Trước tình trạng một số khách hàng bị mất cắp thông tin tài khoản ngân hàng, bị lừa đảo chuyển tiền… trong thời gian qua, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo khuyến cáo: "Hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, các hình thức lừa đảo, tội phạm công nghệ cao cũng có xu hướng gia tăng cả về số lượng và hình thức".
Trước tình trạng một số khách hàng bị mất cắp thông tin tài khoản ngân hàng, bị lừa đảo chuyển tiền… trong thời gian qua, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo khuyến cáo: “Hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ ngân hàng hiện đại, các hình thức lừa đảo, tội phạm công nghệ cao cũng có xu hướng gia tăng cả về số lượng và hình thức”.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai. Ảnh: K. Liễu |
Do vậy, khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng, khách hàng nghi ngờ có hành vi lừa đảo có thể nhanh chóng liên hệ và phối hợp với ngân hàng để kịp thời xử lý.
* Hiện nay, các đối tượng tội phạm thường sử dụng phương thức nào để đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản (thẻ) ngân hàng của khách hàng, thưa ông?
- Ghi nhận thực tế cho thấy, kẻ gian thường sử dụng một số thủ đoạn lừa đảo như mạo danh nhân viên ngân hàng, hoặc nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng (đặc biệt là các dịch vụ ví điện tử) yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ.
Kẻ gian thông báo với khách hàng khi đăng ký các dịch vụ ngân hàng sẽ được hưởng khuyến mại. Khách hàng thực hiện đăng ký dịch vụ kết nối tài khoản ngân hàng với ví điện tử lại vô tình cung cấp các thông tin dịch vụ cho đối tượng lừa đảo.
Khi khách hàng sử dụng ví điện tử đăng tải câu hỏi lên website/fanpage của nhà cung cấp, kẻ gian sẽ mạo danh nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ liên hệ với khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. Sau đó, kẻ gian yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin các dịch vụ ngân hàng như là một bước để khắc phục lỗi dịch vụ.
Các đối tượng lừa đảo cũng có thể mạo danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu, rửa tiền, mua bán ma túy và yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng hoặc cài đặt dịch vụ theo yêu cầu của chúng.
Bọn tội phạm còn mạo danh là người thân, người mua hàng cho biết sẽ chuyển tiền cho khách hàng và gửi đường link giả yêu cầu khách hàng xác nhận thông tin về tên truy cập, mật khẩu, mã xác thực giao dịch một lần (OTP)...
Ngoài ra, khi khách hàng làm thủ tục vay tiền trên mạng, kẻ gian yêu cầu cung cấp một số thông tin liên quan đến dịch vụ ngân hàng để hoàn tất thủ tục vay…
Trong những trường hợp nêu trên, nếu khách hàng xác nhận các thông tin về tên truy cập, mật khẩu truy cập, mã OTP... cũng đồng nghĩa với việc cung cấp những thông tin này cho đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của mình.
* Để đảm bảo tài khoản ngân hàng không bị mất trộm, NHNN đã khuyến cáo người dân thực hiện các nguyên tắc bảo mật nào?
- Một trong những vấn đề mà chúng tôi thường khuyến cáo khách hàng là phải luôn giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu truy cập, OTP) và thông tin thẻ (số thẻ, mã PIN, ngày hết hạn, mã CVV, mã CVC). Tuyệt đối không cung cấp các thông tin này cho bất kỳ ai, thông qua bất kỳ phương thức giao tiếp nào (email, tin nhắn, trao đổi miệng...).
Các máy ATM cần được trang bị thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ. Trong ảnh: Khách hàng thực hiện giao dịch rút tiền tại trụ ATM trên đường Hà Huy Giáp (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: K. Liễu |
Kế đến là không nên lưu thông tin bảo mật ngân hàng điện tử và thông tin thẻ trên các thiết bị điện tử, các website... Hạn chế truy cập tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch tài chính trên các thiết bị lạ. Nhiều người có thói quen dùng Wi-Fi miễn phí tại một số địa điểm công cộng, như thế rất dễ bị kẻ gian đánh cắp thông tin.
Trường hợp có người đề nghị khách hàng thực hiện giao dịch tài chính thì phải xác thực thông tin trước khi thực hiện. Bởi các đối tượng lừa đảo thường mạo danh người quen của khách hàng (do đối tượng lừa đảo đã tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội hoặc nguồn thông tin khác), gợi ý khách hàng cho vay hoặc chuyển tiền tới tài khoản của đối tượng lừa đảo.
Song song đó, cần kiểm tra thông tin được sử dụng để thực hiện giao dịch; chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao và kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật.
* NHNN có giải pháp gì yêu cầu các ngân hàng siết chặt đảm bảo an ninh mạng và bảo mật thông tin khách hàng, thưa ông?
- Nhằm mục đích nâng cao cảnh giác với các hình thức lừa đảo, ngoài việc chỉ đạo các ngân hàng tuyên truyền khuyến cáo khách hàng các phương thức lừa đảo mà tội phạm đang sử dụng, NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai thường tổ chức các đoàn giám sát đột xuất tại các điểm đặt trụ ATM về việc thực hiện Thông tư 36/2012 của NHNN Việt Nam quy định về trang bị quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của các máy giao dịch tự động như: trang bị camera giám sát và thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ cho các máy ATM; có biện pháp bảo mật, tránh để lộ hoặc sao chép mã PIN khi khách hàng nhập mã PIN tại các máy ATM…
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hiện đang tiến hành việc đổi thẻ ATM cho khách hàng từ thẻ từ sang thẻ có gắn chíp để gia tăng tính bảo mật. Việc này dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2022 sẽ hoàn tất.
Hiện tại, trên các máy ATM đều có ghi số điện thoại đường dây nóng của trung tâm hỗ trợ khách hàng của ngân hàng cung cấp dịch vụ và số của NHNN. Do vậy, khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, người dân cần liên hệ ngay hoặc tìm đến các điểm giao dịch gần nhất của ngân hàng phát hành thẻ để được hỗ trợ.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)