Kinh tế

Nuôi thủy sản nước lợ: Cần tính toán lâu dài

Do Luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ đầu năm 2019 nên quy hoạch vùng, khu nuôi thủy sản tập trung huyện Nhơn Trạch không còn phù hợp. Việc quản lý nuôi trồng thủy sản được tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại hộ gia đình ông Huỳnh Văn Ba thuộc xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch)
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại hộ gia đình ông Huỳnh Văn Ba thuộc xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch). Ảnh:B.Nguyên

Tuy nhiên, nuôi thủy sản nước lợ vẫn là lĩnh vực đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp huyện Nhơn Trạch. Trong đó, nuôi tôm nước lợ đang đứng đầu về giá trị kinh tế so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác nên địa phương tiếp tục có nhiều chính sách để khuyến khích ngành này phát triển theo hướng bền vững.

* Rủi ro chạy theo phong trào

Xã Phú Hữu có nhiều diện tích đất ven sông. Thời gian qua, địa phương này tập trung hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm nước lợ.

Nói về hiệu quả của việc chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm, ông Trương Văn Thần, nông dân nuôi tôm thẻ ở xã Phú Hữu so sánh: “Hồi trước đây là vùng đất lúa, vì nhiễm mặn nên chỉ sản xuất được 1-2 vụ/năm cho thu nhập rất thấp. Trong khi chuyển sang nuôi tôm, một vụ được mùa, lợi nhuận cao hơn cả chục lần so với trồng lúa. Những gia đình chuyển từ trồng lúa và hoa màu sang nuôi tôm ngày càng khá giả”.

Tuy nhiên, theo nhiều nông dân, việc đầu tư phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản nước lợ không nên chạy theo phong trào vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Văn Hải, nông dân mới đầu tư nuôi tôm tại xã Phú Hữu lo lắng: “Thấy đầu tư nuôi tôm cho lợi nhuận cao, tôi cũng đổ vốn vào làm ao tôm. Vài vụ đầu thu hoạch tốt. Nhưng từ đầu năm đến nay, vụ nào tôi cũng phải bù lỗ, phần thì thị trường tôm xuống giá, phần thì dịch bệnh trên con tôm xuất hiện nhiều khiến không ít người chạy theo phong trào làm ao tôm rồi bị trắng tay như tôi, có người bị con tôm “ăn” mất nhà, mất đất”.

Cùng nỗi lo, bà Trần Phương Loan, nông dân nuôi hàu lâu năm tại xã Phước An nhận xét: “Thời gian đầu, nghề nuôi hàu cho thu nhập khá ổn định. Nông dân đổ xô nuôi mới, hộ nuôi cũ cũng mở rộng quy mô khiến số lượng bè nuôi tăng nhanh. Một số hộ ở đây bị phá sản, lâm cảnh nợ nần cũng vì nuôi hàu”.

* Chú trọng về “chất”

Theo báo cáo của huyện Nhơn Trạch, hiện tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản trên địa bàn huyện có trên 1,9 ngàn hécta, trong đó hơn 1,5 ngàn hécta nuôi thủy sản nước lợ, tập trung ở các địa phương như: Phước An, Phú Hữu, Vĩnh Thanh...

Nhiều địa phương đang tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng để phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản. Phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu Lê Thị Thanh Hồng cho biết: “Toàn xã có khoảng 35 hécta diện tích nuôi tôm tập trung ở ấp Rạch 7 và ấp Cát Lái chuyển đổi từ đất lúa. Nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên xã tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng phát triển mô hình sản xuất này theo hướng bền vững. Đường sá vào các ấp, xóm được đầu tư bài bản, nhất là ưu tiên kéo đường điện vào tận nơi sản xuất”.

Nuôi trồng thủy sản tại địa phương đã có bước chuyển đổi dần từ hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến lên bán thâm canh và thâm canh. Các hộ nuôi tôm ngày càng mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nhằm giảm rủi ro dịch bệnh vừa tăng năng suất, chất lượng con tôm nuôi. Ông Huỳnh Văn Ba, nông dân nuôi tôm tại xã Phú Hữu cho biết: “Vài năm trở lại đây, nuôi tôm gặp nhiều rủi ro hơn về dịch bệnh. Gia đình tôi chuyển từ nuôi ao đất theo cách truyền thống sang ứng dụng công nghệ lót vải bạt, phủ lưới cho ao nuôi. Nhờ quy trình nuôi an toàn sinh học từ việc xử lý nguồn nước đầu vào; vệ sinh bể nuôi thường xuyên và chọn lọc con giống tốt... nên kiểm soát tốt hơn về dịch bệnh, năng suất, chất lượng con tôm nuôi cũng đạt hơn”.

Theo Quyền Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân, sau khi huyện bỏ quy hoạch vùng, khu nuôi thủy sản tập trung, ngành nuôi trồng thủy sản vẫn phát triển ổn định gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Riêng với mô hình nuôi hàu, địa phương chỉ giữ ổn định số lồng bè nuôi hiện hữu chứ không khuyến khích phát triển thêm do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.

Bình Nguyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,131,269       409