Trong 8 tháng của năm 2019, xuất siêu của Đồng Nai đã đạt hơn 2,1 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng xuất siêu cả nước và tăng 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Đồng Nai xuất siêu và mỗi năm đều thiết lập kỷ lục mới.
Sản xuất thiết bị máy móc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch) |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 8 tháng của năm 2019, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu trên 12,76 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 10,66 tỷ USD.
Xuất siêu tăng cao là do các doanh nghiệp của tỉnh đã chú trọng tìm nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu để hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
* Những mặt hàng xuất siêu “khủng”
Nếu tính riêng từng ngành hàng thì Đồng Nai có một số mặt hàng xuất siêu khá lớn như: giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ, xơ sợi dệt, cà phê.
Đơn cử như ngành sản xuất giày da, trong 8 tháng của năm nay xuất khẩu gần 2,77 tỷ USD, nhưng chỉ phải nhập nguyên liệu gần 559 triệu USD. Như vậy riêng giày dép đã xuất siêu hơn 2,2 tỷ USD. Tiếp đến là sản phẩm từ gỗ với mức xuất siêu 775 triệu USD, dệt may là hơn 700 triệu USD, xơ sợi dệt là 474 triệu USD, cà phê gần 290 triệu USD...
Tuy nhiên, có những mặt hàng Đồng Nai đang phải nhập siêu lớn như: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, bắp, nguyên liệu thức ăn gia súc, chất dẻo, hóa chất... vì trong nước chưa đáp ứng được.
Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai cho hay: “Nguyên phụ liệu cho ngành may mặc ở thị trường nội địa ngày càng phong phú. Mấy năm trước, nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 10-25%, có những đơn hàng phải nhập khẩu nguyên liệu gần 100%. Tuy nhiên 1-2 năm gần đây, nguyên liệu trong nước đã đáp ứng 50-60%, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất”. Cũng theo ông Kích, nhiều doanh nghiệp dệt may đang tìm nguyên liệu trong nước để khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực, xuất khẩu sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế.
Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty cổ phần giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa) đánh giá: “Thời gian qua, Chính phủ đã chú ý đến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành giày dép nên tỷ lệ nguyên liệu nội địa có thể cung cấp từ 50-70%”. Đây cũng là yếu tố giúp cho xuất siêu của Đồng Nai không ngừng tăng lên.
* Đích đến là 3 tỷ USD
Kế hoạch của tỉnh là năm 2019 xuất khẩu sẽ đạt kim ngạch 20,3 tỷ USD và xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, nếu không có gì biến động lớn thì Đồng Nai sẽ đạt được mục tiêu trên. 4 tháng cuối năm là thời điểm nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh vào mùa sản xuất nên sẽ phải tăng công suất mới đáp ứng được như: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy tính, linh kiện điện tử...
Bà Shibata Ayako, Phó giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Nam Kaneko ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Công ty sản xuất các loại van dùng cho máy móc sản xuất hóa chất, xăng dầu, gas... và sản phẩm xuất khẩu gần 100%. Nguồn nguyên liệu hiện tại phần lớn có xuất xứ trong nước và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm để khi xuất khẩu vào những nước Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại sẽ được miễn giảm thuế, tăng sức cạnh tranh”.
Thực tế, thời gian qua, những tập đoàn nước ngoài đầu tư vào tỉnh thường kéo theo rất nhiều doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng sản phẩm đầu vào cho mình. Vì thế số lượng dự án FDI cấp mới của tỉnh đến trên 30% thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết: “Trong giữa tháng 9-2019, tỉnh sẽ xúc tiến thương mại tại Nhật Bản nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức xúc tiến thương mại tại chỗ để các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước gặp gỡ ký hợp đồng mua bán sản phẩm của nhau để hạn chế xuất khẩu, tăng xuất siêu”.
Hương Giang