Kinh tế

Nhiều nông dân bỏ mía, vì đâu?

Trước thực trạng nhiều nhà máy chế biến đường ở các tỉnh, thành đóng cửa hoặc đối diện với nguy cơ phá sản, nông dân nhiều nơi đã bỏ cây mía vì ngành mía đường nội địa yếu thế cạnh tranh khi bước vào hội nhập.

Theo nông dân trồng mía trong tỉnh, niên vụ này, Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) sẽ tạm ngừng sản xuất.

Nông dân trồng mía gặp khó khăn vì lợi nhuận từ cây mía thấp hơn nhiều so với các cây trồng khác. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân trồng mía gặp khó khăn vì lợi nhuận từ cây mía thấp hơn nhiều so với các cây trồng khác. Ảnh: B.Nguyên

TIN LIÊN QUAN
Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, tính đến tháng 6-2019, toàn tỉnh chỉ còn trên 3,2 ngàn hécta mía, giảm hơn 5 ngàn hécta so với cuối năm 2018. Hiện nhiều địa phương từng có vùng chuyên canh cây mía với diện tích lớn như Vĩnh Cửu, Trảng Bom... gần như vắng bóng cây trồng này.

* Vỡ quy hoạch

Theo đại diện Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An, nhà máy tạm ngưng hoạt động trong niên vụ này vì gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu mía. Cụ thể, trung bình mỗi vụ sản xuất, nhà máy ép khoảng 230 ngàn tấn mía nhưng niên vụ này chỉ còn khoảng 50-60 ngàn tấn mía do diện tích mía của Đồng Nai và nhiều địa phương khác giảm mạnh. Toàn bộ số mía của nông dân có ký hợp đồng bao tiêu với Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An sẽ do Công ty cổ phần Biên Hòa – Phan Rang (Công ty thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công) tiêu thụ.

Năm 2018, diện tích mía của Đồng Nai còn hơn 8,3 ngàn hécta, chiếm trên 3% tổng diện tích sản xuất cây hằng năm của tỉnh. Trong đó, trên 4,6 ngàn hécta mía thuộc vùng nguyên liệu có ký hợp đồng bao tiêu với 2 nhà máy chế biến đường hoạt động trên địa bàn tỉnh là Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán) và Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An. Niên vụ 2018-2019, sản lượng đường do 2 nhà máy trên sản xuất đạt gần 39 ngàn tấn.

Trong đó, Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An có công suất khoảng 2,5 ngàn tấn mía/ngày, sản lượng đạt 16,5 ngàn tấn đường/niên vụ. Vùng nguyên liệu do nhà máy này đầu tư tại Đồng Nai khoảng 2,6 ngàn hécta và doanh nghiệp còn mua mía ở nhiều tỉnh, thành lân cận.

Theo quy hoạch phát triển của Đồng Nai, diện tích trồng mía sẽ giảm dần theo từng năm về mức trên 7,6 ngàn hécta vào năm 2020 và còn 6,5 ngàn hécta vào năm 2030. Nhưng sản lượng đường sản xuất lại tăng mạnh lên mức
50-55 ngàn tấn vào năm 2020 và đạt 70-75 ngàn tấn vào năm 2030, tăng gần gấp đôi so với sản lượng đường sản xuất hiện nay.

Việc Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An sẽ đóng cửa ít nhiều ảnh hưởng đến diện tích trồng mía thời gian tới cũng như làm phá vỡ quy hoạch của tỉnh về phát triển cây mía và ngành chế biến đường.

Ngành mía đường của cả nước đang ở vào thời điểm khá khó khăn. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), 3 năm liên tiếp trở lại đây, ngành mía đường chịu tác động tiêu cực của thời tiết, giá cả, thị trường... khiếnnhiều nhà máy thua lỗ kéo dài, thậm chí phá sản. Dự kiến đến năm 2025, cả nước có thể chỉ còn 15 nhà máy mía đường thay vì 40 nhà máy đang hoạt động như hiện nay.

* Nông dân bỏ mía...

Những niên vụ trước, ông Ngô Ngọc Hưởng, nông dân cung cấp mía lâu năm của Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An đều trồng 50 hécta mía tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom). Nhưng niên vụ này, ông chỉ giữ lại khoảng 15 hécta đất mía, diện tích còn lại ông đều chuyển sang trồng mì và cao su. “Tôi chỉ giữ lại diện tích mía ở vùng đất thấp phù hợp cho cây mía phát triển. Diện tích đất cây trồng khác có thể phát triển tốt tôi đều chuyển đổi vì vài năm nay, cây mía cho lợi nhuận quá thấp, có vụ người trồng phải bù lỗ” - ông Hưởng nói.

Ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Thu hoạch mía tại xã Phước Khánh huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Phạm Tùng
Ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Thu hoạch mía tại xã Phước Khánh huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Phạm Tùng

Đồng Nai không chỉ mất vùng chuyên canh cây mía của Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An mà những vùng trồng mía truyền thống ở các huyện Định Quán, Xuân Lộc... cũng đang dần bị thu hẹp. Ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết: “Tổng diện tích vùng nguyên liệu mía được giao cho Công ty cổ phần mía đường La Ngà khoảng 4,2 ngàn hécta. Tuy nhiên, diện tích này đã giảm nhiều do người dân tự ý chuyển đổi sang cây trồng khác”.

