Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) được chia làm 3 giai đoạn. Theo đó, sau khi hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng cho 5 ngàn hécta nằm trong diện tích đất dự án sẽ tiến hành xây dựng giai đoạn 1 (1.810 hécta), riêng những phần còn lại chưa xây dựng sẽ có phương án khai thác ngắn hạn.
TIN LIÊN QUAN
Đối với đất trồng cây cao su của các nông trường, tỉnh sẽ nhận bàn giao đất và lập phương án cho thuê đất hằng năm để các nông trường tiếp tục khai thác vườn cây ở những khu vực chưa xây dựng sân bay. Ảnh chụp tại Nông trường cao su Long Thành. Ảnh:V.Nam |
Đến nay, dự án đã xác định được nhu cầu về diện tích mặt bằng cụ thể sử dụng cho giai đoạn 1. Đơn vị tư vấn cũng tính toán cả diện tích cần sử dụng cho giai đoạn 2 để dự trữ nguồn đất san lấp mặt bằng cho phù hợp.
* Sử dụng mặt bằng của giai đoạn 2 để chứa đất
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, nhu cầu diện tích đất dành cho giai đoạn 1 trong khâu xây dựng Sân bay Long Thành (từ năm 2020-2025) là 1.810 hécta.
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 21-3-2016 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy định quản lý, khai thác sử dụng đất được cấp có thẩm quyền thu hồi giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý trên địa bàn tỉnh, đối với diện tích đã giải phóng mặt bằng Sân bay Long Thành nhưng chưa thi công xây dựng, UBND tỉnh xác định đơn giá cho thuê thông qua đấu giá quyền thuê đất tại thời điểm đấu giá. Kinh phí thu hồi được từ cho thuê đất được hoàn trả ngân sách Trung ương theo Nghị quyết 53/2017/QH14. |
Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, trong quá trình san lấp mặt bằng cho giai đoạn 1, ngoài việc bóc lớp đất bùn bề mặt đưa đi đổ tại một số điểm quy định thì vẫn còn một khối lượng lớn đất cần phải đào đi để san lấp mặt bằng. Khối lượng đất cần phải đào đi trong giai đoạn 1 khoảng 27 triệu m3, số đất này sẽ tái sử dụng cho việc san lấp mặt bằng giai đoạn 2. Như vậy, để dự trữ đất cho san lấp mặt bằng lâu dài, đơn vị tư vấn đã đề xuất dùng 750 hécta mặt bằng thuộc giai đoạn 2 để chứa đất. Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV cho biết: “Đơn vị tư vấn đã tính toán rất kỹ, nếu số đất đào đi ở giai đoạn 1 phải đưa đến đổ ở nơi khác thì khi xây dựng giai đoạn 2 lại chở đất từ nơi khác về để san lấp mặt bằng sẽ rất tốn kém. Phương án tận dụng ngay phần mặt bằng của giai đoạn 2 để chứa đất là hợp lý và tiết kiệm chi phí nhất”.
Ông Thanh cũng cho hay, giai đoạn 1 của Sân bay Long Thành chưa xây dựng xong đã phải tính toán đến giai đoạn 2 để vừa hoàn tất giai đoạn 1 là bắt tay ngay vào xây dựng giai đoạn 2 mới đảm bảo tiến độ xây dựng và khai thác.
Một số chuyên gia tính toán, với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay và mức tăng trưởng của ngành hàng không thì Sân bay Long Thành có thể ở vào tình trạng “chưa xây xong đã kẹt”. Không chỉ vậy, các chuyên gia ngành hàng không cũng cho rằng, Sân bay Long Thành nếu có “tham vọng” trở thành sân bay trung chuyển thì trong trường hợp giai đoạn 1, sân bay chỉ được xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách có công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm thì ngay lập tức sẽ không thể cạnh tranh được. Đây cũng là lý do mà ACV cho rằng phải tính toán triển khai ngay giai đoạn 2.
* Mặt bằng còn lại cho thuê
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi giải phóng mặt bằng được Chính phủ phê duyệt thì phần đất khi chưa sử dụng đến sẽ được tính toán để cho thuê.
Cụ thể, hơn 2.500 hécta đất sẽ được sử dụng ngay trong giai đoạn 1 (trong đó 1.810 hécta xây dựng sân bay và hơn 750 hécta dùng để chứa đất san lấp mặt bằng) và phần đất còn lại hơn 2.400 hécta.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc điều tra, khảo sát chi tiết để xác định cụ thể các đối tượng, quy mô sản xuất nông nghiệp theo từng nhóm đối tượng sử dụng. Giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên - môi trường lập phương án quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng và theo dõi, kiểm tra việc sử dụng đất ngắn hạn đúng mục đích theo kế hoạch khai thác. UBND huyện Long Thành có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường quản lý chặt chẽ diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng và xử lý các trường hợp vi phạm, không để tình trạng lấn chiếm và sử dụng sai mục đích. |
Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, trong báo cáo nghiên cứu khả thi cũng nêu rõ, sau khi đền bù xong cho các tổ chức, cá nhân trong vùng dự án thì UBND tỉnh Đồng Nai sẽ quản lý phần đất này và giao cho chủ đầu tư theo tiến độ từng giai đoạn. Đối với diện tích đất của giai đoạn 2 và giai đoạn 3 sẽ cho thuê để các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất nông nghiệp (trồng cây hằng năm) theo kế hoạch của từng giai đoạn. Nguồn kinh phí thu được từ cho thuê đất sẽ hạch toán vào ngân sách theo quy định.
Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành cho hay, việc cho thuê đất ở đây có những ràng buộc nhất định. Đối tượng sử dụng là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có nhu cầu thuê đất sản xuất nông nghiệp phải sử dụng lao động thuộc diện bị thu hồi đất có nhu cầu việc làm, đồng thời phải cam kết thực hiện đúng yêu cầu theo phương án thuê mặt bằng được duyệt và giao trả mặt bằng theo yêu cầu của tiến độ. Việc thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân sẽ được ưu tiên cho những người bị ảnh hưởng trong vùng dự án. Theo khảo sát của cơ quan chuyên môn, cây trồng hàng năm ở đây phù hợp với các loại hoa màu như: bắp, đậu, mì, rau và cỏ cho chăn nuôi bò.
Riêng đối với đất trồng cây cao su của các nông trường, tỉnh sẽ nhận bàn giao đất và lập phương án cho thuê đất hằng năm để các nông trường tiếp tục khai thác vườn cây. Trong trường hợp các nông trường không có nhu cầu thuê lại thì tiến hành thanh lý cây cao su và tỉnh xây dựng kế hoạch khai thác đất ngắn hạn.
Ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh cho rằng, phương án cho thuê đất ngắn hạn là đúng với quy định, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho người dân và tổ chức có thể thuê đất sản xuất, tránh để hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất. Việc cho thuê đất ngắn hạn còn tạo điều kiện cho các lao động thuần nông có việc làm trong giai đoạn chưa triển khai sân bay.
Vân Nam