PGS-TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ là người có nhiều năm nghiên cứu sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Đánh giá cao những đóng góp của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước song theo ông, kinh tế tư nhân Việt Nam nhìn chung còn yếu và thiếu năng lực cạnh tranh trên cấp độ quốc tế.
PGS-TS.Trần Đình Thiên |
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thách thức và cơ hội đan xen nhau, để cộng đồng doanh nghiệp Việt thật sự lớn mạnh, PGS-TS.Trần Đình Thiên cho rằng cần phải cấu trúc lại chiến lược phát triển doanh nghiệp. Theo đó, đặt doanh nghiệp tư nhân vào một vị thế sòng phẳng so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
* Phá nỗi lo doanh nghiệp không lớn và... không chịu lớn
* Trước hết, ông có nhận xét gì về sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây? Trong bối cảnh đó, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp phải chăng đã mạnh hơn?
- Về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, tôi cho rằng đang đi đúng hướng. Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm. Điều này chứng tỏ những cải cách thời gian gần đây của Chính phủ và việc tháo gỡ các điểm nghẽn đã có các tác động đáng kể.
Trước đây, Việt Nam tìm mọi cách để đạt tăng trưởng cao khiến cho kết quả đạt được khá là... mong manh vì phải “trả giá” nhiều cho sự "tăng trưởng nóng" đó. 3 năm trở lại đây, cách tiếp cận đã khác đi nhiều vì chúng ta dựa trên nền tảng ổn định vĩ mô để đạt được tốc độ cao và bền vững.
Một điều cần nhấn mạnh là đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân đã được xem là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Chưa bao giờ tiếng nói của doanh nghiệp, doanh nhân được quan tâm đúng mức như hiện nay. Đặc biệt, Chính phủ mong muốn doanh nghiệp góp ý xây dựng chính sách chứ không phải đi xin, thậm chí phải gây áp lực đến chính quyền, Nhà nước để thay đổi.
* Nhưng trước khi có những thay đổi như vậy, trong suốt một thời gian dài, doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Hệ quả là phần lớn doanh nghiệp của chúng ta chưa thể lớn và hầu hết thuộc diện nhỏ và... siêu nhỏ. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- Thật vậy. Có đến 97% doanh nghiệp Việt là nhỏ và siêu nhỏ, hầu hết trong số đó là doanh nghiệp siêu nhỏ. Doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn.
Nhìn một cách tổng thể, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn là “lượng nhiều, chất yếu”. Thực trạng một nền kinh tế như vậy, có nguyên nhân từ sự phân biệt đối xử, không tôn trọng nguyên tắc thị trường.
Doanh nghiệp đã nhỏ và siêu nhỏ rồi nhưng lại khó lớn, chậm lớn và... sợ lớn. Có rất nhiều vấn đề từ thể chế, chính sách đến tâm lý doanh nghiệp, tâm lý xã hội, phải cần một thời gian dài để giải quyết.
* Trong bối cảnh hội nhập và công nghệ phát triển như hiện nay, phải chăng nhận thức của doanh nghiệp cần có sự thay đổi?
- Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì chính bản thân doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi, làm mới bản thân nếu không muốn đánh mất mình. Thế giới đã chuyển sang công nghệ cao, công nghệ số. Doanh nghiệp dù có làm sản phẩm gì đi nữa nhưng muốn bán hàng ra thế giới thì phải đạt chuẩn, do đó bắt buộc phải hướng tới nền tảng công nghệ cao để xử lý sản phẩm và bán hàng.
Bên cạnh đó, các cuộc chiến tranh thương mại, các hiệp định thương mại tự do... mang lại nhiều thách thức nhưng cũng tạo nên cơ hội cho doanh nghiệp Việt phát triển. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, nhận thức, học tập phương thức làm ăn của thế giới. Không thể chỉ biết “vẫy vùng” trong nước cùng lối quản trị, sản xuất truyền thống.
* Cần những "cánh chim đầu đàn"
* Ông nhận định ra sao về mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2020? Chúng ta cần suy nghĩ về điều này như thế nào?
- Có thể nói, đây là trách nhiệm và cũng là định hướng đúng đắn của Chính phủ, song nhìn nhận một cách khách quan, mục tiêu đó rất khó đạt được khi thời gian còn rất ngắn. Nhưng một vấn đề là, dù có đạt được mục tiêu nhưng nếu doanh nghiệp vẫn "không chịu lớn" thì cũng khó có ý nghĩa trọn vẹn. Do vậy, tôi nghĩ rằng mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp có thể đạt hay không đạt, điều đó không quá quan trọng. Vấn đề là làm sao doanh nghiệp Việt Nam thực sự lớn lên được và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước.
