Kinh tế

'Thủ phủ' mới của chăn nuôi hiện đại

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi - thú y (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), huyện Xuân Lộc hiện đã "soán ngôi" huyện Thống Nhất và trở thành "thủ phủ" mới của chăn nuôi Đồng Nai với tổng đàn heo có quy mô lớn nhất tỉnh: gần 369,5 ngàn con.

TIN LIÊN QUAN
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi - thú y (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), huyện Xuân Lộc hiện đã “soán ngôi” huyện Thống Nhất và trở thành “thủ phủ” mới của chăn nuôi Đồng Nai với tổng đàn heo có quy mô lớn nhất tỉnh: gần 369,5 ngàn con.

Nuôi bò vỗ béo theo hướng công nghiệp được nhiều hộ chăn nuôi tại xã Xuân Hòa đầu tư phát triển
Nuôi bò vỗ béo theo hướng công nghiệp được nhiều hộ chăn nuôi tại xã Xuân Hòa đầu tư phát triển. Ảnh:B.Nguyên

Ngành chăn nuôi của địa phương này phát triển theo hướng chăn nuôi hiện đại và mô hình công nghiệp quy mô lớn. Huyện cũng thu hút được nhiều dự án chăn nuôi gà, đại gia súc ứng dụng công nghệ cao.

* Chăn nuôi công nghệ cao

Thu hút đầu tư chăn nuôi trang trại với quy mô công nghiệp, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao là định hướng phát triển của địa phương, góp phần làm giàu cho huyện miền núi thuần nông này.

Toàn huyện hiện có 435 trang trại chăn nuôi gồm: chăn nuôi heo, gia cầm, đại gia súc. Trong đó, chăn nuôi heo có 120 trang trại với tổng đàn gần 373 ngàn con, chiếm khoảng 82% tổng đàn heo của huyện. Đến nay, tuy toàn huyện đã tiêu hủy trên 11 ngàn con heo do bị dịch tả heo châu Phi ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chiếm khoảng 2,5% tổng đàn nhưng tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ heo tiêu hủy bình quân toàn tỉnh là 16% tổng đàn.

Điểm nổi bật của Xuân Lộc là dù có số lượng trang trại chăn nuôi lớn nhưng nhờ đầu tư công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học, đến nay, dịch tả heo châu Phi vẫn chưa tấn công được vào các trang trại chăn nuôi heo lớn tại địa phương. Đạt được kết quả này là do các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện đều được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học.

Trong đó, với tổng đàn heo nái trên 79 ngàn con, đây cũng là địa phương phát triển mạnh về sản xuất giống. Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (xã Xuân Phú) là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất con giống. Ông Phan Văn Danh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú chia sẻ: “Đơn vị sẵn sàng bỏ vốn nhập những con giống tốt nhất nhằm lai tạo ra con heo giống có nhiều ưu điểm như: tăng trưởng nhanh, tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt ngon, đặc biệt thịt heo có mỡ vắt như thịt bò Kobe. Chính vì vậy, đơn vị từng được Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) trao bằng khen là hợp tác xã sản xuất heo giống tốt nhất nước”.

Huyện Xuân Lộc cũng thu hút nhiều dự án chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực chăn nuôi gia cầm và đại gia súc. Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ sản xuất chăn nuôi Thanh Đức (xã Xuân Phú) cho biết, các khâu chăm sóc gà của trang trại đều được tự động hóa, từ việc cho gà ăn, uống nước, uống thuốc, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và lưu lượng không khí để điều chỉnh hệ thống quạt hoặc sưởi... Chính vì vậy, cả trang trại lớn chỉ cần vài công nhân vận hành hệ thống điện là có thể quán xuyến hàng chục đầu việc trong chăn nuôi một cách chuẩn xác về liều lượng, đúng giờ giấc và đảm bảo vệ sinh. Nhờ vậy, sản phẩm trứng gà cho năng suất đồng đều, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Doanh nghiệp còn đầu tư dây chuyền phân loại, đóng gói tự động; dây chuyền sản xuất phân hữu cơ organic từ nguồn chất thải chăn nuôi; dây chuyền chế biến để sản xuất ra các dòng sản phẩm bột trứng, trứng ăn liền với mục tiêu tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi” - ông Đức cho biết thêm.

Trang trại tổng hợp Nguyễn Văn Cảnh (xã Xuân Hòa) có quy mô nuôi hàng trăm con bò thịt theo hình thức nhập bò Úc về nuôi vỗ với quy mô công nghiệp. Trang trại còn đầu tư lò giết mổ, phân phối. Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ trang trại này cho biết: “Từ nuôi bò cỏ truyền thống, tôi chuyển sang mô hình mua bò nội địa và nhập thêm bò Úc về vỗ béo, giết mổ. Làm theo chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao này cho lợi nhuận hơn hẳn so với cách nuôi truyền thống”.

* Phát triển bền vững

Xuân Lộc có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh, địa hình lại trải dài theo quốc lộ 1 nên việc vận chuyển heo rất phức tạp, gây rủi ro lớn trong việc lây lan dịch tả heo châu Phi. Nhưng nhờ cả chủ trang trại và chính quyền địa phương đều vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch nên không để dịch lây lan nhanh, đặc biệt là chưa tấn công vào trang trại lớn. Do đó, trong 9 tháng của năm, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện vẫn đạt gần 2,3 ngàn tỷ đồng, tăng trên 4% so với cùng kỳ.

Đàn heo giống chất lượng cao của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (xã Xuân Phú). Ảnh: B.Nguyên
Đàn heo giống chất lượng cao của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (xã Xuân Phú). Ảnh: B.Nguyên

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Trần Văn Quang đánh giá, dù dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh, tấn công vào nhiều trang trại lớn tại nhiều địa phương của tỉnh. Tuy nhiên, Xuân Lộc dù có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh nhưng vẫn bảo vệ được khu chăn nuôi trang trại. “Có được kết quả này là do các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi của huyện được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học; đa số sản phẩm chăn nuôi đều vào chuỗi liên kết có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm” - ông Quang nói. 

Ngoài bảo vệ, phát triển đàn heo trong cơn bão dịch tả heo châu Phi, địa phương này còn khuyến khích phát triển các ngành chăn nuôi khác tùy vào lợi thế của từng địa phương.

Theo ông Thái Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hòa: “Nuôi bò vỗ béo có hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với mô hình nuôi bò đẻ. Nhiều hộ chăn nuôi đang chuyển hướng theo mô hình này vì nó phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Xã đang vận động bà con thành lập tổ hợp tác chăn nuôi để cùng nhau nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả này”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,093,506       367