Kinh tế

Không nên gượng ép

Phát triển 1 triệu doanh nghiệp Việt là mục tiêu mà Chính phủ đặt ra vào năm 2020, nhiệm vụ đó khó hoàn thành khi đến nay cả nước mới đạt trên 700 ngàn doanh nghiệp.

Để chuyển đổi lên doanh nghiệp cần có sự tự nguyện từ các hộ kinh doanh cá thể. Trong ảnh: Sản xuất ống hút tre tại Cơ sở Việt Bắc, nhờ hoạt động tốt, chủ cơ sở này đang xúc tiến để chuyển đổi thành doanh nghiệp
Để chuyển đổi lên doanh nghiệp cần có sự tự nguyện từ các hộ kinh doanh cá thể. Trong ảnh: Sản xuất ống hút tre tại Cơ sở Việt Bắc, nhờ hoạt động tốt, chủ cơ sở này đang xúc tiến để chuyển đổi thành doanh nghiệp. Ảnh:V.Gia

Tỉnh Đồng Nai cũng đặt mục tiêu đạt 30 ngàn doanh nghiệp vào năm 2020. Một trong những giải pháp được tính tới là thúc đẩy hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, công việc này không dễ thực hiện và đòi hỏi một hành lang pháp lý cũng như hỗ trợ nhiều hơn từ Nhà nước.

* Chỉ chuyển đổi lên doanh nghiệp khi cần

Không ép buộc hộ kinh doanh phải thành doanh nghiệp

Đó là quan điểm được nêu tại tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được bàn luận tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khai mạc ngày 9-9). Thay vì giao hoàn toàn cho Chính phủ quy định về hộ kinh doanh như hiện nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp đã bổ sung một chương về hộ kinh doanh.

Dự thảo luật thừa nhận sự tồn tại của "hộ kinh doanh" là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần. Những hạn chế của quy định hiện hành như không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự, quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp quận, huyện; hộ kinh doanh chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện... đã được bãi bỏ.

Cơ sở sản xuất ống hút tre Việt Bắc (phường Trảng Dài) của anh Nguyễn Quốc Thành thành lập cách đây 5 năm, xuất phát điểm ban đầu chỉ là cơ sở nhỏ chuyên về sản xuất sáo trúc. Cuối năm 2018, khi xu hướng sử dụng ống hút tre thân thiện môi trường từ các nước châu Âu bắt đầu lan vào Việt Nam thì anh Thành nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đi theo hướng sản xuất sản phẩm này. Nhờ quyết định chuyển qua làm ống hút bằng tre, Cơ sở Việt Bắc đã phát triển “thần tốc” cung ứng ra thị trường 6 triệu ống hút mỗi tháng, trong đó 70% sản phẩm xuất khẩu.

Trước sự phát triển đó, ông chủ của Cơ sở Việt Bắc cũng đang xúc tiến thành lập công ty nhằm đưa hoạt động của mình chuyên nghiệp hơn và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. “Thành lập công ty sẽ tạo cho chúng tôi những điều kiện thuận lợi khi quy mô hiện đã lên hàng chục lao động, hơn nữa sẽ có đủ điều kiện để giao dịch với các đối tác khi đưa sản phẩm ra thị trường” - anh Nguyễn Quốc Thành khẳng định.

Phát triển thành doanh nghiệp từ hộ kinh doanh cá thể như Cơ sở Việt Bắc của anh Thành là một điều tự nhiên khi quy mô sản xất lớn mạnh, song trên thực tế đa phần các hộ kinh doanh cá thể khác chưa có nhu cầu như vậy. 

Chị Nguyễn T., một chủ hộ kinh doanh hàng thời trang trên đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa cho hay, cửa hàng chỉ có 2-3 nhân viên nên quy mô rất nhỏ, không có nhu cầu lên doanh nghiệp. Chị T. cũng lo lắng khi cho rằng chỉ mới là hộ kinh doanh cá thể đơn lẻ nhưng chị thường phải vất vả tiếp một số đơn vị của phường, các đoàn kiểm tra chuyên ngành..., lên doanh nghiệp chưa biết tình hình sẽ thế nào.

