Kinh tế

Gian nan xử lý heo bị dịch

Dịch tả heo châu Phi không những gây khó khăn, khổ sở cho người chăn nuôi mà các ngành chức năng cũng đang rất vất vả để xử lý. Các địa phương đã thành lập đội xử lý nhằm đảm bảo đúng theo quy định, hạn chế lây lan dịch và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Đội xử lý dịch tả heo châu Phi của xã Lộ 25, huyện Thống Nhất đang đưa heo lên xe mang đi tiêu hủy, xử lý ngày 30-7
Đội xử lý dịch tả heo châu Phi của xã Lộ 25, huyện Thống Nhất đang đưa heo lên xe mang đi tiêu hủy, xử lý ngày 30-7

Theo chân Đội xử lý dịch tả heo châu phi xã Lộ 25 vào trưa 30-7, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi vất vả, khổ cực của các thành viên trong đội.

* Ăn không ngon, ngủ không yên

Lúc chúng tôi có mặt tại trại heo khoảng 2 ngàn con của ông Đ.B.H. ở ấp 3 cũng là thời điểm đội xử lý dịch đang tất bật cho công tác đưa heo lên xe để vận chuyển ra bãi tập kết. Mọi người hì hục kéo xác heo từ trong chuồng ra xe. Chúng tôi phải bịt mũi vì mùi thối bốc ra từ những con heo chết.

Vừa lôi con heo nái hơn 2 tạ đã trương sình, anh Vũ Bình Định, Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Lộ 25, thành viên của đội xử lý cho biết: “Đi xử lý heo rất khổ cực. Không kể ngày đêm, nắng mưa, khi có chỉ đạo của UBND xã là chúng tôi lên đường đến các trại heo. Ở một số trại lớn có khi heo chết buổi tối nhưng đến trưa hôm sau gia đình mới báo, khi xử lý thì heo trương sình, bốc mùi hôi thối nồng nặc không tài nào chịu nổi. Nhiều hôm về nhà tôi không ăn cơm nổi”.

Trong khi đó, anh Vũ Văn Kiên, cán bộ địa chính - nông nghiệp - môi trường xã Lộ 25, người thường xuyên có mặt kịp thời ở những “điểm nóng”, đang tranh thủ ngồi ăn bánh mì. “Cả tháng nay chúng tôi hầu như ăn không ngon, ngủ không yên. Đội xử lý của chúng tôi không chỉ đến các trại đưa heo lên xe để đưa đi tiêu hủy mà còn thường xuyên đến các khu vực cầu cống, suối và bãi rác tự phát trên địa bàn xã Lộ 25 để kiểm tra tình trạng người dân thiếu ý thức vứt heo chết ra môi trường. Những khu vực ấy có nhiều con heo đang trong thời gian phân hủy nhưng chúng tôi cũng phải tìm cách thu gom đưa về nơi tập trung xử lý đúng quy định” - anh Kiên cho hay.

Anh Kiên cho biết thêm, có hôm vào khoảng 2 giờ sáng người dân đi soi ếch ở suối cầu ấp 2 đã phát hiện nhiều con heo chết trương sình, mắc kẹt ở khu vực cầu. “Nhận được tin báo của người dân, anh em chúng tôi lại phải lên đường. Chúng tôi vừa mất ngủ vừa phải ngửi mùi hôi thối rất kinh khủng. Nhưng anh em phải tập trung làm vì nếu không xác heo sẽ trôi về hạ lưu, ảnh hưởng đến môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh” - anh Kiên tâm sự.

* Làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm

Xã Lộ 25 có tổng đàn heo trên 10 ngàn con. Địa bàn xã giáp ranh các huyện Cẩm Mỹ, Long Thành, Trảng Bom. Trong thời gian qua, ngoài việc thành lập đội xử lý dịch tả heo châu Phi, xã Lộ 25 đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không mang xác heo chết ra vứt ở các bãi rác, suối và chân cầu. Tuy nhiên, do trên địa bàn có con suối Sông Nhạn rộng và kéo dài nên người dân vẫn thường mang xác heo chết ra vứt xuống. Khi nhận được thông tin, không kể ngày đêm, đội xử lý dịch tả heo châu Phi đều lên đường.

Ông Trần Quang Thảo, Phó chủ tịch UBND xã, Đội trưởng Đội xử lý dịch tả heo châu Phi xã Lộ 25 cho biết: “Để đảm bảo tiến hành xử lý đúng theo quy định và hạn chế lây lan dịch bệnh, tránh ô nhiễm môi trường, đội xử lý hoạt động liên tục. Khi có hộ chăn nuôi nào thông báo, anh em đến ngay hỗ trợ các ban, ngành lấy mẫu xét nghiệm. Nếu có kết quả, đội sẽ tập trung đến để xử lý. Nếu có đất và được gia đình đồng ý đảm bảo vệ sinh môi trường, chúng tôi sẽ xử lý tại chỗ. Nếu không thì chúng tôi đưa heo đến hố xử lý tập trung. Nhiều bữa gặp trại nào lớn, heo chết nhiều, chúng tôi phải chia ca làm đến 11-12 giờ đêm”.

Khó khăn của xã Lộ 25 hiện nay là lực lượng mỏng trong khi địa bàn xã có con suối Sông Nhạn dài hơn 9km với 7 cái cầu bắc qua. Một số chủ trại heo vẫn lén lút mang heo chết ra các cầu suối để vứt khiến công tác xử lý rất vất vả. Đến cuối tháng 7-2019, trên địa bàn xã Lộ 25 đã có trên 400 tấn heo bị thiêu hủy, xử lý. “Nhưng nhờ sự chủ động và làm việc có trách nhiệm của các thành viên Đội xử lý dịch tả heo châu Phi của xã nên các đàn heo nhiễm bệnh của các hộ dân đã cơ bản được xử lý kịp thời, đúng theo quy định, hạn chế tối đa việc lây lan dịch ra bên ngoài” - ông Thảo cho biết thêm.

Hữu Thắng

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,057,748       60