Đồng Nai từng rộ lên phong trào nuôi động vật hoang dã như: rắn, đà điểu, cá sấu… Trong đó, nghề nuôi cá sấu từng phát triển khá mạnh vì đem về lợi nhuận "khủng" cho người nuôi.
Đồng Nai từng rộ lên phong trào nuôi động vật hoang dã như: rắn, đà điểu, cá sấu… Trong đó, nghề nuôi cá sấu từng phát triển khá mạnh vì đem về lợi nhuận “khủng” cho người nuôi. Nhưng hiện nay, các vật nuôi dạng đặc sản trên gặp nhiều khó khăn về đầu ra do phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiểu ngạch Trung Quốc.
Trại nuôi cá sấu của một nông dân tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán). Ảnh: B.Nguyên |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Hết thời lãi “khủng”
Nghề nuôi cá sấu ở Đồng Nai phát triển rộ lên hơn chục năm nay. Các cơ sở nuôi cá sấu chủ yếu tập trung tại các địa phương như: TP.Biên Hòa, huyện Định Quán, huyện Long Thành…
Nghề nuôi cá sấu từng có những giai đoạn hoàng kim với nhiều chủ trại nuôi trở thành tỷ phú vì đạt lợi nhuận khủng nhờ loài vật nuôi này. Cụ thể, năm 2014, giá cá sấu bán ra tại trại đều ở mức trên 200 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên đến 280 ngàn đồng/kg. Trong một thời gian ngắn phong trào nuôi cá sấu rộ lên chưa từng thấy và hiện vẫn trên đà tăng dù vài ba năm trở lại đây, thị trường đầu ra cho loài vật nuôi này bộc lộ khá nhiều bất ổn.
Theo nhiều cơ sở nuôi cá sấu, nghề này đã qua thời lãi khủng, giờ chỉ lấy công làm lời. Bà Nguyễn Thị Văn, chủ hộ nuôi cá sấu tại xã La Ngà (huyện Định Quán) dẫn chứng: “Từ đầu năm đến nay giá cá sấu luôn giữ ở mức thấp. Ngay cả thời điểm hút hàng, thương lái thu gom cá sấu xuất khẩu mạnh cũng chỉ bán được khoảng 92 ngàn đồng/kg cá loại 1; cá loại 2, 3 chỉ còn từ 70-80 ngàn đồng/kg. Với giá này, trại nào nuôi khéo, cá không bị hao hụt, dịch bệnh thì còn lời chút đỉnh hoặc huề vốn còn không là cầm chắc thua lỗ”.
Trước đây, cá lớn, cá nhỏ đều được thương lái mua đồng giá nên gặp đợt giá rẻ, người nuôi cá sấu có thể giữ đàn chờ giá tốt. Nhưng hiện thương lái chỉ mua cá đạt trọng lượng từ 10-15 kg, cá càng lớn càng bị ép giá, thậm chí không có ai mua nên đến kỳ là chủ trại buộc phải xuất bán.
Trái với nuôi cá sấu đang rơi vào khủng hoảng, hiện nuôi chim yến đang đứng đầu danh sách nghề “hốt ra tiền” nên nhà nhà đổ vốn vào đầu tư. Chim yến hiện vẫn nằm ngoài danh mục vật nuôi thuộc quy hoạch chăn nuôi của Nhà nước. Nhưng thời gian gần đây, phong trào nuôi chim yến phát triển rầm rộ chưa từng thấy.
Theo số liệu báo cáo của Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, tính đến tháng 8-2019, toàn tỉnh có 432 cơ sở nuôi chim yến, tăng hơn gấp đôi so với năm 2018. Tuy chi phí đầu tư một nhà yến từ đất đai đến xây nhà cho yến trú ngụ cần hàng tỷ đồng nhưng số lượng cơ sở nuôi tăng quá nhanh thời gian qua đã chứng minh cho sự hấp dẫn của mô hình này.
Khu nuôi cá sấu tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP.Biên Hòa). Ảnh: Minh Quân |
Theo chủ các cơ sở nuôi yến, nuôi yến là nghề mang lại lợi nhuận cao vì đây là loài chim ngoài tự nhiên không cần tốn thức ăn, công chăm sóc lại ít xảy ra dịch bệnh... Trong khi đó, 1kg tổ chim yến hiện có giá hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ai đổ tiền tỷ đầu tư cũng thành công vì nhiều nhà yến xây lên đành bỏ hoang vì yến không về làm tổ.
Ông Đỗ Đức Thiên, nông dân nuôi yến tại phường Xuân Thanh (TP.Long Khánh) nhận xét: “Hiện nay đầu tư 1 nhà yến cần hàng tỷ đồng nhưng người dân vẫn đua nhau làm dù nghề nuôi chim trời này không phải ai làm cũng trúng. Càng nhiều nhà yến được xây lên, lượng chim yến càng ít cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà yến xây lên 5-7 năm vẫn chưa có nguồn thu vì không có yến về làm tổ”.
* Nhiều rủi ro
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, có gần 100 cơ sở nuôi yến (chiếm gần 1/4 tổng số cơ sở nuôi yến) mới xây hoặc xây lâu nhưng vẫn chưa khai thác được vì yến không về hoặc về quá ít.
Ông Trịnh Quốc Mạnh, chủ Cơ sở yến sào Hải Triều (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) nói: “Nuôi chim yến là một nghề khá phiêu lưu vì phải tốn hàng tỷ đồng đầu tư mà rất khó nắm chắc sự thành bại. Trong đó, việc thu hút được yến về làm tổ không hề dễ. Chính vì vậy, khi đầu tư thêm nhà yến, tôi phải bỏ hàng tháng trời lang thang đi khảo sát tại nhiều tỉnh, thành như: Bảo Lộc, Ninh Thuận mới chọn được nơi làm nhà yến phù hợp chứ không phải ở đâu cũng có thể đầu tư”.
(Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Cùng quan điểm, ông Lê Phú Trung, người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi yến, xây dựng nhà yến tại xã Sông Trầu nhận xét: “Việc xây dựng nhà yến ồ ạt theo phong trào gây rất nhiều rủi ro. Vì muốn hình thành một nhà yến mới cần thu hút được chim con về trú ngụ. Nhưng nhiều địa phương, nhà yến mọc lên san sát và thường không hiệu quả vì quá nhiều nhà yến trong khi khu vực đó nguồn chim non không có hoặc quá ít”.
Đầu tư ồ ạt theo phong trào cũng là nguyên nhân khiến nhiều loài động vật hoang dã (vốn dĩ “kén” thị trường) gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Ông Nguyễn Văn Khéo (ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) từng đầu tư nuôi rất nhiều loài vật hoang dã không đụng hàng như: rắn, gà rừng, chim trĩ…Nhưng rồi ông đều bỏ các loài vật nuôi này vì không tìm được kênh tiêu thụ ổn định.
Ông Khéo chia sẻ: “Thời gian gần đây, tôi đầu tư nuôi con dúi. Đầu ra của loài vật này khá kén khách hàng nên tôi không chỉ nuôi dúi thịt mà phát triển mạnh dòng dúi sinh sản cung cấp cho nhu cầu nuôi cảnh, nuôi thịt ở khắp các tỉnh, thành. Tuy nhiên, tôi không phát triển đàn ồ ạt mà chỉ tăng đàn khi có nguồn khách mua ổn định”.
Bình Nguyên