Để tồn tại, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn lại vẫn đang nỗ lực bảo vệ đàn heo trước dịch tả heo châu Phi (ASF) bằng cách áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
Trang trại heo VietGAHP tại huyện Thống Nhất vẫn giữ được đàn nhờ thực hiện tốt an toàn sinh học. Ảnh: B.Nguyên |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Đảm bảo an toàn sinh học
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, UBND tỉnh sẽ có văn bản gửi ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện sớm việc khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho người chăn nuôi vay vốn để tái sản xuất. Mục tiêu chính của các địa phương cần làm hiện nay là phải giữ được những vùng chăn nuôi trọng điểm nơi có tổng đàn lớn chưa bị dịch ASF tấn công. |
Chăn nuôi heo vẫn an toàn trong cơn bão dịch ASF nếu người chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học đã được nhiều hộ chăn nuôi chứng minh bằng thực tế.
Có thể nói, huyện Vĩnh Cửu là một trong những tâm điểm của dịch ASF tại Đồng Nai khi tổng đàn heo của huyện hiện chỉ còn khoảng 140 ngàn con nhưng có trên 68 ngàn con heo bị tiêu hủy vì dịch ASF. Nhưng ngay cả khi bị “bủa vây” trong vùng dịch, nhiều hộ chăn nuôi vẫn bảo vệ được đàn heo nhờ thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học.
Ông Phạm Văn Đạo, chủ trại heo tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Tuy tổng đàn của tôi chỉ vài trăm con heo nhưng tôi vẫn đầu tư chăn nuôi theo mô hình trại lạnh khép kín. Tuần tới, tôi sẽ nhập lứa heo hậu bị mới. Tôi không ngại tăng đàn trong giai đoạn dịch ASF vẫn đang lan rộng vì tự tin vào quy trình “không kẽ hở” trong kiểm soát an toàn sinh học của trại nuôi”.
Theo ông Đạo, quy trình kiểm soát nguy cơ lây lan dịch ASF phải đảm bảo ngoại bất nhập từ người, loài vật, thức ăn, tinh heo, xe vận chuyển... Trong đó, chính những chi tiết nhỏ tưởng như vô hại cũng phải kiểm soát như lọ thuốc thú y đưa vào trại cũng phải được sát trùng kỹ để ngăn mọi nguy cơ mầm bệnh lây lan.
Cùng quan điểm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang khẳng định, qua khảo sát tại các trại ở nhiều địa phương, nhiều trại nằm ngay trong vùng dịch ASF vẫn an toàn nhờ thực hiện nghiêm túc các giải pháp an toàn sinh học”. Kinh nghiệm các chủ trại này chia sẻ là họ thực hiện nghiêm việc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” như: giăng lưới không để một con ruồi, con muỗi vào trại; nguồn thức ăn cho người bên trong trại từ rau đến cá, thịt đều được kiểm soát kỹ, thậm chí đều được nấu chín trước khi đưa vào bên trong; thực hiện việc sát trùng, tiêu độc mọi vật dụng trước khi đưa vào trại...
“Những hộ chăn nuôi của Đồng Nai hiện đã có rất nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch ASF, hoạt động chăn nuôi cũng bài bản, chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, chỉ những khu vực, nơi đủ điều kiện vệ vệ sinh an toàn sinh học thì mới khuyến khích tái đàn, nếu không đáp ứng thì kiên quyết không cho tái đàn” - ông Quang nhấn mạnh.
* Hỗ trợ người chăn nuôi
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết, hầu hết các hộ chăn nuôi heo hiện nay đều còn nợ ngân hàng do bị thua lỗ từ đợt giá heo thấp vào năm 2018 và ngay sau đó là dịch ASF tấn công ồ ạt.
“Nuôi heo là nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ gia đình; đa số họ đều ở tuổi trung niên nên rất khó chuyển đổi sang nghề nghiệp khác. Chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ thiết thực để người chăn nuôi thoát cảnh khốn khó” - ông Đoán nói.
Về làm việc tại Đồng Nai vào cuối tháng 8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến gợi ý cho địa phương, dự báo giá heo hơi tăng cao trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở vì nguồn cung ứng heo tại Việt Nam và các nước lân cận, nhất là Trung Quốc đang giảm mạnh.
Đón đầu cơ hội này, một số tỉnh đã thực hiện rất tốt mô hình chăn nuôi sạch, chăn nuôi an toàn sinh học và đạt hiệu quả cao. Điều này khẳng định nếu làm tốt an toàn sinh học thì vẫn có thể phát triển sản xuất, đảm bảo sản lượng thịt heo cung cấp cho thị trường cuối năm. Đồng Nai hoàn toàn ứng dụng được vì tỉnh có tính chuyên nghiệp cao, giàu kinh nghiệm chăn nuôi.
Lê Quyên