Kinh tế

Nhiều khách hàng ĐồngNai làm đơn tố cáo

Đến ngày 24-9, đã có 263 khách hàng mua phải đất nền dự án "ma" của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh) đến Công an Đồng Nai khai báo thông tin. Trong đó, có gần 20 khách hàng đã làm đơn tố cáo Alibaba lừa đảo.

Đến ngày 24-9, đã có 263 khách hàng mua phải đất nền dự án “ma” của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh) đến Công an Đồng Nai khai báo thông tin. Trong đó, có gần 20 khách hàng đã làm đơn tố cáo Alibaba lừa đảo.

Những dự án của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại huyện Long Thành chỉ là những khu đất nông nghiệp do cá nhân đứng tên. Trong ảnh: “Dự án ma” của Alibaba tại xã Long Phước, huyện Long Thành
Những dự án của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại huyện Long Thành chỉ là những khu đất nông nghiệp do cá nhân đứng tên. Trong ảnh: “Dự án ma” của Alibaba tại xã Long Phước, huyện Long Thành. Ảnh: K.Minh

Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh đã phân công một tổ công tác riêng để tiếp nhận đơn tố cáo của người dân về việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba lừa người dân mua phải đất nền “ảo”. Đồng thời, tổ này hướng dẫn những nạn nhân của Alibaba kê khai thiệt hại và cung cấp các hợp đồng, hóa đơn liên quan đến việc mua phải đất nền dự án “ma”

* Nhiều người trắng tay

Những khách hàng đến PC03 tố cáo Alibaba đều trong tâm trạng lo lắng, thất thần vì số tiền lớn đã đem đầu tư mua phải đất nền dự án khống, có nguy cơ mất trắng. Sau sự việc Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Lĩnh và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện bị bắt vào ngày 18-9-2019, nhiều khách hàng của Alibaba vẫn còn bàng hoàng chưa dám tin số tiền từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng của mình khó có khả năng đòi lại.

Đến ngày 24-9, Bộ Công an đã mời tổng giám đốc, giám đốc của gần 20 công ty con của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đến làm việc. Hầu hết những văn phòng của Alibaba và trụ sở các công ty con thuộc Alibaba tại Đồng Nai đều đã bị công an khám xét thu thập hồ sơ để phụcvụ cho công tác điều tra.

Ông N.V.T. ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) kể, cách đây hơn 1 năm, nhân viên của Alibaba nhiều lần gọi điện thoại tư vấn, mời gọi đầu tư, ông đã đem hơn 400 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình đầu tư mua một nền đất của công ty này. Theo hợp đồng, khi chưa có đất giao cho khách, Alibaba sẽ trả lãi suất 2%/tháng. Nửa năm đầu, Alibaba trả tiền lãi khá đúng hẹn, sau đó kéo dài không trả, ông đến công ty để đòi lại tiền gốc nhưng trong khi Alibaba vẫn nhùng nhằng chưa trả thì xảy ra vụ việc Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT của công ty bị bắt. “Trước đây, tôi tự ý mang tiền đi đầu tư nên giờ đang rất lo lắng không biết nói sao với vợ con. Đây là số tiền của hai vợ chồng dành dụm cả hơn 10 năm mới có được” - ông N.V.T. nói.

Tương tự, bà H.T.P. ở phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Cuối năm 2018, tôi đầu tư 600 triệu đồng mua 2 nền đất tại dự án Alibaba Long Phước 16. Vừa qua nghe thông tin Alibaba không hề có dự án thực sự, tôi đến công ty đòi lại tiền vốn và lãi nhưng họ khất lần chưa trả. Hiện tôi đã làm đơn gửi PC03, tố cáo Alibaba và hy vọng cơ quan pháp luật sẽ thu hồi lại số tiền đã bị Alibaba lừa đảo chiếm đoạt”.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều khách hàng vẫn “bán tín, bán nghi” tin vào lời của nhân viên Công ty cổ phần địa ốc Alibaba là nếu tố cáo công ty này lừa đảo thì sẽ không lấy lại được số tiền đã đầu tư. Đây cũng là lý do mà hơn 600 khách hàng Đồng Nai là nạn nhân mua phải dự án “ảo” của Alibaba vẫn còn lưỡng lự chưa đến cơ quan công an tố cáo.

