Kinh tế

Kinh doanh trực tuyến: Tiềm năng, nhưng khó "quản"

Vài năm gần đây, thương mại điện tử ngày càng phổ biến với nhiều loại hình dịch vụ, phân phối, nhất là hình thức kinh doanh trực tuyến. Đây được xem là mảnh đất "màu mỡ", giàu tiềm năng...

Vài năm gần đây, thương mại điện tử ngày càng phổ biến với nhiều loại hình dịch vụ, phân phối, nhất là hình thức kinh doanh trực tuyến. Đây được xem là mảnh đất “màu mỡ”, giàu tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác, đồng thời mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Hình thức mua hàng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ  Ảnh: Hải Quân
Hình thức mua hàng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ Ảnh: Hải Quân

TIN LIÊN QUAN
Tuy nhiên, hiện tại các quy định pháp luật, hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với xu hướng. Nhiều trường hợp người tiêu dùng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… thông qua các kênh kinh doanh trực tuyến.

* Thị phần mở rộng

Việc ngồi nhà lên mạng chọn mua hàng qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... với nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của rất nhiều người tiêu dùng.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam trong năm 2018 ước tính đạt khoảng 30% so với năm 2017. Về quy mô, dù điểm xuất phát thấp (khoảng 4 tỷ USD trong năm 2015) nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.

Thị trường này ngày càng được mở rộng, đa dạng các dịch vụ, lĩnh vực bao gồm: hoạt động bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến, mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác…

“Cuộc chiến” về thương mại điện tử Việt Nam hiện nay đang được định hình bởi các tên tuổi lớn như: Lazada và Shopee là 2 thương hiệu quốc tế và Tiki và Sendo được sáng lập bởi các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, còn có nhiều “tên tuổi” cũng đã quen mặt như: thegioididong.com, adayroi.com… hay các “chợ” rao vặt như: chotot.vn, muabannhanh.com…

Đa số các sàn thương mại điện tử hiện nay sử dụng mô hình giao dịch thương mại doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và mô hình giao dịch giữa người bán lẻ cá nhân và người tiêu dùng (C2C)…

Số lượng người truy cập để mua sắm, cũng như kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử ngày càng tăng nhanh. Đơn cử, theo Vecom, một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam là Lazada được ước tính có trên 50 ngàn nhà bán hàng và đối tác. Hằng tháng, sàn này thu hút trên 100 triệu lượt truy cập.

Đối với Đồng Nai, theo kết quả khảo sát của Vecom, chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Đồng Nai xếp hạng thứ 7 toàn quốc với 51,7 điểm. Đồng Nai hiện nằm trong tốp những địa phương đạt chỉ số khá cao từ 50/100 điểm trở lên, xếp sau các địa phương như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…

Hình thức mua hàng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ  Ảnh: Hải Quân
Hình thức mua hàng trực tuyến đang ngày càng phổ biến, nhất là đối với giới trẻ Ảnh: Hải Quân

Riêng tiêu chí thành phần giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), Đồng Nai xếp thứ 7 đứng sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng. Số lượng tên miền “.vn” của Ðồng Nai xếp hạng 5 cả nước với khoảng 5.750 trang web lấy tên miền “.vn”.

Hiện nay UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 và chương trình phát triển thương mại điện tử hằng năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hệ thống thanh toán điện tử quốc gia, sử dụng rộng rãi các mô hình giao dịch thương mại điện tử.

Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở đã phối hợp với Bưu điện Đồng Nai tổ chức hội nghị đưa sản phẩm đặc sản của Đồng Nai lên sàn giao dịch điện tử
Postmart.vn cho hơn 50 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.

* Người người bán hàng “online”

Số lượng các trang bán hàng trực tuyến, các trang kinh doanh trên mạng xã hội ngày càng nhiều cùng với nhiều hình thức kinh doanh online mới. Đây vừa là cơ hội để phát triển thị trường vừa là thách thức đối các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi quảng bá, kinh doanh sản phẩm trực tuyến…

Kết quả khảo sát cho thấy mạng xã hội tiếp tục là kênh tiếp thị phổ biến nhất của doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45%. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với bán hàng qua website là 32% và bán hàng qua ứng dụng di động đạt 22%.

