâng cao tay nghề, đảm bảo lao động thủ công…

Sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ tại Cơ sở Nguyễn Đựng (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên
Sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ tại Cơ sở Nguyễn Đựng (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Trảng Bom đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành, khu du lịch... trong cả nước và bán tại nhiều quốc gia, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng nên thương hiệu mạnh cho mặt hàng gỗ, thủ công mỹ nghệ của địa phương ở thị trường trong nước lẫn nước ngoài với những sản phẩm độc đáo, mang tính truyền thống, đặc trưng riêng.

Nhiều cơ sở mong muốn địa phương có những chính sách mới hơn, thông thoáng hơn, đi kèm với các biện pháp hữu hiệu để phát triển nguồn nguyên liệu cho sản phẩm xuất khẩu; ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào trong sản xuất; hướng tới phát triển các làng nghề về thủ công mỹ nghệ mang tính tập trung, phát triển bền vững, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, nâng cao sức cạnh tranh…

Ông Nguyễn Đựng chia sẻ thêm, hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ cần có thêm chính sách khuyến khích sản xuất. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, lao động có tay nghề cần được chú trọng, tăng cường vì đây hiện đang là bài toán nan giải với nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở địa phương.

Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho biết, hiện nay, cụm nghề gỗ mỹ nghệ tại xã Bình Minh với diện tích hơn 2 ngàn hécta đang trong giai đoạn chuẩn bị các thủ tục đấu giá đất, kêu gọi nhà đầu tư phù hợp. Cụm nghề gỗ mỹ nghệ này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, tạo sự liên doanh, liên kết trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Huyện Trảng Bom sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai… để có hướng phát triển, hỗ trợ các khu vực, cơ sở sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ của huyện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; tăng cường kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp, cụm nghề, đổi mới công nghệ về sản xuất gỗ, thủ công mỹ nghệ… góp phần nâng cao thương hiệu, phát triển bền vững nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương.

Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho biết, để nâng cao giá trị thương hiệu của ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng và của ngành chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu nói chung cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn huyện. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong hoạt động, kết nối đối với các hiệp hội về doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng...

Hoàng Hải

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,093,152       425