* Có lẽ cần có sự tư duy lại, định hình lại chiến lược phát triển doanh nghiệp?
- Đúng vậy, và phải nhấn mạnh vấn đề này đúng mức. Việt Nam cần thay đổi định hướng phát triển doanh nghiệp, cần một chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần về số lượng. Và đây là thời điểm quan trọng để làm nhiệm vụ trên.
Tất nhiên, sự thay đổi không phải dễ dàng có được. Nhìn từ cấu trúc nền kinh tế, Việt Nam lâu nay vẫn dựa chủ yếu vào các động lực chính là kinh tế hộ gia đình (góp hơn 31% vào cơ cấu GDP) và doanh nghiệp nhà nước (28% GDP) rồi đến doanh nghiệp FDI. Đóng góp chung của doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thực sự như mong muốn.
Điểm yếu của cấu trúc nền kinh tế như trên là ít đổi mới sáng tạo, không khuyến khích cạnh tranh, xuất khẩu, ít đi vào công nghệ để phát triển. Những nỗ lực vừa qua chỉ ở giai đoạn bắt đầu và chưa đụng chạm được đến phần thay đổi cấu trúc.
Giờ là lúc phải thay đổi, và bước đầu tiên là mổ xẻ cấu trúc doanh nghiệp. Đẳng cấp doanh nghiệp phải được đề cập ở các khía cạnh quy mô, trình độ quản trị, công nghệ... Muốn làm được điều đó, phải tập trung xây dựng được các doanh nghiệp đủ mạnh.
* Nghĩa là cần có những "cánh chim đầu đàn" có vai trò dẫn dắt?
- Muốn tiến ra thế giới, Việt Nam phải có một lực lượng doanh nghiệp mạnh, có những "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt tạo nên sức mạnh cạnh tranh của quốc gia. Tôi cho rằng lực lượng doanh nghiệp Đồng Nai cũng như cả nước cần được tổ chức lại, hiện nay cơ bản là mạnh ai nấy làm.
Nhưng tổ chức lại theo kiểu nào, phải làm sao hình thành nên chuỗi, mạng liên kết doanh nghiệp là điều cần suy nghĩ. Muốn vậy, phải xây dựng được một doanh nghiệp lớn, kết nối với các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp này lại có xung quanh một hệ thống doanh nghiệp nhỏ tạo nên một hệ sinh thái doanh nghiệp đa dạng, hoàn chỉnh.
Ngay cả các doanh nghiệp FDI vào nước ta họ cũng nối vào một chuỗi nào đó mới yên tâm được. Nếu doanh nghiệp Việt đã yếu, lại đi sau, mà không áp dụng chính sách liên kết thì rất khó để tồn tại chứ chưa nói đến cạnh tranh với quốc tế.
Về phía Nhà nước, phải tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế, xác lập môi trường đầu tư minh bạch. Có hai vấn đề phải chú ý đó là lấy khoa học và công nghệ là trục cốt lõi cho phát triển. Bên cạnh đó, cần phát triển doanh nghiệp theo chuỗi, liên kết, cấu trúc công nghiệp nhiều tầng, chứ không dàn hàng ngang.
* Trở lại với Đồng Nai, để đồng hành cùng khối doanh nghiệp tư nhân, hiện tỉnh đang xúc tiến để thành lập một cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu được thực hiện, ông cho rằng cần chú ý vấn đề gì?
- Về ý tưởng của Đồng Nai muốn xây dựng một khu, cụm công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tỉnh phải có một cách sắp xếp phù hợp. Doanh nghiệp vừa và nhỏ công nghệ thấp, dễ ảnh hưởng đến môi trường, tay nghề lao động, ý thức kỷ luật chưa cao... Điều này đòi hỏi khi có một khu công nghiệp riêng cần xác định những quy chuẩn để quản lý doanh nghiệp, vừa đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, vừa chú ý vấn đề môi trường trong các khu công nghiệp đặc thù này.
Xin cảm ơn ông!
“Thực tế cho thấy, ngày càng xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp Việt với quy mô tập đoàn, các ông chủ tỷ phú USD. Họ biết vượt qua lối tư duy làm ăn manh mún, lạc hậu, tầm nhìn ngắn hạn để đầu tư vào chiều sâu, gầy dựng thực lực, vươn ra thế giới, là trụ cột của kinh tế tư nhân. Đây là minh chứng hiệu quả nhất cho thấy cần phải tiếp tục thay đổi tư duy trong hoạch định chiến lược kinh tế”. |
Vương Thế (thực hiện)