* Không tố cáo sẽ mất quyền lợi

Đại tá Nguyễn Văn Thăng, Trưởng PC03 khẳng định, khách hàng mua phải đất nền dự án “ma” của Alibaba nếu không đến tố cáo sẽ mất quyền lợi của mình. Sau này, nếu các cơ quan chức năng có thu hồi tài sản của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và xem xét trả lại các nạn nhân thì những người không khai báo sẽ không được chi trả. “Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã bị bắt vì hành vi lừa đảo, các tài khoản của công ty này đã bị Bộ Công an phong tỏa nên các khách hàng của Alibaba hy vọng lãnh đạo công ty sẽ trả lại số tiền đã đầu tư là điều không thể” - Đại tá Thăng nhấn mạnh.

Hiện Công an tỉnh vẫn tiếp tục kêu gọi các nạn nhân của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba nên tiếp tục đến trụ sở của PC03 (số 1034, đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) để tố cáo. Việc này sẽ giúp cho cơ quan công an sớm hoàn thành việc điều tra làm rõ những vi phạm của Alibaba để có hướng xử lý.

Bộ Công an cũng đã giao cho Công an TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận điều tra thiệt hại của những khách hàng bị Alibaba lừa mua đất nền các dự án “ma”, cũng như điều tra hành vi lừa đảo của Alibaba thông qua các công ty con, chi nhánh.

Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công an và Công an tỉnh khám xét các văn phòng, chi nhánh của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba trên địa bàn huyện. Mục đích là thu thập các tài liệu hỗ trợ cho công tác điều tra làm rõ vi phạm của Alibaba để xử lý”.

* 8 công ty con của Alibaba bị khám xét

Theo Công an tỉnh, ngoài việc thành lập 6 chi nhánh và văn phòng tại Đồng Nai (huyện Long Thành 3 điểm và TP.Biên Hòa 3 điểm) để “dụ” khách hàng, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba còn thành lập 8 công ty con tại Đồng Nai để lừa bán đất nền các dự án “ma” trên địa bàn tỉnh.

Những công ty con này gồm: Công ty cổ phần địa ốc Chiến Binh Thép, Công ty cổ phần bất động sản Big Bang, Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp, Công ty cổ phần bất động sản địa ốc Ali Land, Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Capital, Công ty cổ phần Ali Xanh, Công ty cổ phần địa ốc và đầu tư phát triển 108 (7 công ty này có trụ sở chính tại ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành) và Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Ali (có trụ sở ở ấp 3, xã Phước Thái (huyện Long Thành).

Thông tin từ Bộ Công an, đến thời điểm này đã xác định được Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã bán 40 dự án “ma” tại 4 tỉnh, thành phố là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, Đồng Nai là nơi mà Alibaba rao bán nhiều dự án “ma” nhất với 29 dự án (huyện Long Thành 27 dự án, huyện Xuân Lộc 1 dự án và huyện Nhơn Trạch 1 dự án). Những vị trí Alibaba rao có dự án đều là những khu đất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông... do cá nhân và hộ gia đình đứng tên. Ngoài việc thành lập các công ty con tại Đồng Nai, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba còn thành lập 12 công ty con ở những tỉnh, thành khác để lừa khách hàng.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết: “Đến thời điểm này, UBND tỉnh chưa cấp phép bất kỳ một dự án khu dân cư nào cho Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại Đồng Nai”

Đồng thời, chỉ trong vòng 4 tháng Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã thành lập 3 văn phòng trái phép tại TP.Biên Hòa và đều đã bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ bảng quảng cáo. Tuy nhiên, Alibaba vẫn cố tình “né” bằng cách văn phòng nào bị lập biên bản xử lý sẽ tiến hành đóng cửa và ngang nhiên khai trương tiếp văn phòng khác.

Tiếp tục mở rộng điều tra về Alibaba

Theo Bộ Công an, đến nay đã có hơn 6.700 khách hàng mua đất nền của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và số tiền đưa cho công ty này là hơn 2.560 tỷ đồng. Riêng Đồng Nai có hơn 600 khách hàng mua đất của Alibaba, số tiền có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai, có nhiều khách hàng mua đất của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba thông qua các công ty con của công ty này như: Công ty cổ phần địa ốc Chiến Binh Thép, Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp...

Trên nhiều hợp đồng của khách hàng ký kết mua đất của các công ty con của Alibaba nhưng hóa đơn thu tiền là của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Nhiều khách hàng của Alibaba tại Đồng Nai cho biết, cách đây khoảng 3-4 tuần, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã thu hồi hợp đồng và chỉ giao cho khách hàng biên bản thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã chụp hình và photo lại hợp đồng đã ký kết với Alibaba và các công ty con.

Khánh Minh

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,099,411       948