Bà Trần Thị Ninh, nông dân tại xã Gia Canh (huyện Định Quán) so sánh, hiện 1 hécta đất cho thuê cũng được
15-20 triệu đồng/năm. Nông dân trồng mía vất vả cả năm nhưng lợi nhuận thu về không bằng “ngồi chơi không rồi đem đất cho thuê”. Vài năm trở lại đây, giá mía quá thấp, nhiều nông dân phải bù lỗ sau khi thu hoạch mía. “Ngày trước, nông dân ở đây sinh sống, nuôi con ăn học đều nhờ cây mía nhưng nay không mấy ai muốn giữ cây trồng này. Năm nay, nhiều nhà chấp nhận lỗ vốn cày bỏ ruộng mía mới thu được một mùa để chuyển sang cây trồng khác vì càng để càng phải bù lỗ” - bà Ninh chia sẻ.

* ... dù không lo đầu ra

Ông Đặng Đức Hùng (ngụ xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) là nông dân cung cấp mía lâu năm cho Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An. Nhiều năm trước, ông thường thuê thêm đất để trồng mía với diện tích lên đến khoảng 200 hécta. Do lợi nhuận từ cây mía ngày càng giảm nên ông không thuê đất mở rộng diện tích trồng như trước mà chỉ giữ lại khoảng 50 hécta mía. Ông Hùng cho biết: “Niên vụ này, diện tích trồng mía còn khá lớn nhưng tôi không lo về đầu ra. Vì trên địa bàn tỉnh vẫn có Công ty cổ phần mía đường La Ngà ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân”. Còn theo ông Ngô Ngọc Hưởng, hàng chục năm gắn bó với cây mía nên dù cây trồng này đang gặp khó khăn, ông vẫn cố giữ lại đồng mía vì nhiều vùng đất chỉ phù hợp cho cây mía phát triển. Ông cũng kỳ vọng cây mía sẽ còn cơ hội tồn tại sau giai đoạn “sóng gió” này.

Nông dân trồng mía gặp khó khăn vì lợi nhuận từ cây mía thấp hơn nhiều so với các cây trồng khác.  Ảnh: B.Nguyên

Biểu đồ thể hiện sự thay đổi diện tích trồng mía đường của Đồng Nai từ năm 2012 đến giữa năm 2019. Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Khẳng định cây mía không lo vấn đề đầu ra, ông Trần Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà cho biết, doanh nghiệp cam kết sẽ thu mua hết mía cho nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ngay cả những nông dân trồng mía không ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng chính sách thu mua như nông dân ở vùng nguyên liệu do doanh nghiệp đầu tư. Niên vụ sau, doanh nghiệp sẵn sàng ký kết hợp đồng với những nông dân trồng mía ngoài vùng nguyên liệu của doanh nghiệp.

“Hiện tổng diện tích mía của Đồng Nai mới đáp ứng được khoảng 60% công suất chế biến của doanh nghiệp. Chúng tôi vẫn phải mở rộng vùng thu mua ra các tỉnh lân cận như: Long An, Lâm Đồng...” - ông Ngà nói.

Nông dân nỗ lực giữ nghề mía đường truyền thống

Trước đây, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) từng nổi tiếng là vùng trồng mía lâu đời với hàng chục lò nấu đường thủ công hoạt động. Nông dân của địa phương đã phát triển được trên 300 hécta mía cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến đường. Nhưng khi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến lớn, các lò đường dần dần đóng cửa vì không cạnh tranh được.

Tuy nhiên, vẫn có những “lão nông” gắn bó với cây mía, với nghề nấu đường truyền thống, nỗ lực thay đổi để tồn tại. Ông Huỳnh Công Minh là một chủ lò đường tại xã Bình Lợi đã gắn bó với nghề nấu đường thủ công hơn 40 năm nay. Vụ mía vừa qua, lò đường của ông vẫn đỏ lửa suốt ngày đêm, trung bình sản xuất được từ 1-2 tấn đường/ngày đêm. Để chủ động được phần nào nguồn nguyên liệu chế biến, ngoài diện tích đất trồng mía của gia đình, ông thuê thêm đất để đầu tư trồng được gần 20 hécta mía. Nhờ giỏi kinh nghiệm, năng suất mía của gia đình ông trồng luôn đạt mức cao. Ông Minh cũng đầu tư thêm nhiều máy móc để giảm chi phí nhân công, xây dựng quy trình khép kín từ ruộng mía đến khâu sản xuất để tăng hiệu quả hoạt động. Vài năm trở lại đây, lò đường của ông Minh ký được hợp đồng cung cấp đường cho một số công ty sản xuất nước giải khát, lò bánh, mứt chỉ chuộng đường truyền thống.

Ông Minh chia sẻ: “Một số công ty chế biến thực phẩm, đồ uống chỉ chuộng sử dụng đường táng làm nguyên liệu là cơ hội tốt để các lò đường truyền thống tồn tại. Sản phẩm nguyên chất, không có chất bảo quản… là thế mạnh mà lò đường thủ công của chúng tôi đang khai thác để tồn tại trong giai đoạn cạnh tranh quyết liệt hiện nay”.       

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,095,439       479