Kinh tế

Thực hiện nhanh, đúng trong chi hỗ trợ dịch tả heo châu Phi

Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 4.480 hộ có đàn heo bị dịch tả heo châu Phi (ASF) với trên 391 ngàn con bị tiêu hủy; có 1.351 hộ chăn nuôi bị thiệt hại đã được nhận hỗ trợ với tổng số tiền gần 202 tỷ đồng. Hàng ngàn hộ chăn nuôi còn lại trên địa bàn tỉnh vẫn đang chờ tiền hỗ trợ.

Ông Trương Bạch Phi Long (áo thun), chủ trại chăn nuôi tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) tham gia cân heo bị dịch tả heo châu Phi trước khi đưa đi tiêu hủy
Ông Trương Bạch Phi Long (áo thun), chủ trại chăn nuôi tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) tham gia cân heo bị dịch tả heo châu Phi trước khi đưa đi tiêu hủy. Ảnh: B.Nguyên

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, UBND tỉnh đã duyệt chi 800 tỷ đồng đảm bảo cho các địa phương có nguồn kinh phí chi hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại vì dịch ASF.  Các địa phương phải quy trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân trong việc chi trả hỗ trợ, những trường hợp chậm trễ sẽ bị xử phạt, thậm chí kỷ luật để làm gương.

* Người nuôi chờ hỗ trợ

Theo tính toán của các địa phương, đến nay cần trên 600 tỷ đồng hỗ trợ cho 4.480 hộ chăn nuôi bị thiệt do dịch ASF. Sau gần 5 tháng xảy ra dịch ASF trên địa bàn tỉnh nhưng hàng ngàn hộ chăn nuôi vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ. Việc một số địa phương chậm trễ trong thực hiện chi trả tiền hỗ trợ gây rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.

Nguyên nhân của việc chậm chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi chủ yếu do vướng mắc về hồ sơ, thủ tục. Trong đó cũng có nguyên nhân do chính quyền cấp xã làm không đúng, không đủ hồ sơ phải bổ sung lại hoặc chưa thực hiện rốt ráo nhiệm vụ này.

Ông Khúc Văn Ngà, hộ chăn nuôi tại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) chia sẻ: “Nguồn thu nhập chính của gia đình tôi đều dựa vào đàn heo. Giờ cả đàn nái và heo thịt đều bị tiêu hủy vì dịch ASF nên đành bỏ chuồng trống, vợ chồng tôi chưa biết chuyển đổi sang nghề gì để kiếm sống. Gia đình tôi chỉ mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để trang trải bớt phần nào nợ nần”.

Gia đình bà Trần Thị Kim Tuyết, hộ chăn nuôi tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) cũng đang rơi vào cảnh nợ nần vì mất đàn heo do dịch ASF. Hai năm trước, gia đình bà mới đầu tư mở rộng trại nuôi lên quy mô hơn 100 con nái và vài trăm con heo thịt. Đợt heo rớt giá vào năm 2018, gia đình bà đã phải đi vay nợ khi gầy lứa heo mới, giờ lại trắng tay vì đàn nái bị dịch ASF phải tiêu hủy. “Giờ tôi không dám nghe điện thoại của đại lý cám vì không có tiền trả nợ. Vợ chồng tôi đều lớn tuổi nên cũng chưa biết làm gì kiếm sống, chỉ mong sớm được nhận tiền hỗ trợ để bớt phần nào khó khăn” - bà Tuyết nói.

Huyện Long Thành đang đứng tốp đầu trong việc chậm chi trả tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi. Toàn huyện đã tổ chức tiêu hủy trên 72 ngàn con heo của 795 hộ chăn nuôi với số tiền gần 144 tỷ đồng. Huyện cũng đã được tạm ứng 150 tỷ đồng nên đủ nguồn kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại. Nhưng đến nay, mới chỉ có 16 hộ được lập hồ sơ nhận tiền hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Ngọc Vinh, Phó phòng Kinh tế huyện Long Thành, công tác chi hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại còn chậm, chủ yếu vì vướng mắc về quy trình, thủ tục hồ sơ. Trong đó có nguyên nhân một số xã trong quá trình lập thủ tục, hồ sơ không đúng quy định nên mất thời gian chỉnh sửa, thẩm định.

* Nhanh, và phải đúng quy định

Khi phát hiện các triệu chứng lâm sàng heo bị dịch ASF, ông Trương Bạch Phi Long, chủ trại chăn nuôi tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) báo ngay cho chính quyền địa phương. Cơ quan chức năng đã về thống kê tổng đàn của trại, lấy mẫu xét nghiệm dịch ASF và khi có kết quả dương tính với dịch này đã tổ chức đoàn về tiêu hủy heo. Theo ông Long: “Quy trình kiểm tra dịch bệnh và tổ chức tiêu hủy heo dịch được chính quyền địa phương thực hiện rốt ráo. Chúng tôi rất yên tâm khi được minh bạch mọi thông tin về hồ sơ, thủ tục, tiền hỗ trợ được chuyển vào tài khoản của người chăn nuôi”.

Ông Trương Bạch Phi Long (áo thun), chủ trại chăn nuôi tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) tham gia cân heo bị dịch tả heo châu Phi trước khi đưa đi tiêu hủy
Ông Trương Bạch Phi Long (áo thun), chủ trại chăn nuôi tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) tham gia cân heo bị dịch tả heo châu Phi trước khi đưa đi tiêu hủy. Ảnh: B.Nguyên

Thống Nhất là huyện có tổng lượng heo tiêu hủy lớn nhất tỉnh với 88 ngàn con, được chi trên 105 tỷ đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi. Đến nay, huyện đã chi trả được gần 66 tỷ đồng cho 422 hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Các trường hợp còn lại đều đã hoàn tất hồ sơ để sớm chi trả cho người chăn nuôi.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện nhanh việc hỗ trợ cho người chăn nuôi, ông Vũ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) cho biết: “Tuy là xã có số heo tiêu hủy do dịch ASF thuộc tốp đầu của huyện nhưng đến nay, 50% số hộ chăn nuôi bị thiệt hại đã được nhận tiền hỗ trợ và dự kiến đến cuối tháng 9, chúng tôi sẽ giải quyết những trường hợp còn lại. Tuy nỗ lực thực hiện nhanh việc chi trả nhưng mỗi điểm tiêu hủy, địa phương đều tổ chức đoàn giám sát với đầy đủ các thành phần gồm HĐND, UBND, MTTQ... nhằm đảm bảo tính minh bạch cũng như đúng về quy trình, thủ tục chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi”.

Tính đến nay, 59 hộ chăn nuôi của TP.Biên Hòa bị thiệt hại do dịch ASF đã được nhận gần 11/15 tỷ đồng tiền hỗ trợ, dự kiến trong tháng 9, 100% hộ chăn nuôi bị thiệt hại sẽ được nhận hỗ trợ. Bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết: “Thành phố thành lập riêng Tổ thẩm định hồ sơ dịch tả. Theo đó, hồ sơ, thủ tục hỗ trợ dịch tả được đẩy nhanh nhưng vẫn đảm bảo đúng quy trình”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, Sở Tài chính cùng các sở, ngành liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra ở từng địa phương để kịp thời hướng dẫn, đảm bảo làm đúng, chặt chẽ về mặt quy định, hồ sơ, thủ tục chi trả.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,098,561       680