Kinh tế

Người mang thực phẩm sạch vào trường học

Anh Lã Chắn Cường vốn là giáo viên dạy thể dục ở huyện miền núi Định Quán, xuất phát từ lo lắng cho sức khỏe 2 con bị ảnh hưởng bởi các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, anh đã quyết định dấn thân vào ngành kinh doanh thực phẩm sạch cho các trường học.

Anh Lã Chắn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ thương mại Minh Cường kiểm tra vườn rau của công ty. Ảnh:L.An
Anh Lã Chắn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ thương mại Minh Cường kiểm tra vườn rau của công ty. Ảnh:L.An

Sau 3 năm lặn lội đến nhiều tỉnh, thành tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, từ một cơ sở phân phối tại nhà, đến nay, anh Cường đã phát triển hệ thống 5 chi nhánh ở các huyện và TP.Long Khánh. Ngoài ra, anh hợp tác với nhiều nông dân đầu tư vùng nguyên liệu để chủ động nguồn cung theo nhu cầu của các trường.

* Từ nỗi lo sức khỏe của con...

Anh Cường kể, năm 2015, khi được vợ “phân công” đưa đón cậu út học mầm non, chứng kiến cảnh các cô giáo đi chợ mua nào rau, nào thịt, nào cá chuẩn bị bữa trưa cho các cháu. Mỗi loại một ít bọc trong 2-3 túi ny-lông. “Nguồn gốc không rõ ràng đã đành, cách bảo quản thực phẩm như vậy cũng khó đảm bảo vệ sinh” - anh Cường kể. Và thế là ý tưởng cung ứng thực phẩm vào trường học ra đời.

Theo đánh giá của một số trường học, thầy cô và phụ huynh rất an tâm với bữa ăn của trẻ. Bởi ngoài cam kết về thực phẩm, công ty đã mua gói bảo hiểm thực phẩm cho học sinh với mức bồi thường hơn 40 tỷ đồng khi có sự cố xảy ra.

Được vợ ủng hộ, thầy giáo trẻ nhanh chóng bắt tay triển khai ý tưởng. Mất khá nhiều thời gian, anh mới tìm được đối tác uy tín cung cấp thực phẩm sạch, có nguồn gốc theo yêu cầu. Tuy nhiên, chuyện tiếp cận, thuyết phục các trường ký hợp đồng lại là vấn đề lớn. Bởi phần lớn các trường học đã có mối cung cấp thực phẩm, việc một cơ sở nhỏ, đi sau, lại chưa có kinh nghiệm như anh rất khó “chen chân” vào. Đó là chưa kể, giá cả nguyên vật liệu anh chào hàng cao hơn so với giá chợ.

“Do bản thân không khéo léo trong giao tiếp, lại thiếu kiến thức kinh doanh, tôi gặp không ít khó khăn. Tôi tự thay đổi mình bằng cách tham khảo tài liệu kinh doanh, kể cả học các khóa ngắn hạn về kinh doanh, marketing, kỹ năng mềm trên internet... Tuy nhiên, tình hình vẫn không cải thiện. Một số trường nghi ngờ tôi có động cơ “mờ ám”, có nơi lại hỏi về tỷ lệ ăn chia %, số khác thì từ chối thẳng” - anh Cường nhớ lại.

Thay vì đi thuyết phục từng trường theo cách cũ, anh Cường đem ý tưởng khởi nghiệp của mình trình bày với lãnh đạo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn nhân một lần Sở này về huyện làm việc. Ý tưởng được đánh giá cao vì góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh, hạn chế ngộ độc thực phẩm; tạo chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn trong nông nghiệp, có thêm đầu ra cho các cơ sở sản xuất sạch và tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động địa phương.

Từ đánh giá đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã đề nghị địa phương hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các trường, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi... Nhờ đó, anh Cường nhanh chóng tiếp cận được nhiều trường mầm non, các sơ sở sản xuất, giết mổ ở Định Quán và một số huyện lân cận.

* ... Đến kinh doanh thực phẩm an toàn

Những đơn hàng tăng dần, tháng 1-2017, Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ thương mại Minh Cường do anh Cường làm giám đốc chính thức được thành lập. Hiện tại, công ty đã ký hợp đồng được với 80 trường, cung cấp thực phẩm trọn gói cho hơn 100 điểm trường trên địa bàn các huyện Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Long Thành và TP.Long Khánh, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Kế hoạch sắp tới của công ty là mở rộng phân phối thực phẩm cho các trường ở TP.Biên Hòa và một số địa phương khác.

3. Một giáo viên đang kiểm tra thực phẩm nhập vào của Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ thương mại Minh Cường
Một giáo viên đang kiểm tra thực phẩm nhập vào của Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ thương mại Minh Cường. Ảnh:L.An

Để đáp ứng nguyên liệu cho kế hoạch mở rộng thị trường, theo anh Cường, bên cạnh duy trì hợp tác với các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, công ty đã có bước đi “dài hơi” hơn. Đó là đặt hàng nông dân ở các địa phương mà công ty có chi nhánh để họ làm rau theo quy trình sạch. Công ty cho ứng vốn, bao tiêu đầu ra để nông dân an tâm sản xuất sạch. Ngoài ra, công ty cũng mua gần 5 hécta đất ở Định Quán, đầu tư hệ thống nhà màng để trồng các loại rau ăn lá, củ quả.

"Việc hợp tác với nông dân và đầu tư vùng nguyên liệu cho riêng mình sẽ giúp công ty kiểm soát chất lượng, ổn định giá cả, chủ động nguồn cung theo nhu cầu của các trường" - anh Cường chia sẻ.

Giải thích về giá cả, Giám đốc Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ thương mại Minh Cường cho rằng, thực tế giá thực phẩm sạch cao hơn giá chợ, nhưng bù lại, các trường ký hợp đồng được hưởng giá ổn định trong suốt năm học, không bị phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường. Toàn bộ thực phẩm đầu vào đều được cam kết về nguồn gốc, chất lượng, độ tươi ngon, giao đúng giờ và đúng thực đơn. Công ty cũng chịu trách nhiệm hoàn toàn về độ an toàn của thực phẩm.

Có thể thấy, cách kinh doanh của thầy giáo Cường đã mở ra cơ hội cho các cơ sở sản xuất sạch thâm nhập vào bếp ăn tập thể, góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc của người dân, đem lại những bữa ăn an toàn cho nhiều học sinh.

Lê An

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,093,174       460