Tương tự, với anh Trần M. Tuấn, chủ một cơ sở cơ khí ở phường Trảng Dài, lên doanh nghiệp là chuyện của tương lai. “Cơ sở của chúng tôi chỉ có 3 nhân viên hoạt động lĩnh vực cơ khí, hàn xì, quy mô quá nhỏ để lên doanh nghiệp. Hơn nữa hiện tại không phải khi nào cũng có đơn hàng, việc làm không được thường xuyên, giai đoạn này nếu lên doanh nghiệp sẽ rất khó khăn” - chủ cơ sở này chia sẻ.

* Không nên gượng ép

Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2018, cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, giải quyết việc làm cho khoảng 8,6 triệu lao động. Còn theo Tổng cục Thuế, chỉ có gần 1,8 triệu hộ kinh doanh thuộc diện quản lý của cơ quan thuế và hơn 3,3 triệu hộ vẫn chưa đăng ký, nằm ngoài danh sách đóng góp thuế và quản lý của Nhà nước. Hộ kinh doanh cá thể có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, gắn với các ngành nghề truyền thống, có tiềm năng phát triển thành các doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh cá thể vẫn ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp Trong ảnh: Sản xuất tại xưởng cơ khí của một hộ kinh doanh cá thể ở TP.Biên Hòa
Hộ kinh doanh cá thể vẫn ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp Trong ảnh: Sản xuất tại xưởng cơ khí của một hộ kinh doanh cá thể ở TP.Biên Hòa. Ảnh:V.Gia

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp không phải dễ. Nguyên do là mô hình hộ kinh doanh thường nhỏ gọn trong gia đình, không cần bộ máy quản lý, đa số các hộ chưa có nhu cầu chuyển thành doanh nghiệp. Quan trọng nhất, hộ kinh doanh nộp thuế theo doanh thu hoặc thuế khoán sẽ đơn giản và thấp hơn so với mở sổ sách kế toán khi lên doanh nghiệp.

Đối với Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Hữu Nguyên cho hay dù quy định chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh sang doanh nghiệp đã có đủ các thông tư, văn bản hướng dẫn và cơ chế hỗ trợ nhưng khi áp dụng lại có nhiều hạn chế. “Sở đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát tình hình 150 ngàn hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn, nhưng thực tế số lượng doanh nghiệp mới kê khai là chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể không đáng kể. Từ khi triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 15 doanh nghiệp tham gia chuyển đổi” - ông Nguyễn Hữu Nguyên thông tin.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thuế kế toán Luật Việt Á cho rằng, bên cạnh việc ngại các khâu sổ sách, kế toán thì nguyên nhân sâu xa hơn là các hộ kinh chưa nhìn thấy  động lực để chuyển đổi:  “Hộ cá thể phải nhận thấy khi chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ đồng nghĩa với việc hoạt động chuyên nghiệp hơn, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ, mở rộng quy mô sản xuất cũng như tăng năng lực cạnh tranh”. Ông Tuấn lưu ý thêm, các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ cần sớm đi vào thực tế sản xuất chứ không chỉ dừng lại trên giấy tờ như hiện nay.

Trong năm 2019, Bộ KH-ĐT cũng đã tổ chức đoàn đi khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương về tình hình thành lập doanh nghiệp. Khi làm việc với Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Trung cho rằng, việc chuyển đổi không nên vì thành tích mà thực hiện ồ ạt sẽ dẫn đến chất lượng doanh nghiệp sau chuyển đổi không cao. “Thực tế có những doanh nghiệp sau khi chuyển đổi lên đã không phát triển được, thậm chí có doanh nghiệp quá khó khăn phải phá sản. Do đó, đây là vấn đề rất quan trọng phải làm từng bước, đặt hiệu quả lên hàng đầu” - lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.

Gần 2.400 doanh nghiệp thành lập mới

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết, trong 8 tháng của năm 2019, trên địa bàn tỉnh có gần 2.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là trên 25,23 ngàn tỷ đồng. Năm nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vốn đăng ký tăng gần 33%. Bên cạnh đó, còn có 225 doanh nghiệp điều chỉnh đăng ký bổ sung thêm vốn hơn 5,9 ngàn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh lĩnh vực hoạt động khá đa dạng gồm: sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng... Hiện nay, thủ tục để thành lập doanh nghiệp mới và bổ sung vốn, ngành nghề kinh doanh khá đơn giản. Doanh nghiệp có thể đăng ký qua mạng và nhận kết quả tại nhà, không mất thời gian đi lại.

Hương Giang

Văn Gia

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,017,033       18