Kinh tế

Long Thành "tăng tốc" phát triển đô thị

Ngày 25-7-2019, huyện Long Thành tổ chức lễ công bố thị trấn Long Thành đạt đô thị loại IV. Đây sẽ là tiền đề để huyện tiếp tục "tăng tốc" trong phát triển kinh tế - xã hội để trở thành một trong những khu đô thị lớn của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 25-7-2019, huyện Long Thành tổ chức lễ công bố thị trấn Long Thành đạt đô thị loại IV. Đây sẽ là tiền đề để huyện tiếp tục “tăng tốc” trong phát triển kinh tế - xã hội để trở thành một trong những khu đô thị lớn của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Một góc thị trấn Long Thành
Một góc thị trấn Long Thành

Ngày 27-5-2019, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 448/QĐ-BXD công nhận Khu vực thị trấn Long Thành mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV. Thị trấn Long Thành hiện hữu có diện tích hơn 928 hécta và sẽ mở rộng lên gần 1.743 hécta.

* Đầu mối giao thông của vùng

Với lợi thế tập trung nhiều dự án giao thông lớn của quốc gia, như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành; đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Long Thành - Vũng Tàu; Quốc lộ 51... huyện Long Thành được xem như đầu mối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, thị trấn Long Thành là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của huyện nên được công nhận là đô thị loại IV, cộng với những lợi thế trên sẽ mở ra nhiều cơ hội để kinh tế của địa phương tăng trưởng nhanh.

Theo UBND huyện Long Thành, thị trấn Long Thành mở rộng có 17 dự án phát triển đô thị, trong đó các dự án đã hoàn thành gồm: Khu phố chợ Long Thành, Khu dân cư lâm trường, Khu tái định cư Kim Sơn, Khu dân cư Công an huyện, Khu nhà ở của Công ty khai thác cát Đồng Nai... Ngoài ra, còn có nhiều dự án đang triển khai như: dự án Khu dân cư Hợp tác xã Long Thành, dự án Khu dân cư Công ty Riverside...

Ông Trần Thanh Phong, Chủ tịch UBND thị trấn Long Thành cho biết: “Thị trấn đã đạt và vượt các tiêu chí về đô thị loại IV, khi được công nhận chính thức, sẽ giúp thị trấn nhận được thêm nhiều đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, huyện để phát triển. Người dân trên địa bàn thị trấn cũng rất trông đợi trong tương lai, hạ tầng giao thông được đầu tư nhiều hơn sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế”.

Hiện thu nhập bình quân đầu người của thị trấn Long Thành là 65 triệu đồng/người/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tăng trưởng kinh tế 3 năm trở lại đây đều đạt gần 16%/năm; thu ngân sách nhà nước luôn vượt kế hoạch và có thể cân đối thu chi ngân sách.

Trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 thị trấn Long Thành, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đô thị Long Thành sẽ là khu vực trung tâm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của tỉnh. Đồng thời, đô thị Long Thành là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm công nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Bộ Xây dựng, thị trấn Long Thành là một trong số ít đô thị trên cả nước xin nâng hạng đã có nhiều tiêu chí vượt và đạt.

Bà Nguyễn Thị Hà ở thị trấn Long Thành cho hay: “Tôi và nhiều người dân ở thị trấn mong muốn tới đây tỉnh, huyện sẽ ưu tiên đầu tư nhiều công trình giúp phát triển thương mại, dịch vụ tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn”.

Thị trấn Long Thành đạt tiêu chí đô thị loại IV phù hợp với định hướng quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện và là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn, huyện. Đồng thời là cơ sở để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo tiêu chí cao hơn, nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị và phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị thế là là đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện.

* Long Thành phấn đấu lên thị xã

Do nhu cầu phát triển, khu vực thị trấn Long Thành sẽ mở rộng, tăng diện tích lên gấp gần 2 lần, dân số hơn 52 ngàn người. Trong đó, bao gồm thị trấn hiện hữu và một phần của 4 xã lân cận. Cụ thể, xã An Phước khoảng 442 hécta, Long Đức 216 hécta, Lộc An hơn 70 hécta, Long An khoảng 86 hécta. Sau khi thị trấn được mở rộng sẽ tiếp tục nâng cao các tiêu chí để trở thành đô thị loại III vào giai đoạn 2020 -2030.

Thị trấn Long Thành mở rộng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện, tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì ở gần trung tâm lớn của cả nước là TP.Hồ Chí Minh, các cảng biển, cùng với những tuyến giao thông huyết mạch của vùng, quốc gia sẽ tạo cho Long Thành lợi thế về mở rộng giao lưu, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường liên kết với các khu vực khác trong vùng, các huyện khác trong tỉnh.

Ông Trần Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã An Phước cho biết: “Tới đây, 442 hécta thuộc xã An Phước sẽ nằm trong khu vực thị trấn mở rộng. Hiện diện tích của xã rất lớn khoảng 3.400 hécta, dân số trên 30 ngàn người nên điều chỉnh về thị trấn sẽ không ảnh hưởng gì đến phát triển của xã”. Cũng theo ông Tiếp, người dân được chuyển về thị trấn sẽ rất vui vì đất đai có giá, đời sống vật chất, tinh thần cũng tốt hơn.

Mục tiêu của huyện Long Thành là sẽ trở thành thị xã trong 2-3 năm tới, mà tiền đề là đạt đô thị loại IV và mở rộng thị trấn để góp phần phát triển thành thị xã. Hiện huyện đã thuê đơn tư vấn đánh giá các tiêu chí trở thành thị xã để có kế hoạch hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức cho biết: “Hiện nay, Long Thành đã có một số tiêu chí đạt tiêu chuẩn của thị xã. Từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng trưởng của huyện đạt 13-16%/năm, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Trở thành thị xã sẽ giúp Long Thành phát triển nhanh hơn”.

Tuy nhiên, đô thị Long Thành còn một số tiêu chí cần hoàn thiện tiếp là nâng cấp hệ thống cấp nước sạch, nâng cao chỉ tiêu cấp nước sạch cho người dân. Chú ý thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt và nâng cao cơ sở hạ tầng, cây xanh cảnh quan và hoàn thiện chất lượng đô thị.

Hương Giang

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        3,135,182       506