10 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử trong năm 2018 và xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai qua các năm 2016-2018. (Nguồn: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) - Đồ họa: Hải Quân)
10 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử trong năm 2018 và xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai qua các năm 2016-2018. (Nguồn: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) - Đồ họa: Hải Quân)

Bên cạnh đó, việc kinh doanh trực tuyến ngày càng đơn giản, ít chịu chi phí về mặt bằng trong khi lợi nhuận đem lại thường khá cao. Do đó, số người tham gia “bán hàng online” ngày càng nhiều, đa dạng thành phần từ các bà mẹ “bỉm sữa”, sinh viên đến dân văn phòng, từ việc bán hàng bán thời gian để kiếm thêm thu nhập đến coi bán hàng trên mạng là hoạt động kinh doanh chính… Đặc biệt, các loại hình như “live stream” (phát trực tiếp) bán hàng, giao dịch qua tài khoản trực tuyến… xuất hiện ngày càng nhiều.

Chị N.T., người từng kinh doanh các loại son môi, sữa tắm, dầu gội đầu… online ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, nguồn lợi nhuận khi bán hàng qua mạng thường khá cao, ngoài các chi phí để được nhượng quyền sử dụng các hình ảnh quảng cáo của đại lý, chi phí chạy quảng cáo… thì lợi nhuận thu về thường gấp đôi so với số vốn bỏ ra nếu hàng “bán chạy”.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử - kinh tế số (Bộ Công thương) nhận định, hoạt động thương mại điện tử phát triển khá nhanh chóng ở nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai. Điều này đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong công tác quản lý dữ liệu các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, kiểm soát xuất xứ, chất lượng hàng hóa trong nền tảng thương mại số hóa…

* Tồn tại nhiều rủi ro

Việc mua hàng online tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Nhiều khách hàng băn khoăn với “ma trận” các sản phẩm được quảng cáo, bày bán trên nhiều trang thương mại điện tử lớn, cũng như các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram… Ngoài ra, nguy cơ thông tin cá nhân của khách hàng bị “lấy cắp” cũng rất cao khi mua hàng trực tuyến, nhất là ở các giao dịch trên các trang mạng xã hội.

Chị Thùy Trang (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ, chị cũng đã từng vấp phải tình trạng khi mua hàng online, nhất là các sản phẩm về thời trang, nước hoa… được rao bán với hình ảnh đẹp, nhưng khi mua về hàng bị lỗi hoặc thông tin sản phẩm bị mờ.

Theo Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai, khoảng 30% lượt khiếu nại, thắc mắc của người tiêu dùng đến Hội thường liên quan đến những vấn đề về mua hàng trực tuyến. Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai nhận định, với phương thức chọn mua sản phẩm chủ yếu thông qua hình ảnh trên không gian mạng nên người tiêu dùng khó có thể xác thực được nguồn gốc, mẫu mã khi mua hàng trực tuyến.

Do đó, đây là môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro như: mua phải hàng giả, hàng không đúng với quảng cáo, cam kết chất lượng, các vấn đề liên quan đến bảo hành, đổi trả sản phẩm...

Ông Phạm Gia Hải cho biết thêm, việc xử lý các khiếu nại, thắc mắc của người tiêu dùng liên quan đến vấn đề mua bán hàng trực tuyến cũng khó khăn do nhiều trường hợp không thể xác định được địa chỉ người bán hàng trên mạng. Ngoài ra, một số quy định pháp luật hiện chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động kinh doanh trực tuyến, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số…

Không dễ để thu thuế kinh doanh “online”

Theo ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, việc quản lý và thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử vẫn là một vấn đề nan giải; đặc biệt đối với hình thức kinh doanh trên các kênh mạng xã hội.

Ngành thuế rất khó xác định địa chỉ cư trú thực của các chủ tài khoản, bởi nhiều người thường trú ở các tỉnh, thành khác nhau. Chưa kể trường hợp ở trên mạng các chủ tài khoản đăng ký với một tên khác, nhưng thực tế ngoài đời lại là tên khác.

Việc xác định được doanh thu để truy thu thuế cũng gặp khó khi nhiều giao dịch mua bán qua mạng, nhất là giao dịch bán hàng có giá trị nhỏ được thanh toán bằng tiền mặt…

Trong thời gian tới, Cục Thuế Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các cơ quan chức năng liên quan, các nhà mạng, tăng cường công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra, thông tin - tuyên truyền đối với các cá nhân, doanh nghiệp... có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử về việc kê khai, nộp thuế theo quy định.

Vân Nam

Lam Phương

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,134,380       761