Hình ảnh tấm fibro xi măng truyền thống và tấm fibro xi măng loại mới giá rẻ |
Trong khi những tranh luận về ảnh hưởng của amiăng trắng chưa có hồi kết thì các doanh nghiệp ngành công nghiệp với sản phẩm đầu ra có tính tiện ích và an sinh xã hội cao như tấm lợp fibro xi măng truyền thống sẽ còn tiếp tục sống thoi thóp như “cá nằm trên thớt”.
Vì đâu nên nỗi? Hơn 20 năm sản xuất với sợi thòng lọng – lệnh cấm - treo lơ lửng trên đầu, các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng không chết ngay nhưng đang chết từ từ. Đầu tư công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm thì không ai dám làm vì sợ mọi công sức tiền của sẽ đổ xuống sông xuống biển.
Nhưng không đầu tư thì sản phẩm tấm lợp truyền thống với duy nhất một màu xám không thể tiếp tục cạnh tranh, đáp ứng được xu hướng người tiêu dùng Việt Nam – nơi có hơn 70% dân số là người nghèo và người có thu nhập thấp: Nhu cầu về loại tấm giá rẻ, màu sắc bắt mắt, sản phẩm mẫu mã đa dạng, chống ồn, chống cháy, giãn nở tốt trong điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột, không bị hoen gỉ trong môi trường biển, sương muối, các chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm.
* Tìm kiếm một lí do thuyết phục hơn để cấm amiăng trắng?
Ngày 22/7/2019, HHTLVN đã có Văn bản số 07/BC-HHTLVN gửi các ban, ngành của Đảng và Chính phủ kiến nghị lý do ban hành lệnh cấm amiăng trắng nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân không thực sự thuyết phục.
Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong năm 2009 – 2011 đã tài trợ cho Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế thực hiện đề tài “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiăng ở những người tiếp xúc”. Kết quả là trong số 39 mẫu bệnh phẩm sau sàng lọc được gửi sang Bệnh viện Hiroshima để chẩn đoán, không phát hiện ra trường hợp nào bị bệnh do tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế đến năm 2015, trong ngành Vật liệu xây dựng (VLXD), số người bị mắc các bệnh bụi phổi là 20,993 ca, chiếm 74.2% và chủ yếu là bệnh bụi phổi – silic. Đây là tình trạng bệnh lý ở phổi do hít phải hạt silic xuất hiện trong ngành khai thác đá, sản xuất xi-măng, gạch chịu lửa, sản xuất đá mỹ nghệ, khai thác than, luyện kim…
WHO thống kê có 60.000 người chết vì ô nhiễm không khí tại Việt Nam hay 79.000 người chết vì uống rượu bia vào năm 2016. Riêng về ung thư phổi, Cơ quan nghiên cứu quốc tế về bệnh ung thư (IARC) – một thành viên của WHO – đã ghi nhận 20,710 ca tử vong tại Việt Nam vào năm 2018 và nguyên nhân chính bao gồm: Hút thuốc, uống rượu, béo phì, không hoạt động thể dục và sử dụng chất đốt không đúng cách.
Một lý do khác được nêu ra để cấm amiăng trắng là đã có các loại sợi thay thế tốt hơn như sợi PVA của Nhật Bản. Tuy nhiên, HHTLVN khẳng định hai doanh nghiệp thí điểm là Navifico đã đóng cửa được 2 năm và nhà máy Tân Thuận Cường phải chuyển đổi quay trở lại sản xuất tấm lợp có chứa amiăng nhằm có đủ chi phí trang trải lương công nhân và duy trì hoạt động của nhà máy. Chất lượng tấm sợi PVA dễ nứt vỡ, giá thành cao. Thực tế làng Vĩnh Châu, Sóc Trăng, nơi được Ngân hàng Thế Giới tài trợ 12.000 tấm PVA của Navifico vào năm 2004 nhưng năm vừa qua đã phải dỡ gần hết vì tấm lợp không chịu được môi trường khí hậu ven biển.
HHTLVN đặt câu hỏi về mục tiêu của các chiến dịch vận động cấm amiăng trắng này liệu có đơn thuần là vì sức khỏe cộng đồng hay vì những lý do như cạnh tranh thương mại, tạo thị trường cho vật liệu thay thế, tìm kiếm lợi nhuận từ các hoạt động chống amiăng như kiện tụng, phí luật sư…
* Tới những đất nước vẫn đang sử dụng amiăng trắng an toàn
Amiăng trắng vẫn đang được sử dụng tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước trong khu vực ASEAN...
Ngành công nghiệp amiăng của nước Mỹ phát triển từ năm 1858 và đặc biệt amiăng nâu và xanh từng được sử dụng một cách ồ ạt và không kiểm soát tại Mỹ gây ra hệ quả là hàng ngàn bệnh nhân đã bị ung thư do phơi nhiễm với amiăng nâu và xanh. Amiăng bị cấm sử dụng tại Mỹ vào năm 1989 nhưng đến năm 1991, Tòa thượng thẩm Hoa Kỳ đã hủy bỏ lệnh cấm đối với amiăng trắng vì không có chứng cứ rõ ràng về tác động của amiăng trắng đồng thời loại sợi này vẫn là nguyên liệu không thể thay thế trong nhiều sản phẩm, đặc biệt là trong công nghiệp ôtô, vũ trụ và quốc phòng.
Brazil là quốc gia sản xuất amiăng trắng đứng thứ ba trên thế giới sau Nga, Trung Quốc và cũng là một trong số các quốc gia tiêu thụ amiăng hàng đầu thế giới trong đó 54% sản lượng khai thác dành cho tiêu thụ nội địa và 46% sản lượng dành cho xuất khẩu. Trong khi tỷ lệ sử dụng trên đầu người của Canada là 500g/người, Mỹ là 100g/người thì Brazil có tỷ lệ sử dụng lên tới 1.400g/người.
Các công trình nghiên cứu về amiăng trắng trong nước cũng chưa tìm ra khả năng gây bệnh của nó. Ðặc biệt ở Brazil, khi 60% người dân vẫn sử dụng nước uống chứa trong các bể chứa fibro xi măng.
Ngôi nhà lợp mái lợp fibro xi măng ở Minaçu – Brazil |